Âu tàu Song Tử Tây, nơi an toàn của ngư dân

Tháng 4/2013 được xem là mùa “biển lặng, sóng êm” nên ở âu tàu của đảo Song Tử Tây, xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) trong những ngày này không quá đông tàu của ngư dân neo lại. Tuy nhiên, nói về âu tàu này là nhắc tới cảm giác ấm lòng của người đi biển vì họ có được chỗ trú an toàn khi biển động; được sửa chữa miễn phí khi tàu gặp sự cố và được mua nhiên liệu với giá như ở đất liền.


Đảo Song Tử Tây là đảo lớn của quần đảo Trường Sa bởi có diện tích rộng với nhiều cây xanh như: Phong ba, bão táp, tra, mù u... Nhìn từ xa, đảo giống như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương. Thế nhưng, đến với đảo trong những ngày này mới thấu hiểu được sự nhọc nhằn của quân và dân trên đảo trước những trận sóng biển cùng cái nắng đến bỏng rát. Lên được đảo Song Tử Tây, chúng tôi phải đi qua âu tàu cứu hộ trên biển, nơi có những ụ bê tông để neo tàu tránh bão cùng chiếc tàu đặc chủng và các cán bộ chiến sĩ luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Công trình âu tàu này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Tổ sửa chữa tàu cá Bình Định số 96902.


Tại đây, chúng tôi có dịp đến thăm Đội dịch vụ hậu cần nghề cá ngư dân - Công ty 128 Hải quân nằm trên đảo Song Tử Tây. Ở đây có một gian nhà chuyên sửa chữa, thay thế những phụ tùng hỏng hóc của tàu đánh cá. Trong căn phòng không quá rộng nhưng vuông vắn, những người thợ của Công ty 128 vẫn đang cần mẫn làm việc, tiếng máy hàn kêu ro ro. Trò chuyện với PV Tin tức, một người thợ cho biết, anh đang sửa chữa một số thiết bị cho chiếc tàu đánh cá của một ngư dân ở Bình Định - mới được đội cứu hộ kéo về âu tàu này cách đây 2 ngày. Ngay cạnh anh là chủ tàu cá Bình Định số 96902 - anh Võ Thành Nhất, vận trên mình chiếc áo nâu đã bạc màu gió biển, gương mặt sạm đen. Anh Nhất cho biết, từ khi có âu tàu, ngư dân thấy yên tâm hẳn khi hành nghề tại khu vực ngoài khơi. Khi gặp khó khăn, các ngư dân đã được các anh tại âu tàu giúp đỡ rất nhiệt tình.


Giữa trưa, trời nắng to nhưng thiếu tá Nguyễn Đăng Định, Đội trưởng Đội dịch vụ hậu cần nghề cá ngư dân vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi cùng anh Nhất đi canô tới vị trí con tàu đang bị hỏng. Trên tàu, một số ngư dân Bình Định đang túc trực tại đó để cùng những người thợ sửa chữa con tàu. Anh Võ Thành Nhất cho biết thêm: “Lúc đầu tàu bị hỏng máy, anh em hoang mang lắm bởi nếu phải quay trở lại bờ thì rất tốn kém cả về công sức, thời gian và tiền bạc. Thế nhưng, ngay sau khi phát tín hiệu kêu cứu, chúng tôi đã nhận được tín hiệu của âu tàu này. Và rất nhanh chóng, những thiết bị hỏng hóc của tàu đã được chuyển lên âu tàu để được sửa chữa. Như vậy, hải trình của của chúng tôi sẽ diễn ra đúng kế hoạch”.

Đội dịch vụ âu tàu kiểm tra lượng dầu trong téc.


Anh Võ Thành Nhất cho biết thêm: Hiện trên đảo Song Tử Tây có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, nước ngọt, thuốc men và cả dầu điêdel nữa. “Giờ đây, tàu hỏng được sửa chữa miễn phí, khi đánh bắt ngoài khơi được hỗ trợ nước ngọt nên ngư dân chúng tôi rất mừng và yên tâm hành nghề”, anh Nhất nói.

Các dịch vụ hậu cần nghề cá
tại âu tàu

- Dịch vụ cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm.

- Dịch vụ y tế, khai thác hải sản và cứu hộ, cứu nạn.

- Dịch vụ sửa chữa tàu, thuyền.

- Dịch vụ thu mua và sơ chế hải sản, cung cấp vật tư nghề cá.

- Dịch vụ khai thác âu tàu và nuôi trồng thủy sản.


Trò chuyện với chúng tôi trên con tàu đã cũ của những ngư dân đang đánh bắt trên biển, Đội trưởng Đội dịch vụ hậu cần nghề cá Nguyễn Đăng Định bộc bạch: Nếu như không có âu tàu này, ngư dân chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn. Khi tàu đánh bắt ngoài khởi, những sự cố như hỏng máy, bơm dầu bị tắc, hỏng chân vịt hay gãy bánh lái... thường xảy ra. Đó là chưa kể khi tàu gặp mưa bão; nếu không có nơi tránh trú an toàn thì tính mạng ngư dân sẽ gặp nguy hiểm. Khi chưa có âu tàu này, ngư dân phải mất 3 - 4 ngày mới quay trở về được đất liền tránh bão. Việc này không chỉ gây tốn kém về tiền bạc (do mất hàng trăm triệu đồng tiền dầu để đi lại) mà còn ảnh hưởng tới tính mạng của người đi biển trong trường hợp bão di chuyển nhanh, đổi hướng so với dự báo ban đầu. Đó là chưa kể đến tình huống tàu bị hết nhiên liệu giữa chừng…


Theo ông Định, nếu nhận được tín hiệu tàu cá gặp nạn ở xa, Đội dịch vụ âu tàu sẽ cho tàu cứu hộ ra lai dắt vào âu tàu. Còn khi tàu vào gần âu tàu rồi thì Đội huy động quân và dân của đảo ra kéo vào bên trong. Nhiều ngư dân cho biết, khi đảo Song Tử Tây có âu tàu này, họ vô cùng yên tâm bởi có thể mua được lương thực, được cung ứng nước ngọt và điều quan trọng hơn cả là có thể mua được dầu điêdel. Nhờ đó, trong hai năm trở lại đây, ngày càng có nhiều tàu cá ra vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa hoạt động dài ngày.


Đại diện Công ty 128 cho biết: Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm nay, Đội dịch vụ âu tàu của đảo đã hướng dẫn cho 551 lượt tàu ra vào, sửa chữa được 42 tàu, đảm bảo an toàn cho ngư dân bám biển. “Vào mùa cao điểm, âu tàu này có thể cùng một lúc tiếp nhận, sửa chữa từ 80 tới 100 tàu cá”, ông Định nói.

Quyền lợi mà các tàu, thuyền khi đến âu tàu
được hưởng:

- Được cung ứng nhiên liệu theo giá quy định của Nhà nước trong đất liền.

- Được chăm sóc y tế, cung cấp nước ngọt miễn phí.

 - Được sửa chữa tàu, thuyền miễn phí.

- Được mua lương thực, thực phẩm và dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào đất liền tiêu thụ.

- Được đưa tàu, thuyền vào âu neo đậu khi gặp bão; được cứu hộ, cứu nạn khi tàu gặp sự cố.


Tiếp tục dẫn chúng tôi tới vị trí đặt những téc chứa dầu diêdel, Đội trưởng Nguyễn Đăng Định chia sẻ: 5 téc chứa dầu tương đương với 50.000 lít sẽ được bán hết trong 1 ngày nếu có 75 tàu vào âu tàu để tránh bão và mua thêm nhiên liệu. Ngoài ra, để có thể cung ứng được nước ngọt miễn phí cho các ngư dân, đảo còn tích cực thu gom dự trữ nước mưa; lắp đặt các hệ thống ống dẫn nước để có thể trút vào các bể chứa có khối lượng lớn. Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm nay, Đội dịch vụ hậu cần nghề cá đã cấp miễn phí hơn 1.000 lít nước ngọt cho các ngư dân đang đánh bắt trên đảo ghé qua âu tàu.


Tuy nhiên, đại diện Đội dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn bày tỏ sự trăn trở khi nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nước ngọt của các ngư dân ra khơi, bám biển hiện ngày một tăng, trong khi khả năng đáp ứng của đảo lại có hạn. Sức chứa của âu tàu vẫn chưa lớn nên trong thời gian tới, dự kiến đảo sẽ phát triển và mở rộng thêm quy mô của âu tàu này; đầu tư thêm các máy móc hiện đại để làm tốt hơn việc sửa chữa tàu của ngư dân khi các tàu này gặp sự cố hỏng hóc. Đảo cũng cần được mở rộng thêm dung tích các kho chứa nguyên liệu, nước ngọt; nhà máy bảo quản lương thực, thực phẩm; trang bị thêm hệ thống thiết bị sản xuất nước ngọt.


Trao đổi với phóng viên Tin tức, một số ngư dân mong muốn, Nhà nước nên có chính sách đầu tư và đưa vào hoạt động những chiếc tàu có trọng tải lớn, hiện đại để giúp ngư dân bám biển dài ngày; tổ chức thu mua kịp thời các loại hải sản mà ngư dân đánh bắt được để họ không phải tích trữ hàng lâu, có thêm thời gian bám biển.



Bài và ảnh: Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN