Theo tờ Deutsche Welle (Đức) ngày 28/9, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đưa giao tranh trở lại châu Âu - và khiến khả năng phòng thủ của NATO cùng EU trở thành tâm điểm chú ý. Hiện nay, các nỗ lực tái vũ trang đang được tiến hành và các chiến lược phòng thủ mới đang được chuẩn bị. Điều này bao gồm việc đối phó với các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng trong trường hợp xung đột ở Ukraine leo thang và các nước châu Âu khác có thể sẵn sàng ứng phó.
Tuy nhiên, Deutsche Welle cho rằng "Lá chắn" phòng thủ của NATO dành cho châu Âu có một số lỗ hổng. Hệ thống phòng không mà Đức triển khai vào tháng 10 năm ngoái nhằm mục đích lấp lỗ hổng này. Khi đó, bên lề cuộc họp của NATO tại Brussels, 15 nước đã ký biên bản ghi nhớ về việc thiết lập hệ thống phòng không châu Âu.
Cùng với Đức, các bên ký kết gồm có: Bỉ, Bulgaria, Estonia, Phần Lan, Anh, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Romania, Slovakia, Slovenia, CH Séc và Hungary. Sau đó, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo và Thụy Sĩ cũng tham gia sáng kiến này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói về "sự gia tăng an toàn cho toàn bộ châu Âu" và lập luận rằng hệ thống phòng không chung của châu Âu sẽ tốn ít chi phí hơn và hiệu quả hơn so với việc mỗi quốc gia thiết lập hệ thống phòng không vừa đắt tiền và phức tạp của riêng mình. Tuy nhiên, Pháp, Italy và Ba Lan vẫn chưa tham gia sáng kiến này. Paris chỉ trích vì công nghệ phòng thủ từ Mỹ và Israel sẽ được mua cho dự án.
Mục tiêu của "Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu" (ESSI) là đạt được hệ thống phòng thủ được phối hợp tốt nhất trước các mối đe dọa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa từ trên không. Trên trang web của mình, Bộ Quốc phòng Đức định nghĩa tầm ngắn là khoảng cách lên tới 15 km trên đất liền và ở tầm cao là 6 km; tầm trung là từ 15-50 km và cao tới 25 km; tầm xa là trên 50 km và độ cao lên tới 35 km.
Bộ Quốc phòng Đức nêu rõ: “Trong cả ba tầng, đều có những khoảng trống về năng lực mà ESSI sẽ thu hẹp hoặc có sẵn các trang thiết bị có thể được phát triển hoặc tăng cường hơn nữa”.
Để đạt được điều này, các hệ thống bảo vệ hiện có cần được thay thế bằng các hệ thống hiện đại. Một ví dụ về hệ thống thay thế là IRIS-T, có thể tiêu diệt tên lửa, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và trực thăng ở khoảng cách lên tới 40 km và độ cao lên tới 20 km. Giá mỗi hệ thống trên là khoảng 145 triệu euro (155 triệu USD).
Vào tháng 6 năm nay, Quốc hội Đức đã thông qua việc mua 6 hệ thống IRIS-T trong ngân sách của mình. Không quân Đức đã quen thuộc với hệ thống này vì họ đã huấn luyện binh sĩ Ukraine cách sử dụng nó. Cho đến nay, Đức đã cung cấp 2 hệ thống loại này cho Ukraine.
Để phòng không tầm xa, quân đội Đức sử dụng hệ thống vũ khí Patriot (có radar theo dõi mảng pha để đánh chặn mục tiêu), hệ thống này vẫn được coi là hiệu quả nhưng có thể hiện đại hóa. Hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo có thể được sử dụng để chống lại máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung. Kể từ năm 1984, Patriot đã được nhiều lực lượng vũ trang sử dụng, bao gồm cả quân đội Đức. Đức hiện có 12 bệ phóng Patriot, quá ít để bao phủ phòng thủ cả nước.
Hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa hành trình cũng cần được điều chỉnh lại. Vì chúng bay ở tầm thấp và do đó khó bị phát hiện từ xa nên việc phòng thủ chống lại chúng thường chỉ có thể thực hiện được bằng các hệ thống hiện đại như Patriot hay IRIS-T. Đó là lý do tại sao, theo quân đội Đức, việc phòng thủ toàn diện là “rất tốn kém và chỉ có thể thực hiện được với nhiều hệ thống, điều này cho thấy sự cần thiết của một cách tiếp cận đa quốc gia”.
Một lỗ hổng khác trong hệ thống phòng thủ là tên lửa đạn đạo tầm xa, loại tên lửa này cũng có thể hướng tới mục tiêu từ bên ngoài bầu khí quyển trái đất. Bộ Quốc phòng Đức lưu ý: “Những khoảng trống này phải nhanh chóng được thu hẹp lại, đặc biệt là khi Nga đã có những vũ khí này. Đức phải có khả năng tự bảo vệ mình trước mối đe dọa từ tên lửa có tầm bắn hơn 1.000 km nhanh hơn kế hoạch”.
Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Israel Joav Galant đã ký thỏa thuận mua bán vũ khí (hệ thống Arrow 3) ở Berlin vào ngày 28/9. Bộ Quốc phòng Israel cho biết đây là thương vụ vũ khí lớn nhất của nước này cho đến nay, trị giá hơn 3,2 tỷ euro. Thỏa thuận này còn được coi là biểu tượng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Israel và Đức.
Arrow 3 do Israel và Mỹ hợp tác phát triển. Nó được triển khai lần đầu tiên tại một căn cứ không quân của Israel vào năm 2017. Không giống như lá chắn tên lửa Vòm sắt (Iron Dome) vốn bảo vệ Israel chủ yếu trước các cuộc tấn công từ Gaza và Liban, hệ thống Arrow được thiết kế để chống lại các tên lửa tầm xa.
Arrow 3 có thể tiêu diệt tên lửa tấn công ở độ cao khoảng 100 km trong không gian và có tầm bắn lên tới 2400 km. Giống như hệ thống Patriot, Arrow 3 được vận hành bằng thiết bị phóng di động, trạm điều khiển di động, trạm radar di động và tên lửa dẫn đường. Do có tầm bắn xa hơn nhiều so với hệ thống phòng không Patriot và hệ thống IRIS-T được triển khai trước đây ở Đức, Arrow 3 được coi là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Đức.
Trong khi các quốc gia tham gia ESSI muốn hợp tác cùng nhau để mua sắm các hệ thống vũ khí cần thiết để bao phủ một khu vực rộng lớn theo cách tiết kiệm chi phí nhất, họ cũng cần chú ý đến nhu cầu của mỗi quốc gia. Khi các thành viên ESSI còn muốn hỗ trợ lẫn nhau về hệ thống phòng thủ và đạn dược tương ứng thông qua hợp tác cùng nhau để mua và bảo trì các hệ thống này, họ sẽ tiết kiệm được chi phí mua và vận hành.