Ông Phạm Quý Tiên, Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội thông tin về việc giải quyết nợ lương của 3.700 lao động thủy lợi. |
Ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội: Việc nợ lương của hơn 3.700 lao động thủy lợi liên quan đến kết luận kiểm toán Nhà nước đối với 5 công ty thủy lợi Hà Nội giai đoạn 2010-2015. Theo kết luận của kiểm toán Nhà nước, 5 đơn vị này có những khoản chi chưa phù hợp và số tiền thu hồi là hơn 118 tỷ đồng. Từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Hà Nội đã điều chỉnh lại định mức kinh tế kỹ thuật về giá thủy lợi phí theo Thông tư 280 của Bộ NNPTNT ở mức cao nhất kết hợp với trợ giá của UBND thành phố Hà Nội, tổng số tiền ngân sách chưa thanh toán theo mức giá mới là hơn 239 tỷ đồng.
“Để thanh quyết toán chậm, trách nhiệm trước hết thuộc về 5 giám đốc của công ty thủy lợi do làm chậm hồ sơ thanh quyết toán. Sau khi báo chí, dư luận phản ánh, UBND thành phố đã giao các sở, ngành và 5 đơn vị hoàn tất các thủ tục để thanh toán chi phí dịch vụ công về thủy lợi phí cho doanh nghiệp. Các sở, ngành đã khẩn trương nghiệm thu thanh toán dứt điểm chi phí năm 2016-2017”, ông Phạm Quý Tiên yêu cầu.
Giải thích cụ thể liên quan đến tình trạng nợ lương của hơn 3.700 lao động thủy lợi trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Do Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận kiểm toán số 543/TB-KTNN vào cuối năm 2016 nên việc thanh toán chi phí thủy lợi phí được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn trước 1/1/2017 thực hiện theo thuỷ lợi phí trên cơ sở xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và từ 1/1/2017, chuyển sang giá dịch vụ thuỷ lợi theo Thông tư 280 của Bộ NNPTNT.
Trong một số nội dung cụ thể của kết luận Kiểm toán có xác định số lượng lao động tăng không hợp lý; việc sử dụng lao động thực tế thấp hơn định mức và đặc biệt liên quan đến lao động gián tiếp cồng kềnh. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu 5 công ty rà soát lại sắp xếp lại bộ máy, áp dụng khoa học công nghệ. Thực hiện kết luận của Kiểm toán, theo chỉ đạo của thành phố, liên ngành Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, rà soát lại định mức đơn giá, bám sát theo chỉ đạo của các bộ và Kết luận 543/TB-KTNN. “Với định mức này, năm 2016, thành phố cũng đã bố trí kinh phí theo định mức đơn giá đã phê duyệt. Tuy nhiên, do năm đầu thực hiện nên thủ tục thanh quyết toán khá chậm”, ông Nguyễn Việt Hà cho biết.
Còn ông Nguyễn Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ cho biết: Đơn vị đã thực hiện xong tất cả các nội dung công việc theo Kết luận số 543 của KTNN. Tuy nhiên với mức đơn giá theo Thông tư 280 và cộng thêm cả mức trợ giá của thành phố thì thu cũng không đủ chi. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật với các máy bơm công nghệ mới sẽ thay đổi kết cấu hạ tầng đòi hỏi đầu tư lớn.
Theo ông Trần Thanh Nhã, việc chậm lương của trên 3.700 lao động thủy lợi cho thấy những bất cập trong chính sách nhà nước đặt hàng doanh nghiệp thủy lợi không đồng bộ. Những năm trước nguồn tài chính doanh nghiệp đến từ thủy lợi phí và khoản cấp bù phần thủy lợi phí thông qua định mức kinh tế kỹ thuật được thành phố duyệt. Từ năm 2016, theo thông tư 280 của Bộ Tài chính, thủy lợi phí được chuyển sang giá và áp dụng mức giá được ban hành từ năm 2012, trong khi chi phí đầu vào như tiền lương, điện... đều tăng. Việc áp dụng chính sách mới làm giảm khoảng 50% nguồn thu của doanh nghiệp thủy lợi, cộng với việc phải hoàn trả lại các khoản chi chưa đúng quy định trước đó khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng nợ lương người lao động. Thành phố đã có văn bản xin ý kiến Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính để tháo gỡ những bất cập trên. Bởi với cơ chế quy định theo Thông tư 280 thì chắc chắn việc nợ lương lại tái diễn trong năm 2018.