Hành trình 20 năm giảm nghèo

Bài 2: Nguy cơ tái nghèo luôn rình rập

Thành tựu xóa đói giảm nghèo (XĐGN) trong hai mươi năm qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo luôn thường trực, số hộ thiếu đói giáp hạt vẫn còn cao,… vẫn là một thực tế.

Thành tựu xóa đói giảm nghèo (XĐGN) trong hai mươi năm qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo luôn thường trực, số hộ thiếu đói giáp hạt vẫn còn cao,… vẫn là một thực tế. Một phần nguyên nhân là do chính sách giảm nghèo mới triển khai trên diện rộng, chưa chú trọng đến yếu tố bền vững.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng

Kết thúc năm 2017, theo ước tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTH&XH), tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn dưới 7%. Trước đó, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước là 8,23%.

Chú thích ảnh
Nhiều hộ vẫn chưa ổn định sản xuất

Như vậy, so với thời điểm hai mươi năm trước, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước  đã giảm mạnh, nhất là khi đặt trong mối quan hệ nghèo đa chiều (từ 37,4%-nghèo theo thu nhập năm 1998 giảm xuống dưới 7% theo chuẩn nghèo đa chiều). Tuy nhiên, thực tế giảm nghèo giữa các địa phương, vùng miền ngày càng doãng rộng.

Theo Quyết định 945/QĐ-BLĐTBXH ngày 24/6/2017 của Bộ LĐTH&XH về phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong khi nhiều tỉnh thành khu vực đồng bằng, thành thị, số hộ nghèo là không nhiều (riêng tỉnh Bình Dương hiện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo) thì nhiều địa phương miền núi, vùng DTTS, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Cao nhất là tỉnh Điện Biên với tỷ lệ 48,14%; kế đến là Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%), Lai Châu (40,40%),…

Đáng chú ý, khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn với khu vực thành thị, giữa đồng bằng với miền núi còn là một khoảng cách rất lớn. Hiện khoảng cách này vẫn chưa có nhiều thay đổi so với thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về XĐGN lần đầu tiên được phê duyệt.

Theo “Kết quả điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999” của Tổng cục Thống kê, năm 1996, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 187,9 nghìn đồng/người/tháng, chỉ bằng 37% so với thu nhập bình quân ở khu vực thành thị (509,4 nghìn đồng/người/tháng).

Đến hết năm 1999, sau gần 2 năm thực hiện CTMTQG về XĐGN, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên 225 nghìn đồng/người/tháng; trong khi thu nhập bình quân ở khu vực thành thị tăng lên 832,5 nghìn đồng/người/tháng. Như vậy, thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ bằng khoảng 27% thu nhập bình quân ở khu vực thành thị.

Sau hai mươi năm, khoảng cách về thu nhập giữa các khu vực, vùng miền có rút ngắn nhưng không nhiều. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 2,44 triệu đồng/người/tháng, bằng khoảng 55,8% so với khu vực thành thị. Trong 18 năm (1999-2017), tốc độ thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn là khoảng 28,8%; bình quân mỗi năm, khu vực nông thôn “gần” hơn khu vực thành thị khoảng 1,5% về khoảng cách thu nhập.

Chú thích ảnh
Đồng bào vẫn còn ở phân tán, khó có thể đầu tư cơ sở hạ tầng.

Việc rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa các vùng miền cũng rất chậm. Như các tỉnh trung du-miền núi phía Bắc, năm 1999, thu nhập bình quân đầu người là 210 nghìn đồng/người/tháng; bằng 25,2% so với thành thị. Đến năm 2017 là 2,03 triệu đồng/người/tháng, bằng 44,6% so với thành thị. Như vậy, qua 18 năm, tốc độ thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các tỉnh trung du-miền núi phía Bắc so với vùng thành thị chỉ được 19,4%, bình quân mỗi năm thu hẹp được hơn 1,1%/năm.

Chồng chéo chính sách

Khoảng cách về thu nhập cũng như sự chênh lệch lớn về tỷ lệ hộ nghèo giữa các khu vực, vùng miền đã đặt ra những mệnh đề cần gấp rút được giải quyết trong công tác XĐGN của nước ta. Trước hết là mâu thuẫn trong mục tiêu-giảm nghèo nhanh nhưng lại thiếu bền vững. Thực tiễn cho thấy, để đạt được yếu tố “nhanh” thì chắc hẳn, yếu tố bền vững sẽ khó hoàn thành.

Theo Ủy ban Dân tộc, để đạt mục tiêu vừa giảm nghèo nhanh, lại bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi là bài toán khó. Bởi xuất phát điểm cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp của từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc đều có khác biệt.

Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho giảm nghèo cũng phải cân đối trên tổng thể nguồn lực chung của quốc gia, những tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai, bão lũ những năm gần đây... đã ảnh hưởng lớn đến việc giảm nghèo bền vững. Nhiều vùng sau 2-3 năm đầu tư, đời sống dân sinh được cải thiện, thay đổi mạnh, nhưng sau một trận bão lũ, sạt lở đất gần như quay về xuất phát điểm ban đầu...

Chú thích ảnh
Hiện tượng tái nghèo vẫn ở mức cao.

Một thực tiễn chứng minh cho sự thiếu bền vững trong XĐGN là tổng số lượt người phải cứu đói đang tăng lên trong vài năm gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, Chính phủ phải hỗ trợ lương thực cho trên 1 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 16,4% so với năm 2015. Còn năm 2017, cả nước có trên 2,2 triệu nhân khẩu thiếu phải cứu đói.

“Điểm nghẽn” đáng chú ý trong hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành là sự dàn trải, chồng chéo khiến nguồn lực thực hiện bị phân tán. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ XĐGN chưa hợp lý, tập trung nhiều vào việc trợ cấp tình thế khó khăn hơn là hỗ trợ nhằm đa dạng hóa sinh kế nhằm giúp người nghèo tự thoát nghèo, giảm nghèo bền vững. Bởi vậy, hiện tượng tái nghèo và nguy cơ tái nghèo luôn thường trực, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thường xuyên đối diện với thiên tai...

Những tồn tại, hạn chế trong hệ thống chính sách XĐGN hiện đã được nhận diện. Cùng với đó, thực trạng nghèo của nước ta, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi cũng đã được phân tích ở nhiều góc độ. Đây là cơ sở để việc hoạch định chính sách giảm nghèo cho những giai đoạn tiếp theo sát hơn với thực tiễn hơn. Nhưng để thay đổi tư duy xây dựng chính sách, nhất là chính sách trụ cột như giảm nghèo, thì không thể một sớm một chiều.

 

Bài và ảnh: Trọng Thủy (Báo Tin tức)
Đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Nông được hưởng nhiều chính sách đặc thù
Đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Nông được hưởng nhiều chính sách đặc thù

Ngày 17/8, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Đắk Nông về việc triển khai thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN