Kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015, căng thẳng đã leo thang tại Vịnh Ba Tư.
Ngày 12/5, 4 tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sáng 13/6, hai tàu chở dầu là Kokuka Courageous (Nhật Bản) và Front Altair (Na Uy) đã bị tấn công khi đang thực hiện hải trình qua Vịnh Oman. Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công này. Trong khi đó, Chính phủ Iran bác bỏ cáo buộc của Mỹ và cho biết Mỹ đã không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
Mỹ trong năm nay còn điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới Trung Đông cùng máy bay ném bom B-52, tiêm kích F-22 và F-35.
Tờ National Interest ngày 3/7 nhận định trong trường hợp bùng nổ xung đột giữa Washington và Tehran, lực lượng Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm cách tấn công hoặc gây sức ép với không quân Iran.
National Interest cho rằng mục tiêu hàng đầu của quân đội Mỹ khi đó là tiêm kích F-14 Tomcat có từ thập niên 70.
Theo trang web Flight Global, trong năm 2019, không quân Iran vận hành 24 chiếc F-14 Tomcat. Iran đã mua 79 máy bay quân sự F-14 Tomcat từ tập đoàn Grumman (Mỹ) vào giữa thập niên 70 trước khi xảy ra Cách mạng Hồi giáo.
Dưới đây là một video cận cảnh F-14 Tomcat của Iran (nguồn: Youtube):
Hải quân Mỹ cho chiếc F-14 Tomcat cuối cùng trong lực lượng đã ngừng hoạt động năm 2006. Nhưng với radar đáng gờm và phạm vi hoạt động tầm xa, F-14 Tomcat vẫn là một trong những chiến đấu cơ mạnh nhất trên thế giới. Với lý do này, trong nhiều năm, Mỹ đã cố gắng vô hiệu hóa F-14 Tomcat của Iran.
Sau khi cuộc chiến tranh Iran-Iraq kết thúc năm 1988, Iran còn 68 chiếc F-14 Tomcat. Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận khiến Iran gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu bộ phận thay thế cho những chiếc F-14 Tomcat cũ.
Trước áp lực từ cấm vận của Mỹ, Iran đã khởi động chương trình tự cung tự cấp, không chỉ trong không quân mà còn triển khai trong cả nền kinh tế quốc gia. Trong nhiều lĩnh vực, ý tưởng tự cung tự cấp này đã đạt hiệu quả. Ngoài việc tự sản xuất dầu, Iran công bố tự lập trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất thép, điện lực và hàng không dân dụng.
Tuy nhiên, các công ty Iran vẫn chật vật và chưa thể sản xuất mọi bộ phận đặc biệt của F-14 Tomcat. Do đó, Iran đã tìm đến chợ đen tại Mỹ.
Tháng 3/1998, đặc vụ liên bang Mỹ đã bắt công dân gốc Iran Parviz Lavi tại Long Island, cáo buộc ông này vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ khi mua bộ phận của F-14 Tomcat và chuyển chúng đến Iran qua Hà Lan. Lavi bị kết án 5 năm tù và khoản tiền phạt 125.000 USD. Ngoài ra, Mỹ còn “tóm” được nhiều trường hợp khác cũng tìm cách đưa bộ phận của F-14 Tomcat vào Iran.
Năm 2006, khi Mỹ cho chiếc F-14 Tomcat cuối cùng ngừng hoạt động thì Iran trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới còn sử dụng tiêm kích này. Năm 2008, Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm kinh doanh bất cứ bộ phận nào của chiến đấu cơ F-14 Tomcat đến Iran. Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush đã ký ban hành luật.