Do vậy, ngành điện sẽ phải cố gắng xả nước nhiều hơn để đảm bảo đủ nước, phục vụ cho nhu cầu gieo cấy lúa các địa phương, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
Theo kế hoạch lấy nước vụ lúa Đông Xuân, tổng cộng thời gian lấy nước đưa ra là 16 ngày, gồm: Đợt 1 từ 0h ngày 21/1 đến 24h ngày 24.1.2019; đợt 2 từ 0h ngày 31/1 đến 24h ngày 3/2/2019; đợt 3 từ 0h ngày 15/2 đến 24h ngày 22/2.
Về kế hoạch xả nước, ông Khu cho biết, trong 3 đợt xả lấy nước, đơn vị đã điều hành, đều phải xả trước 3 ngày và cắt trước khi kết thúc đợt lấy nước 1 ngày (dự kiến), tùy thuộc diễn biến thời tiết, năng lực lấy nước của người dân các địa phương.
Như vậy, tổng số ngày xả nước sẽ là 22 ngày, thay vì 16 ngày lấy nước như kế hoạch lấy nước của phía thủy lợi. Lượng nước xả trung bình khoảng 3.400m3/giây (tăng khoảng 200m3/giây so với cùng kỳ năm trước), tổng cộng của 3 đợt xả sẽ vào khoảng 6 tỷ m3 nước.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án điều tiết từ các hồ chứa một cách chi tiết. Tập đoàn EVN cũng đã có văn bản đến các Tổng công ty, đơn vị cung cấp điện cho các công trình đầu mối và các trạm bơm ổn định để việc lấy nước diễn ra 24/24h”, ông Khu nói.
Đại diện EVN cũng cho hay, về thủy văn, kết thúc 2018, tình hình toàn bộ hệ thống điện không được thuận lợi. Đặc biệt là các hồ thủy điện ở miền trung, lượng nước về thiếu hụt hơn 2017 rất nhiều. Tính trong năm 2018, tổng lượng nước về các hồ chứa thấp hơn là 5,57 tỷ m3... Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiết kiệm tối đa lượng nước, đảm bảo tốt nhất để cung cấp nước cho hạ du và mùa khô tới đây.
Hiện nay, lượng nước 3 hồ Thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đang thấp hơn khoảng 520 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, với kế hoạch được xây dựng, xả khoảng 6 tỷ m3 thì lượng nước 3 hồ này dự kiến giảm mạnh.
Ông Khu cũng cho hay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thuộc Tập đoàn mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị, huy động nhân lực lấy nước một cách tập trung, triệt để, cố gắng rút ngắn càng nhiều số ngày, tiết kiệm nước để dùng trong các tháng mùa khô, phục vụ tưới dưỡng.
Đồng thời, Tổng cục thủy lợi cũng cần kiểm tra, đôn đốc các địa phương lấy nước triệt để đảm bảo lấy nước hiệu quả, tiết kiệm nhất có thể.
Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi cho biết, 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ sẽ gieo cấy khoảng 602.500 ha lúa; trong đó, diện tích phụ thuộc nguồn xả gia tăng từ các hồ chứa thủy điện khoảng 480.000ha. Thời vụ gieo cấy tập trung trà Xuân muộn với thời gian gieo mạ từ 25/1-10/2/2019, cấy trong tháng 2/2019.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho hay, việc lấy nước tiết kiệm cũng sẽ giúp tăng thêm được lượng năng lượng quốc gia. Trung bình mỗi ngày xả nước khoảng 280 triệu m3, mỗi m3 mất 330 đồng, như vậy, nếu tiết kiệm được lượng nước xả mỗi ngày sẽ tương đương gần 100 tỷ. Đặc biệt trong mùa khô, lượng nước tiết kiệm này còn quý giá hơn.
“Thực hiện quan điểm chung của Chính phủ, chúng tôi khẳng định về chính trị, cố gắng đảm bảo lượng nước phục vụ gieo cấy cho người dân, nhưng chúng tôi cũng chỉ đạo quyết liệt làm sao tiết kiệm nhất để đảm bảo nước cho cả mùa khô”, ông Tỉnh nói.