Nguyên nhân Mỹ lo ngại các đối tác Trung Đông tăng mua vũ khí Trung Quốc

Các nước Trung Đông, trong đó có những đối tác lâu năm của Mỹ, đang tăng cường mua vũ khí từ Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ cảnh báo rằng họ không thể sử dụng vũ khí do Trung Quốc sản xuất cùng với phần cứng do Mỹ chế tạo.

Chú thích ảnh
Các nước Trung Đông vẫn đang sử dụng các hệ thống phòng không tiên tiến của Mỹ. Ảnh: US Air Force

Các quan chức Mỹ đang lo ngại về việc bán vũ khí của Trung Quốc ở Trung Đông, nói rằng chúng có thể làm suy yếu khả năng của quân đội Mỹ trong việc hội nhập với những đối tác trong khu vực, trang tin Busines Insider mới đây cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc không cung cấp vũ khí có thể trực tiếp thay thế vũ khí của Mỹ, nhưng mối lo ngại ngày càng tăng đối với những trang thiết bị quân sự Bắc Kinh đang bán phản ánh mong muốn dài hạn của các nước Trung Đông nhằm đa dạng hóa các nhà cung cấp và sự cảnh giác của họ về cam kết của Washington đối với khu vực.

Doanh số bán vũ khí của Trung Quốc ở Trung Đông đã tăng 80% trong thập kỷ qua, là kết quả của việc Bắc Kinh mở rộng các mối quan hệ ở đó và sẵn sàng cung cấp vũ khí nhanh hơn và ít điều kiện hơn so với Washington.

Tướng Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) - chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động quân sự của quân đội Mỹ ở khu vực Trung Đông, thông báo trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ rằng đã có "sự gia tăng đáng kể trong hoạt động bán trang thiết bị quân sự cho nước ngoài của Trung Quốc ở Trung Đông”.

“Trung Quốc đã mở rộng danh mục bán hàng của mình ở Trung Đông, chuyển giao trong thời gian ngắn, không đặt điều kiện về người dùng cuối và thậm chí đảm bảo cả nguồn tài chính cho họ”, Tướng Kurilla lưu ý.

Ông Kurilla cảnh báo: “Nếu có thiết bị của Trung Quốc ở đó, chúng tôi không thể tích hợp nó với thiết bị của Mỹ”, đồng thời cho biết thêm rằng do doanh số bán vũ khí của Trung Quốc tăng nhanh mạnh, nên Mỹ “đang trong cuộc chạy đua để tích hợp với các đối tác của mình trước khi Trung Quốc có thể thâm nhập hoàn toàn vào khu vực".

Về phần mình, ông Colin Kahl, trước đây là Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách của Mỹ, gần đây cũng cảnh báo rằng việc trang bị rộng rãi khí tài quân sự của Trung Quốc có thể cản trở quá trình thiết lập mạng lưới hệ thống phòng không mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thảo luận với các đối tác của Washington trong khu vực.

“Một điều nguy cơ cản trở kế hoạch tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không là một loạt thiết bị quân sự của Trung Quốc ở những quốc gia này sẽ không tương thích với các hệ thống của chúng tôi và chúng sẽ không được phép kết nối với bất kỳ mạng nào mà chúng tôi đang sử dụng vì liên quan đến các vấn đề bảo mật", ông Kahl phát biểu tại Chatham House, một tổ chức tư vấn của Anh, vào tháng 7 vừa qua, ngay trước khi rời khỏi vị trí của mình tại Lầu Năm Góc.

"Dù đó không phải là sự trừng phạt, nhưng chúng tôi sẽ không để các hệ thống phòng không của Trung Quốc tương tác với các mạng của chúng tôi và tôi nghĩ các đối tác của chúng tôi hiểu điều đó", ông Kahl nhấn mạnh.

Các quốc gia Trung Đông, dẫn đầu là những nước Arập vùng Vịnh, trong nhiều thập kỷ là khách hàng chính của vũ khí do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi. Vào những năm 2010, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã mua máy bay không người lái có vũ trang của Trung Quốc vào thời điểm Mỹ không xuất khẩu loại vũ khí này.

Ahmed Aboudouh, một thành viên tại Chatham House nghiên cứu về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông và Bắc Phi, cho biết doanh số bán vũ khí của Trung Quốc tới khu vực (Trung Đông) là "đáng kể và dự kiến sẽ tiếp tục tăng". “Riyadh và Abu Dhabi gần đây đã mua số lượng lớn máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo, nhưng điều đó phản ánh mong muốn đa dạng hóa chính sách mua sắm của họ, hơn là rời xa Trung Quốc”, chuyên gia Aboudouh nói.

