Đạn uranium cỡ 25mm. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, hôm 14/2, một quan chức Mỹ đã đưa ra xác nhận chấn động rằng lực lượng vũ trang nước này đã dùng đạn uranium nghèo ít nhất trong hai đợt tấn công các mục tiêu khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria năm 2015.
Tạp chí Foreign Policy dẫn lời người phát ngôn của Trung tâm Chỉ huy Mỹ tại Syria Josh Jacques cho hay, loại đạn cấm uranium nghèo đã được Mỹ sử dụng trong các cuộc không kích nhằm vào các xe tải chở dầu tại khu vực do IS kiểm soát.
Theo đó, Không quân Mỹ đã khai hỏa hơn 5.200 viên đạn cỡ 30mm tựa như “những mũi tên thép sắc nhọn” từ đội máy bay A-10 Thunderbolt trong khoảng thời gian từ 16/11 tới 22/11/2015. Xấp xỉ 250 phương tiện của phiến quân đã bị triệt hạ trong đợt tấn công trên.
Việc dùng đạn uranium nghèo trong chiến sự luôn làm dấy lên mối lo ngại lây lan các phân tử phóng xạ độc hại ra không khí và gây ra thương tổn sức khỏe nghiêm trọng như ngộ độc kim loại hay nhiễm phóng xạ đối với những người hít hoặc nuốt phải. Chất độc mà đạn uranium để lại trong môi trường sẽ tồn tại gần như mãi mãi.
Theo tờ Chicago Tribune, người dân Iraq đã vô cùng bất bình sau khi quân đội Mỹ sử dụng hàng trăm ngàn viên đạn uranium nghèo khi tham chiến tại đây năm 2003. Độc tố của loại đạn này đã gây bệnh ung thư và dị tật bào thai cho người dân Iraq.