Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết đây là bước quan trọng để hoàn thành kế hoạch triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay khi Ấn Độ tìm cách tăng cường sức mạnh hàng hải.
INS Vikramaditya là tàu sân bay cũ có từ thời Liên Xô được Ấn Độ mua lại từ Nga. Tàu sân bay được sản xuất nội địa đầu tiên của Ấn Độ là INS Vikrant đã được hạ thủy vào tháng 9/2022 và đang trong quá trình thử nghiệm trên biển. Ấn Độ lên kế hoạch đưa cả hai vào hoạt động hoàn toàn vào cuối năm nay.
Chuyên gia về quốc phòng Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) – ông Viraj Solanki nhận định: “Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng triển khai sức mạnh của Ấn Độ, chủ yếu ở Ấn Độ Dương. Nó còn thực sự mang lại cho Ấn Độ một lựa chọn để thể hiện khả năng đối trọng với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, vốn là ưu tiên của hải quân Ấn Độ”.
Hải quân Trung Quốc đã được mở rộng, hiện đại hóa trong hơn một thập niên qua và hiện là lực lượng lớn nhất thế giới. Vào tháng 6, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và chế tạo trong nước đồng thời là hàng không mẫu hạm thứ ba của nước này. Cùng thời điểm, quân đội Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự tại Djibouti, được coi là tạo điều kiện cho nước này dễ dàng tiếp cận Ấn Độ Dương.
Giống như Trung Quốc, Ấn Độ cũng sở hữu vũ khí hạt nhân và đang đóng tàu ngầm tên lửa đạn đạo năng lượng hạt nhân. Ấn Độ đang sở hữu 2 tàu ngầm này và dự kiến phiên chế thêm 2 chiếc tương tự cũng như tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân. Hạm đội của Ấn Độ còn bao gồm 10 tàu khu trục, 12 tàu khu trục nhỏ và 20 tàu hộ tống.
Ông Rahmat nhấn mạnh rằng Ấn Độ vẫn thiếu nhiều hệ thống hỗ trợ để khiến các tàu sân bay hiệu quả. Ông nhận xét: “Bản thân các tàu có thể đang hoạt động nhưng hải quân Ấn Độ vẫn còn vài năm nữa mới có thể triển khai lực lượng của mình một cách đáng tin cậy vào khu vực Ấn Độ Dương”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ca ngợi việc hạ thủy tàu INS Vikrant là thắng lợi từ chiến dịch “Make in India” vốn có nội dung hướng đến tự lực về quốc phòng. Nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ Rahul Bedi cho biết, Hải quân đã thúc đẩy một tàu sân bay khác được sản xuất trong nước, nhưng những lo ngại chính trị cùng với chậm trễ kéo dài và đội chi phí lớn trong việc chế tạo Vikrant đã khiến nhiều người hoài nghi rằng ý tưởng sẽ thành hiện thực. Trong ngân sách đề xuất 2023-24 được đưa ra hôm 1/2, chính phủ Ấn Độ tăng chi tiêu quốc phòng dưới 2%. Điều này làm dấy lên thắc mắc về các khoản đầu tư lớn mới vào tàu sân bay. Ngay cả khi có thể triển khai, một tàu sân bay thứ ba sẽ mất nhiều năm để xây dựng.
Khi trang bị cho tàu Vikrant, Ấn Độ dự kiến sớm quyết định mua 26 máy bay chiến đấu cơ là Rafale-M của Pháp hoặc F/A-18 của Mỹ. Lực lượng không quân Ấn Độ đã vận hành một phiên bản Rafale, điều này giúp việc bảo trì dễ dàng hơn, trong khi đó, F/A-18 có thể mang nhiều tên lửa hơn. Máy bay chiến đấu MiG-29K do Nga sản xuất vẫn sẽ vận hành trên chiếc Vikramaditya.