Theo chuyên gia Aboudouh, Trung Quốc từ lâu đã tập trung vào việc "lấp đầy khoảng trống của các hệ thống vũ khí chiến đấu hạng nhẹ, chi phí thấp", vốn được khuyến khích bởi sự do dự của Mỹ trong việc bán những vũ khí như vậy cho các đối tác ở Trung Đông và Bắc Phi. Do đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực này “rất ấn tượng"

Doanh số bán hàng đó là "một yếu tố không thể tách rời" trong "chiến lược toàn cầu của Trung Quốc để trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn và kiểm soát thị phần toàn cầu đáng kể hơn trong doanh số bán vũ khí" so với Mỹ, Nga và châu Âu”, ông Aboudouh chia sẻ.

Khi nói đến phòng không, các quốc gia vùng Vịnh vận hành các vũ khí tiên tiến do Mỹ sản xuất như hệ thống Patriot và Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), lần đầu tiên tham chiến khi UAE sử dụng nó để bắn hạ tên lửa đạn đạo phóng từ Yemen vào đầu năm 2022.

Chú thích ảnh
Trung Quốc không đưa ra các lựa chọn thay thế trực tiếp cho những gì Mỹ đang bán ở Trung Đông, nhưng Washington vẫn cảnh giác. Ảnh: Anadolu

Hiện chưa có quốc gia Trung Đông nào mua hệ thống phòng không hiện đại của Trung Quốc, ví dụ như HQ-22, phiên bản Trung Quốc của S-300 do Nga sản xuất. Emily Hawthorne, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi thuộc công ty đánh giá rủi ro RANE nêu quan điểm: “Việc Trung Quốc bán vũ khí cho Trung Đông rất quan trọng vì chúng tiết kiệm chi phí, nhưng Bắc Kinh không bán những thiết bị chiến lược, cao cấp, công nghệ tiên tiến nhất. Nếu động lực đó thay đổi và Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp thiết bị tiên tiến hơn, thì đó sẽ là một diễn biến quan trọng đối với Mỹ".

Tuy nhiên, việc các nước Trung Đông tăng cường hợp tác với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến những gì Mỹ sẵn sàng bán cho họ. Mỹ đã phê duyệt việc bán 50 chiếc F-35 và 18 máy bay không người lái MQ-4B cho UAE với giá 19 tỷ USD vào tháng 1/2021, nhưng Washington đã trì hoãn thỏa thuận này do lo ngại về sự tham gia của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng 5G của UAE và cảng Khalifa của nước này. Abu Dhabi cuối cùng đã đình chỉ thỏa thuận vào tháng 12/2021.

Sau đó, UAE đã mua 12 máy bay huấn luyện L-15 của Trung Quốc và chuẩn bị tham gia một cuộc tập trận không quân ở Trung Quốc trong tháng 8 này (mang tên Falcon Shield-2023) - cuộc tập trận đầu tiên như vậy giữa hai nước.

Ông Aboudouh nhận định Mỹ có "mối quan ngại cụ thể" về "mối quan hệ quân sự ngày càng tăng" của UAE với Bắc Kinh, cũng như sự thất vọng về việc Saudi Arabia nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc trong chương trình hạt nhân dân sự và "những nghi ngờ về một chương trình tên lửa đạn đạo riêng biệt".

Chuyên gia Aboudouh lập luận rằng nếu Mỹ lo lắng về "sự hợp tác quân sự ngày càng tăng" giữa Trung Quốc và các quốc gia Arập vùng Vịnh, thì Mỹ nên "giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực đang giảm sút". Nếu những quốc gia đó không nhận được những gì họ muốn từ Mỹ, họ "sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm các giải pháp thay thế, điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu lợi ích an ninh và quân sự của Mỹ", ông Aboudouh kết luận.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo businessinsider.com)
Mỹ tìm cách giành lại ảnh hưởng ở Trung Đông, liệu có thành công?
Mỹ tìm cách giành lại ảnh hưởng ở Trung Đông, liệu có thành công?

Việc Mỹ thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel - Saudi Arabia đánh dấu một sự cân nhắc lại về mặt chiến lược đối với cách tiếp cận của họ ở Trung Đông. Nhưng đạt được một thỏa thuận như vậy sẽ khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN