Yak-130- “Sát thủ tí hon” của không quân Nga

Yak-130 được coi là lựa chọn hàng đầu của không quân các nước, nhờ ưu thế giá rẻ so với các mẫu tiêm kích huấn luyện khác.


Máy bay Yak-130 của Nga. Ảnh: N.I


Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, Yak-130 có thể thực hiện các sứ mệnh tấn công hạng nhẹ và trinh sát, chống nổi dậy như một chiến đấu cơ thực thụ.

Trong các loại máy bay phản lực của Nga, những chiến đấu cơ tốt nhất như Flanker và Sukhoi T-50 thế hệ thứ 5 đang được giới phân tích quân sự chú ý nhiều nhất.

Tuy nhiên, Moscow còn sở hữu một loại vũ khí nữa, dù nhỏ và ít tên tuổi hơn nhưng cũng đáng gờm không kém. Đó là cường kích Yak-130, được giới tình báo phương Tây gọi bằng cái tên "Mitten".

Yak-130, loại máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi được trang bị động cơ phản lực kép, đang chứng tỏ được vai trò của mình như một tiêm kích đa năng thực thụ.

Khi một lực lượng không quân muốn để tối đa hóa tiềm năng chiến đấu của mình, một loại máy bay huấn luyện - thậm chí một chiếc máy bay phản lực 1 động cơ - không phải là lựa chọn tốt nhất. Nhưng các máy bay huấn luyện chiến đấu đa năng ngày hôm nay là một sự thay thế khả thi với chi phí tương đối thấp so với những máy bay chiến đấu truyền thống.

Giống như nhiều dự án quân sự thời hậu Xô viết, phải mất một thời gian dài để các phi công có thể được điều khiển Yak-130. Nhưng giờ đây loại máy bay này đang trở nên phổ biến tại các trường huấn luyện bay tiên tiến của lực lượng không quân của Nga.

Yak-130 có ba mấu treo dưới mỗi cánh, có nghĩa là loại máy bay này có thể mang 3 tấn tên lửa không đối không, không đối đất, bom dẫn đường chính xác, bom rơi tự do, rocket, giá treo súng và thùng dầu phụ.

Ngoài ra, ở hai đầu cánh của nó cũng có thể gắn thêm tên lửa không đối không hoặc mồi pháo sáng để đánh lạc hướng tên lửa tầm nhiệt của đối phương. Phía dưới bụng, chiếc máy bay "tí hon" này có thể gắn thêm khẩu pháo 23 ly có uy lực rất lớn trong cận chiến yểm trợ bộ binh.

Những hình ảnh được rò rỉ gần đây trên các diễn đàn quân sự cho thấy Yak-130 đang dần được cải tiến thành một loại máy bay chiến đấu.

Trong những hình ảnh này, một chiếc Yak-130 mang màu sơn ngụy trang của quân đội Nga có phần mũi gồ lên, chứng tỏ nó có thể được trang bị hệ thống định tầm laser LD-130 và camera độ phân giải cao để xác định mục tiêu, nâng cao độ chính xác của các loại vũ khí.

Trong tương lai, loại máy bay này có thể được trang bị khả năng tiếp dầu trên không để gia tăng phạm vi thực hiện nhiệm vụ tấn công của nó.

Khi được trang bị đầy đủ vũ khí và nhiên liệu, Yak-130 chỉ có trọng lượng khoảng 10,2 tấn, chỉ bằng một nửa so với chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, loại tiêm kích đa nhiệm vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ và đồng minh.

Khi được gắn hai quả bom 226 kg, một giá súng và hai thùng dầu phụ, Yak-130 có bán kính hoạt động tối đa là 367 hải lý. Đây là một khả năng hoạt động rất đáng kể nếu so với tiêm kích F-16, loại chiến đấu cơ có thể mang theo hai quả bom 907 kg, hai tên lửa AIM-9 Sidewinder và hai thùng dầu phụ nhưng chỉ bay được trong phạm vi 740 hải lý.

Yak-130 thuộc lớp máy bay cận âm vốn nổi tiếng trong các loại máy bay huấn luyện chiến đấu hàng đầu - hay còn được gọi là LIFT. LIFT cho phép các học viên phi công tự làm quen với công nghệ tiên tiến mà họ sẽ phải đối mặt khi ngồi trong buồng lái của một máy bay chiến đấu ở tuyến đầu.

Biến thể của Yak-130, M-346. Ảnh: Aviationist


Tuy nhiên, ngoài vai trò LIFT, các máy bay huấn luyện phản lực như Yak-130 còn có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu thực thụ. Nhỏ và linh hoạt nhưng lại có khả năng tấn công mạnh mẽ, Yak-130 cũng rất hữu dụng trong chiến tranh phi đối xứng.

Bên cạnh đó nó có thể tác chiến trong loại hình chiến tranh chống nổi dậy như những gì không quân Mỹ đang làm ở Afghanistan, Iraq và Syria. Đó là lý do mà nhiều nước trên thế giới như Belarus, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Mông Cổ, Myanmar, Nicaragua, Bangladesh… đã đặt mua Yak-130 của Nga để trang bị cho lực lượng không quân của họ.

Về phần mình, Không quân Mỹ hiện đang tìm mua 350 bản sao của một LIFT mới để thay thế máy bay huấn luyện phản lực T-38 Talon đã quá lỗi thời. Không quân Mỹ gọi chương trình tốn nhiều tỷ USD này là T-X.

Một biến thể khác của Yak-130 là máy bay M-346 Master, do Italy phát triển dựa theo một thỏa thuận hợp tác giữa công ty sản suất máy bay hang đầu của Nga, Yakovlev - nhà thiết kế Yak-130 - và công ty Aermacchi của Italy trong những năm đầu thập niên 1990.

Điều đáng lưu ý ở đây là, hiện Israel sử dụng M-346 để học cách lái máy bay tối tân F-35 của Mỹ. Italy cũng sẽ huấn luyện các phi công của họ bay F-35 trên những chiếc M-346. Đó là yêu cầu cơ bản mà Không quân Mỹ đã vạch ra cho chương trình T - X.

Đây rõ ràng là một sự mỉa mai khi không thể tưởng tượng rằng các phi công Nga và Mỹ học cách điều khiển những chiến đấu cơ thế hệ thứ năm T-50 và F-35 của họ trên cùng một loại máy bay.

Yak-130 được bay thử lần đầu tiên vào năm 1996 và được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga từ năm 2000. Bộ Quốc phòng Nga đã mua gần 70 máy bay Yak-130 và đặt hàng tiếp 150 chiếc nữa từ nay đến năm 2020.

Công Thuận (Theo N.I)
Su-25: ‘Chiến binh già nhưng không yếu’ của không quân Nga
Su-25: ‘Chiến binh già nhưng không yếu’ của không quân Nga

Cho đến nay, thời gian vẫn không làm phai mờ đi những chiến tích oai hùng của loại máy bay này kể từ khi nó xuất hiện. Su-25 vẫn duy trì được sự đáng sợ của nó và có thể vẫn được coi là tương lai của ngành thiết kế và chế tạo máy bay tấn công của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN