Ách tắc giao thông ở Phước Bình

Tuy cơn lũ lịch sử đã đi qua hơn một tháng nay, thế nhưng đồng bào Raglai ở vùng cao Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) vẫn sống trong cảnh bị cô lập với miền xuôi. Con đường độc đạo nối liền vùng cao Phước Bình với miền xuôi bị lũ tàn phá nghiêm trọng với chiều dài gần 30 m, sâu hơn 14 m, trở thành vực thẳm sâu, giao thông đi lại bị ách tắc, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của họ.

Hàng ngày, mọi phương tiện giao thông qua lại cũng như nông sản hàng hóa của bà con Raglai nơi đây muốn vận chuyển lên xã Phước Bình hoặc ngược về miền xuôi đều phải trung chuyển qua đoạn đường đèo Gia Túc bằng một chiếc cáp treo do một hộ dân sống ở khu vực này tự chế. Ông Đặng Thế Việt, ở thôn Bố Lang, xã Phước Bình, chủ chiếc cáp treo tự chế này cho biết: Gia đình tôi có hơn 10 tấn bắp đã thu hoạch phải vận chuyển về xuôi để bán, nếu không sẽ bị hư hỏng. Thế là tôi đã xin phép chính quyền địa phương đầu tư gần 10 triệu đồng để chế tạo chiếc cáp treo này vận chuyển nông sản hàng hóa của gia đình. Chúng tôi cũng vận chuyển cho những hộ dân có nhu cầu, cũng như các loại phương tiện của người dân qua lại trên tuyến đường này.

Đường nát, hàng hóa vẫn phải vận chuyển bằng cáp treo thế này. Ảnh: Công Thử-TTXVN


Ông PuPur Ta ở thôn Gia É, xã Phước Bình, huyện Bác Ái không khỏi bức xúc, cho rằng: "Chúng tôi không thể hiểu nổi vì sao lũ đã qua hơn tháng rồi, con đường thì bị hư hỏng thế này mà các ngành chức năng của tỉnh lại không thấy ngó ngàng gì đến. Mỗi ngày chúng tôi muốn chuyển phương tiện qua cáp treo để chạy về xuôi phải đợi cả buổi mới đi được. Không những thế, muốn chuyển số lượng lớn hàng nông sản thì phải đi nhiều chuyến, mỗi chuyến chuyển từng ít một vì cáp treo nhỏ. Khó khăn lắm". Được biết, phí dịch vụ qua lại bằng cáp treo rất cao, một chiếc xe Honda vận chuyển một lượt là 20.000 đồng, một bao bắp khoảng 50 kg là 4.000 đồng, một đôi vai gánh hàng hóa là 10.000 đồng... Chính vì giá vận chuyển hàng hóa quá đắt, nên nhiều hộ đã tìm cách,vượt vực thẳm, rất nguy hiểm. Nhiều giáo viên công tác giảng dạy tại Phước Bình tâm sự: Trước đây khi con đường còn nguyên vẹn, chúng tôi tốn khoảng 3 giờ đồng hồ đi lên vùng cao Phước Bình giảng dạy. Sau lũ, đoạn đường này bị sạt lở dài và sâu, đi lại rất vất vả, tốn nhiều thời gian hơn. Khi đi đến đoạn đường đèo Gia Túc, chúng tôi phải chi ra 20.000 đồng/xe máy/lượt cho ông Việt đưa xe máy lên cáp treo chuyển sang đoạn phía bên kia, còn chúng tôi thì bước xuống hố sâu lội bộ, qua bên kia đón xe đi tiếp.

Trong lúc tuyến đường đến Phước Bình bị chia cắt thì chiếc cáp treo là phương tiện vận chuyển hàng hóa hữu hiệu nhất hiện nay. Nhưng điều đáng nói là chiếc cáp treo gánh trên mình hàng trăm kg chỉ bằng một sợi cáp nhỏ mong manh, trong khi đó phía dưới lại là con đường độc đạo mà người dân qua lại và liệu có ai dám khẳng định chiếc cáp treo trên là an toàn tuyệt đối khi mà nó chưa hề được ngành chức năng giám định. Hơn nữa, chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Mão, đây cũng là thời điểm mà đồng bào vùng cao nơi đây chuẩn bị lo toan mua sắm, thế nhưng việc làm lại con đường vẫn chưa được ngành chức năng vào cuộc, khảo sát, thi công...

Vì vậy bà con rất mong chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận sớm hỗ trợ giải quyết ách tắc giao thông, đảm bảo cuộc sống và sản xuất cho họ.

Công Thử -TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN