Tại hội thảo "Tăng cường hoạt động phối hợp y tế công tư ( PPM) trong phòng chống lao và HIV tại Việt Nam" diễn ra ngày 1/11, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ước tính hàng năm trên cả nước có hơn 100.000 ca mắc lao được đăng ký điều trị và có đến 17.000 người chết do mắc lao.
Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. TP. Hồ Chí Minh chiếm 13 - 15 % tổng số bệnh lao của cả nước. Với mật độ dân số cao, người nhập cư ngày càng tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều nên công tác phòng chống lao tại thành phố vẫn còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng.Chương trình phòng Chống lao của thành phố trong những năm qua đã giải quyết dần các thách thức như bệnh lao đồng nhiễm HIV, lao kháng thuốc, quản lý lao ở người dân tạm trú và học viên trong các trường cai nghiện...
Theo Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, sau 5 năm triển khai Dự án PPM trong kiểm soát Lao và HIV đã đạt được những thành tựu đáng kể như: các cơ sở tham gia Dự án từ 210 cơ sở năm 2007 lên hơn 1.100 cơ sở năm 2013. Đồng thời, đã giúp chuyển gửi trên 30.000 người có dấu hiệu nghi mắc lao tới các cơ sở chẩn đoán và điều trị lao, trong đó xác định được 3.500 ca nhiễm lao. Sự thành công của mô hình phối hợp y tế công tư đã dẫn tới việc mở rộng mô hình này tới hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. Dự án PPM trong kiểm soát Lao và HIV do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ đã hỗ trợ Chương trình Chống Lao Quốc gia triển khai chiến lược tăng cường phát hiện ca bệnh thông qua sự gắn kết của các sơ sở y tế tư nhân và các cơ sở y tế công lập ngoài chương trình lao.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Tuyết Nga, Quản lý dự án này cho rằng: bên cạnh những kết quả đạt được, Dự án này cũng đang gặp phải nhiều khó khăn như: duy trì động lực và sự tham gia của khối y tế tư nhân; Khó khăn trong việc theo dõi chuyển gửi các thành phố lớn; Thiếu mối liên kết chuyển gửi giữa cơ sở sở tư tham gia mô hình chẩn đoán và điều trị với hệ thống phòng chống Lao và HIV công lập; Chưa có hướng dẫn về việc chi trả bồi dưỡng cho khối tư nhân tham gia vào hoạt động PPM; nguồn nhân lực hạn chế trong việc duy trì, mở rộng hoạt động PPM.
Theo tổ chức Y tế Thế giới hiện nay có khoảng gần 1/3 dân số thế giới đã nhiễm lao. Bệnh lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,2 -1,5 triệu người tử vong mỗi năm và tình hình lao kháng thuốc đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia.