Trả lời kênh truyền hình Zvezda TV, Đại tướng Sergei Karakaev, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, cho biết: "Dựa trên thông số về công suất và trọng lượng của hệ thống tên lửa mới, quỹ đạo bay có thể thay đổi được. Từ đường bay qua Bắc Cực, nếu cần, chúng tôi có thể đưa quỹ đạo qua Nam Cực. Và thậm chí là khả năng phóng ra ngoài không gian”.
Tướng Karakaev nói thêm trong vài thập kỷ tới, khó có loại vũ khí nào có thể đánh chặn được Sarmat. Theo ông, một trong những lý do giúp loại ICBM hiện đại này trở nên bất khả chiến bại là việc nó có thể tăng tốc nhanh như tên lửa nhiên liệu rắn hạng nhẹ, mặc dù sử dụng nhiên liệu lỏng.
Ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos, cho biết quân đội Nga sẽ thử nghiệm Sarmat trong suốt năm nay và bắt đầu đưa chúng vào hoạt động từ mùa thu này.
Bên cạnh đó, theo khẳng định của ông Sergei Poroskun, Phó Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược, tên lửa Sarmat sẽ tham gia trực chiến trong hệ thống vũ khí của Nga ít nhất 50 năm nhờ các tính năng ưu việt và độ tin cậy cao.
Hồi cuối tháng 4, Roscosmos cho biết họ có kế hoạch triển khai hàng loạt ICBM cho các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga vào mùa thu năm nay.
Sarmat là một hệ thống tên lửa lớn, nặng 200 tấn. Hệ thống này được thiết kế để thay thế tên lửa Voevoda của Nga, hay còn được gọi là Satan. Roscosmos có kế hoạch chế tạo tổng cộng 46 tên lửa Sarmat để đáp ứng nhu cầu của quân đội Nga.