Việc thực hiện luân phiên cán bộ y tế về hỗ trợ tuyến cơ sở tại TP Hồ Chí Minh đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần “tăng chất” cho bệnh viện tuyến dưới, đồng thời “giảm lượng” cho bệnh viện tuyến trên; giúp người dân ở các quận, huyện được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao.
Giải quyết thiếu hụt nhân sự
Có một thực tế là các bệnh viện tuyến quận, huyện của TP Hồ Chí Minh đều trong tình trạng thiếu cán bộ y bác sỹ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở các chuyên khoa như: Sản, nhi, nội, ngoại... Đơn cử như bệnh viện huyện Củ Chi chỉ có 12 bác sỹ, trong đó, khoa nhi và khoa sản vẫn chưa có bác sỹ, dù đây là 2 khoa có lượng bệnh nhân khám và chữa bệnh rất cao. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại bệnh viện huyện Cần Giờ. Theo tính toán của bệnh viện, hiện còn thiếu khoảng 20 bác sỹ.
Việc luân chuyển bác sĩ về tuyến dưới đã phần nào giải quyết được tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại các bệnh viện cơ sở. |
“Thực hiện đề án luân phiên cán bộ y tế về hỗ trợ tuyến cơ sở, TP Hồ Chí Minh đã tăng cường bác sỹ từ các Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương... về cơ sở của chúng tôi, góp phần giải quyết tình trạng thiếu bác sỹ có trình độ chuyên môn cao của bệnh viện”, bác sỹ Lý Văn Hạng, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), chia sẻ.
Cũng theo bác sỹ Lý Văn Hạng, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho bệnh viện, việc tăng cường này còn giúp các bệnh nhân tuyến huyện không phải di chuyển đi xa, giảm chi phí, mà vẫn được hưởng những dịch vụ cao. “Chưa kể việc cùng làm với những bác sỹ giỏi, sẽ giúp chính các y, bác sỹ của bệnh viện có cơ hội học hỏi, nâng cao năng lực, tay nghề của mình”, bác sỹ Hạng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, bác sỹ Trần Ninh Bảo Nhi, Trưởng khoa Sản bệnh viện huyện Cần Giờ, cho biết: “Việc các bệnh viện tuyến trên cử cán bộ xuống bệnh viện quận, huyện đã giúp các bệnh viện tuyến dưới về mặt nhân lực rất lớn và giúp các bác sỹ ở tuyến dưới học hỏi về chuyên môn rất nhiều”.
Là một bác sỹ tăng cường tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, bác sỹ Nguyễn Thanh Tuệ, bác sỹ Chuyên khoa I Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết: “Từ khi thực hiện đề án luân phiên cán bộ y tế, những phẫu thuật như mổ ruột thừa, bướu cổ hay mổ gân, dây chằng đã được triển khai tại các bệnh viện tuyến quận, huyện”.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ khi triển khai đề án đến nay, Sở Y tế đã tổ chức hai đợt ra quân, với hơn 50 bác sỹ được tăng cường cho tuyến dưới. Hầu hết các cán bộ y tế được cử đi luân phiên đều là những người có trình độ chuyên môn cao ở các lĩnh vực, như: Hồi sức cấp cứu, ngoại tổng quát, ngoại chấn thương chỉnh hình, nhi khoa, nội tổng quát, sản, nhiễm, mắt, tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình...
Có lợi cho dân
Từ ngày có bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ luân chuyển về, người dân huyện Củ Chi rất vui mừng. Bởi từ đây, họ đỡ phải vất vả đi xa, xếp hàng chờ đợi cả ngày để được khám ở bệnh viện tuyến trên. “Trước kia, mỗi khi con bệnh tôi phải đi mất một tiếng đồng hồ để lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, giờ không phải đi nữa, nhưng vẫn có bác sỹ ở BV Nhi Đồng 1 khám. Tôi không phải vất vả đưa con lên thành phố, cũng không phải chen nhau chờ khám ở các bệnh viện thành phố”, chị Phan Thị Thanh Trúc có con đang nằm điều trị tại Bệnh viện Củ Chi, cho biết.
Theo bác sỹ Lý Văn Hạng, thành công lớn nhất của đề án luân phiên cán bộ y tế là bệnh nhân rất tin tưởng khi có bác sỹ thành phố về khám. Số lượng bệnh nhân tới khám tăng lên, người dân được tiếp cận với các kỹ thuật, chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn. “Trước đây, bệnh viện rất ít bệnh nhi và sản phụ đến khám bệnh, nhưng hiện nay, mỗi ngày có khoảng 40 - 50 bệnh nhi đến khám, điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nặng đã không phải chuyển viện, mà có thể giải quyết tại chỗ”, bác sỹ Hạng cho biết.
Tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, số lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh cũng tăng đáng kể, tỷ lệ chuyển viện chỉ còn 10%. Nhiều ca sinh khó, cấp cứu… cũng được thực hiện tại bệnh viện. Bệnh viện cũng đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn khó mà trước đây chưa thực hiện được như mổ lấy thai ngoài tử cung, mổ viêm ruột thừa, gây tê tủy sống, gây mê nội khí quản…
“Đề án này đã giúp bệnh viện tuyến dưới phát triển được các chuyên khoa, tăng năng lực khám chữa bệnh. Có lẽ thể hiện rõ nhất ở bệnh viện là khoa Nhi. Trước đây, khoa chỉ có 20 - 30 bệnh nhi/ngày, nhưng khi có bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng 2 về hỗ trợ, số bệnh nhi đến khám và điều trị tăng từ 80- 90 bệnh nhi/ngày, có ngày cao điểm lên đến 100 - 120 bệnh nhi/ngày. Điều quan trọng nhất là đã tạo được niềm tin của người dân khi đến với bệnh viện tuyến huyện”, bác sỹ Trần Ninh Bảo Nhi, Trưởng khoa Sản Bệnh viện huyện Cần Giờ, chia sẻ.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để thực hiện đề án này, Sở Y tế đã chỉ đạo và phân công cho các bệnh viện tuyến thành phố cử cán bộ y tế đến từng bệnh viện quận, huyện để hỗ trợ khám, chữa bệnh; đồng thời triển khai kỹ thuật chuyên môn, giúp các bệnh viện quận, huyện có khả năng tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân mà không phải chuyển về tuyến trên. Theo đó, sau hơn nửa năm thực hiện và triển khai đề án, số lượt bệnh nhân được cán bộ luân phiên trực tiếp khám và điều trị ngoại trú đạt trên 37.000 lượt, 445 lượt khám và điều trị nội trú; đồng thời có hơn 104 ca được cán bộ luân phiên trực tiếp phẫu thuật, 37 ca do cán bộ y tế tại đơn vị tiếp nhận trực tiếp thực hiện sau khi đã được chuyển giao kỹ thuật.
Bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh:
Phối hợp nhịp nhàng
Ban Giám đốc các bệnh viện luôn tạo điều kiện thuận lợi và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ y tế đi luân phiên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhìn chung, các đơn vị cử cán bộ y tế đi luân phiên và đơn vị tiếp nhận cán bộ y tế đến luân phiên, đều thực hiện đầy đủ các chế độ lương, thu nhập tăng thêm, các khoản thưởng, phụ cấp cho cán bộ y tế đi luân phiên theo đúng quy định. Đặc biệt, một số đơn vị như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện huyện Cần Giờ còn hỗ trợ thêm kinh phí bằng nguồn của đơn vị, hoặc chuẩn bị chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các bác sĩ đi luân phiên, giúp cán bộ yên tâm công tác.
Bác sỹ Phan Văn Nghiệm, Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương:
Cần sắp xếp thời gian hợp lý
Đề án luân phiên cán bộ y tế là một đề án hay, thể hiện được tính nhân văn, mỗi cán bộ y tế phải xem đây như là một nhiệm vụ trong đời của một người thầy thuốc với những người dân ở tuyến dưới. Bên cạnh đó, nhằm tránh trường hợp bác sỹ được cử đi cơ sở quá lâu sẽ bỏ việc, hoặc chuyển ra làm tư nhân, cần phải có một chính sách đãi ngộ và kế hoạch sắp xếp thời gian hợp lý. Hiện nay, bệnh viện thực hiện theo kiểu luân phiên mỗi bác sỹ sẽ đi một tuần hoặc một tháng, thay phiên nhau, cho đến khi nào làm nhiệm vụ đủ một năm. Bệnh viện cũng tạo điều kiện và động viên tinh thần của bác sỹ khi đi làm nhiệm vụ.
Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thơ, cán bộ bệnh viện phụ sản Hùng Vương đang làm nhiệm vụ tại bệnh viện huyện Cần Giờ:
Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ
Đi công tác về các bệnh viện tuyến quận, huyện xa thành phố, không những thu nhập bị giảm, mà cuộc sống gia đình cũng bị xáo trộn, con nhỏ không biết gửi ai chăm sóc... Khi xuống Bệnh viện Cần Giờ công tác, tôi phải đóng cửa phòng mạch của mình, đứa con nhỏ ba tuổi phải gửi ông bà chăm sóc giúp, nhưng tôi nghĩ đây là nhiệm vụ và nghĩa vụ của một bác sỹ nên vẫn sẵn sàng đi. Tôi cảm thấy rất vui khi giúp đỡ được đồng nghiệp và bà con ở vùng khó khăn này. |
Đan Phương