Để bảo vệ trước mối đe dọa từ ICBM, Mỹ đã phát triển hệ thống phòng thủ trên mặt đất (GMD), được thiết kế để phóng một tên lửa đánh chặn lên không trung và dùng động năng để phá hủy một mục tiêu đang xuất hiện.
Trong một tuyên bố, quân đội Mỹ cho biết hệ thống này từng được thử nghiệm trước đây, nhưng đây là cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên, liên quan tới một loạt tên lửa đánh chặn. Tên lửa đánh chặn đầu tiên được phóng ở vị trí cách bệ phóng ICBM hơn 6.500 km.
Tên lửa này có nhiệm vụ nhằm vào động cơ quay trở lại của mục tiêu được thử nghiệm trong khi tên lửa thứ hai nhằm vào phần mảnh vỡ còn lại của mục tiêu.
Theo Giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ, Trung tướng Samuel Greaves, vụ thử nghiệm này là "một cột mốc quan trọng".
Ông nhận định: "Hệ thống GMD đóng vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ đất nước và cuộc thử nghiệm này cho thấy chúng ta có một sự phòng thủ đáng tin cậy, có khả năng chống lại một mối đe dọa thực sự".
Mỹ đã mất nhiều thập niên và bỏ ra hàng tỉ USD để phát triển công nghệ đánh chặn tên lửa đạn đạo nhằm vào nước này. Mỹ cũng đang đặt mục tiêu tăng cường nỗ lực này trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa ngày một gia tăng.
Năm 2017, Triều Tiên đã trở thành nước mới nhất gia nhập "câu lạc bộ" ICBM sau khi nước này bắn thử tên lửa Hwasong -15 mà theo giới phân tích có khả năng bắn tới lục địa Mỹ.