Hạn chế trong sáng kiến của Séc nhằm cung cấp đạn dược cho Ukraine

Mặc dù sáng kiến của Séc được kỳ vọng sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, báo cáo của Thượng viện Séc chỉ ra nhiều thiếu sót trong quản lý, minh bạch và quy trình đấu thầu.

Chú thích ảnh
Sáng kiến của Séc  nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine bị bao vây bởi những cáo buộc về quản lý yếu. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhận định trên trang tin eurasiareview.com mới đây, cựu sĩ quan hải quân Mỹ James Durso và hiện là nhà bình luận về chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh quốc gia, cho rằng việc các quốc gia châu Âu tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine là một dấu hiệu tích cực trong nỗ lực hỗ trợ quốc gia này đối đầu với Nga. Tuy nhiên, nỗ lực phối hợp trong việc cung cấp đạn dược cho Ukraine đang gặp trục trặc nghiêm trọng. Theo báo cáo của Thượng viện Séc công bố gần đây, Sáng kiến Đạn dược của Séc, một phần quan trọng trong chiến lược này, đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng, làm dấy lên lo ngại về hiệu quả và tính minh bạch của các nỗ lực này.

Sáng kiến Đạn dược của Séc được thiết kế để tận dụng thế mạnh của Cộng hòa Séc trong ngành công nghiệp vũ khí, tập hợp nguồn lực từ các đồng minh để mua đạn dược cho Ukraine. Sáng kiến có hai mục tiêu chính: đầu tiên, mua vũ khí từ các khu vực pháp lý không bán trực tiếp cho Ukraine; thứ hai, tạo ra một bên mua duy nhất để tránh sự cạnh tranh giữa 20 quốc gia đồng minh trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Đức, Đan Mạch, Na Uy và một số quốc gia khác đã hỗ trợ sáng kiến này với khoản đóng góp từ 1,4 tỷ đến 1,6 tỷ euro. Tuy nhiên, các quốc gia như Pháp, Anh và Italy đã từ chối tham gia, cho thấy sự thận trọng của họ trước những bất cập được chỉ ra trong báo cáo.

Những vấn đề nghiêm trọng

Cựu Thủ tướng Séc Andrej Babiš, hiện là lãnh đạo phe đối lập, đã chỉ trích Sáng kiến Đạn dược của Séc vì cáo buộc rằng các công ty vũ khí đang đầu cơ giá và chính phủ có thể đã thiên vị hoặc tham nhũng trong việc trao hợp đồng. Ông đã chỉ trích một nhà thầu cũ, Tomáš Pojar, vì kiếm lợi nhuận cao từ mỗi quả đạn.

Một ví dụ điển hình về vấn đề này là việc mua sắm 180.000 đơn vị đạn pháo M107 155mm do Đức tài trợ, được bán cho Ukraine với giá 3.200 euro/quả đạn pháo. Trong khi đó, một nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã chào giá chỉ 2.500 euro/quả. Sự chênh lệch giá này khiến Ukraine phải chi thêm hơn 110 triệu euro, số tiền đủ để mua thêm khoảng 40.000 quả đạn pháo nữa. Việc định giá quá cao này không phải là một sự cố đơn lẻ; Chính phủ Séc đã thường xuyên bỏ qua các quy trình đấu thầu cạnh tranh, dẫn đến việc chi phí cao và hạn chế sự đổi mới trong ngành vũ khí.

Trong khi đó, quá trình mua sắm trong Sáng kiến Đạn dược của Séc được giữ bí mật, với quyết định quan trọng thường được đưa ra mà không có sự giám sát hoặc trách nhiệm giải trình đầy đủ. Ủy ban giám sát liên bộ của Séc, vốn có nhiệm vụ đảm bảo tính minh bạch, chỉ họp một lần kể từ khi thành lập. Sự thiếu giám sát này đã tạo điều kiện cho tình trạng kém hiệu quả và tham nhũng tiềm ẩn phát triển mạnh, làm suy yếu uy tín của sáng kiến và làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế.

Hơn nữa, việc Chính phủ Séc không tiến hành nghiên cứu thị trường hoặc các quy trình đấu thầu công khai đã dẫn đến lãng phí tài chính và làm tổn hại đến nỗ lực phòng thủ của Ukraine. Cam kết ban đầu về việc cung cấp 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine đã bị giảm xuống còn 500.000 quả do chi phí mua sắm bị thổi phồng. Sự thiếu hụt này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine và tổn hại đến danh tiếng của Cộng hòa Séc như một đồng minh đáng tin cậy.

Báo cáo của Thượng viện Séc cũng chỉ ra rằng những vấn đề trên có thể phản ánh sự coi thường việc sử dụng hiệu quả các quỹ công. Chính phủ Séc cần phải thực hiện các cải cách ngay lập tức để khôi phục lòng tin và hiệu quả trong Sáng kiến Đạn dược. Những cải cách này bao gồm đàm phán lại các hợp đồng để phản ánh giá thị trường công bằng, thực hiện các cơ chế giám sát chặt chẽ và mở cửa quá trình mua sắm để cạnh tranh.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo eurasiareview.com)
CH Séc coi Việt Nam là đối tác và thị trường quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á
CH Séc coi Việt Nam là đối tác và thị trường quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 22/8, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa (CH) Séc Dương Hoài Nam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Công Thương nước chủ nhà Jozef Sikela nhân dịp ông vừa chính thức được Chính phủ CH Séc đề cử đảm nhận cương vị Ủy viên Ủy ban châu Âu (EC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN