Đó là lễ phát động phong trào “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19” và hình ảnh một số điểm chốt và cửa ngõ phía Đông thành phố với hàng trăm, hàng nghìn người và phương tiện chen chúc để khai báo thông tin và tìm cách để về quê.
Trong bài phát biểu của mình tại lễ phát động, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố sẽ phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong; từng bước đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới.
Để thực hiện mục tiêu này, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi mong muốn cán bộ, chiến sỹ, đồng bào thành phố chung sức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục huy động sự đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống dịch. Trách nhiệm đầu tiên quan trọng nhất là người dân phải chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và luôn tuân thủ thực hiện 5K.
Thế nhưng, cùng thời điểm đó, tại một số điểm chốt phòng dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện các điểm ùn ứ với cả trăm con người và phương tiện chen chúc nhau thực hiện việc khai thông tin di biến động của mình tại các chốt kiểm soát. Chưa hết, đỉnh điểm là hàng nghìn người với cồng kềnh vali, ba lô trên chiếc xe máy đổ về tuyến trục đường Xa lộ Hà Nội, khu vực giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Dương nhằm thông chốt, chạy về quê. Rất may, các lực lượng chức năng của hai địa phương đã kịp thời vận động, xử lý kịp thời, người dân đã tự giác quay trở lại nơi cư trú. Sự việc phải tập trung đông người một cách bất đắc dĩ đã khiến cả người dân lẫn các lực lượng chức năng làm việc tại đây cũng phải lo lắng.
Trong thời gian giãn cách xã hội nhiều tháng qua tại Thành phố, đâu đó vẫn còn có những than trách của người dân khó khăn khi các hoạt động hỗ trợ chưa được kịp thời; người bệnh vẫn còn chưa được tiếp cận, chăm sóc y tế kịp thời, bệnh viện đang quá tải. Và cũng có không ít nơi chính quyền, cán bộ tham gia phòng chống dịch còn có tâm lý chủ quan, lơ là, thậm chí tắc trách trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
Từ đó, có thể nhận thấy rằng câu chuyện về an dân trong thời điểm này cũng đặc biệt quan trọng không kém trong việc điều trị, cứu chữa những bệnh nhân trong rất nhiều những giải pháp đang triển khai hiện nay nhằm kiểm soát dịch COVID-19, đặc biệt tại điểm nóng TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận hiện nay.
Với nhiều người dân TP Hồ Chí Minh nói chung, những công nhân, người lao động từ các tỉnh thành nói riêng đang ở thành phố này học tập, làm việc đã phải trải qua hơn 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có hơn 1 tháng giãn cách xã hội chặt chẽ theo tình thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với rất nhiều người mà “mồ hôi vừa ráo thì cũng hết tiền”, cuộc sống của họ đã khó khăn càng khó khăn hơn trong lúc này. Bao nhiêu nỗi lo bủa vây, từ cái ăn mỗi bữa đến tiền trọ, tiền điện, tiền nước... phải trả và hơn hết là cả một tương lai bất định phía trước nữa. Với rất nhiều người, có lẽ sức chịu đựng cũng đã vượt mức giới hạn.
Vì vậy, công tác an dân cần phải thực hiện quyết liệt, triệt để hơn đúng theo tình thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để xác định người cần phải giúp đỡ lúc này là rất quan trọng. Cùng với đó, khâu thực thi các giải pháp cũng cần phải coi trọng, trong đó đặc biệt phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi các giải pháp đã đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, người có trách nhiệm ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, nơi gần dân nhất lúc này. Điều này vừa góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 cũng như tạo được niềm tin của người dân, tích cực đồng hành với chính quyền chống dịch, chí ít là yên tâm để thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong thời gian tiếp tục giãn cách sắp tới, Thành phố sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nhân dân; đồng thời phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn có cuộc sống bảo đảm cơ bản. Cụ thể hơn, Thành phố đã triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân; chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn.
Ngay trong chiều 15/8, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiến hành hỗ trợ tiền nhà trọ; lương thực thực phẩm, không để ai thiếu đói; hỗ trợ gói an sinh xã hội (bằng tiền mặt) ngay trong tháng 8 và 9/2021. Đồng thời, các địa phương tổ chức tiêm vaccine cho bà con trong thời gian tới.
Với một khối lượng công việc khổng lồ mà dịch COVID-19 gây ra đang được TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả hệ thống chính trị nước ta nói chung cần phải giải quyết, một vấn đề đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương đăc biệt quan tâm, đó là công tác đảm bảo đời sống an sinh cho người dân. Có thể nói lúc này, công tác an dân chưa bao giờ cấp bách như hiện nay, một điều tiên quyết góp phần sớm đẩy lùi dịch COVID-19. Trong hoàn cảnh này, chúng ta càng thấm thía lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.