Để triển khai hiệu quả chính sách này, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhấn mạnh tới quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động...
Tính đến đầu tháng 11/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng 1% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với gần 6.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng gần 380.000 lao động, số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng gần 300 tỷ đồng. Trong tháng 10/2021, số tiền đã giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 24 tỷ đồng.
Về việc hỗ trợ người lao động, đối với người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát và gửi thông báo danh sách lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 5.817 đơn vị, tương ứng 375.341 lao động.
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giải quyết hỗ trợ cho gần 220.000 lao động (bằng 87,24% tổng số lao động đã đề nghị được hưởng); từ chối giải quyết đối với hơn 6.000 lao động do không thuộc đối tượng hoặc cần điều chỉnh thông tin. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi trả hỗ trợ đối cho hơn 217.000 lao động (bằng 99,29% số người đã giải quyết hỗ trợ) với số tiền là hơn 500 tỷ đồng. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2021 hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động.
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh, trong quá trình triển khai, công tác hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn do chính sách vừa ban hành đã thực hiện ngay, thời gian thực hiện ngắn, số người được hỗ trợ từ chính sách lớn. Đặc biệt, các đơn vị nhỏ, có ít lao động chủ yếu thuê dịch vụ kế toán nên việc gửi hồ sơ đề nghị hưởng chính sách chưa kịp thời.
Ngoài ra, một số đơn vị thay đổi địa điểm liên hệ nhưng không báo lại cơ quan bảo hiểm nên cơ quan bảo hiểm chưa thông báo đến nơi. Nhiều trường hợp người lao động sai thông tin về số tài khoản, tên ngân hàng, thông tin cá nhân, cơ quan bảo hiểm xã hội phải phối hợp với người lao động bổ sung…
Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ, thủ tục giúp người lao động dễ dàng tiếp cận và nhận trợ cấp kịp thời, đúng quy định…