Ba Lan đề nghị Mỹ chuyển giao thêm 6 khẩu đội Patriot

Ba Lan đã đề nghị Mỹ cho phép nước này mua thêm 6 hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại Patriot do Tập đoàn Công nghệ Raytheon phát triển.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ và lực lượng trên bộ Ba Lan tại địa điểm thử nghiệm bệ phóng tên lửa Patriot gần Drawsko Pomorskie, Ba Lan, tháng 6/2018. Ảnh: Defense News

Theo trang Defense News, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Błaszczak thông báo Ba Lan đang khởi động giai đoạn hai của chương trình phòng không tầm trung. Do đó, nước này đã đề nghị Chính phủ Mỹ chuyển giao thêm 6 khẩu đội tên lửa Patriot cùng các thiết bị liên quan cho Warsaw.

“Chúng tôi đang xúc tiến hợp đồng về giai đoạn hai của chương trình phòng không Wisla. Tôi đã ký một lá thư đề nghị gửi đến Chính phủ Mỹ liên quan đến việc mua lại 3 sư đoàn hoặc 6 khẩu đội của hệ thống Patriot, bao gồm các radar đa hướng, bệ phóng tên lửa và kho đạn dự trữ”, ông Błaszczak cho biết tại hội nghị Defence24 Day diễn ra tại Warsaw.

Theo các nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng, cảm biến đa hướng được đề cập trong thỏa thuận này là cảm biến phòng thủ tên lửa và phòng không cấp thấp hơn do Raytheon phát triển, được nhà sản xuất đặt tên là GhostEye. Giá trị của hợp đồng mua sắm trên không được tiết lộ. 

Tháng trước,ông Błaszczak tuyên bố Ba Lan sẽ tăng cường nỗ lực phát triển năng lực phòng không tầm ngắn và tầm trung trong bối cảnh xung đột Nga -  Ukraine leo thang căng thẳng.

“Chúng tôi rút ra bài học từ những gì đang xảy ra trên biên giới phía đông của chúng tôi. Cuộc xung đột Nga - Ukraine giúp chúng tôi nhận ra vai trò của hệ thống phòng không trong việc bảo vệ lãnh thổ Ba Lan. Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi tăng tốc chuyển giao hệ thống phòng không tầm ngắn Narew cho quân đội Ba Lan”, Bộ trưởng Błaszczak nói.

Việc trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không ngày càng trở nên cấp thiết hơn ở các quốc gia châu Âu, trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trung tướng về hưu Ben Hodges, cựu Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và kêu gọi các nước trong khu vực thúc đẩy trang bị hệ thống này để tự bảo vệ mình tốt hơn trước các mối đe dọa.

Patriot là hệ thống vũ khí quân đội Mỹ đã tin cậy trong 40 năm qua. Patriot vốn được thiết kế để đối đầu và phá hủy các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chiến đấu cơ tiên tiến và tên lửa hành trình. Một tổ hợp Patriot bao gồm tên lửa cùng các trạm phóng, một bộ radar nhằm phát hiện, theo dõi mục tiêu và một trạm điều khiển.

Patriot từng nhiều lần được cải tiến và nâng cấp sau lần đầu triển khai năm 1982. Trong khi đó, lần đầu Patriot được sử dụng trong chiến đấu thực địa là cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991). Năm 2003, Patriot cũng xuất hiện trong chiến dịch Tự do Iraq.Cải tiến quan trọng nhất của Patriot là Patriot PAC-3 với công nghệ tấn công tiêu diệt, có thể hạ gục mục tiêu bằng cách tấn công trực diện chúng. Tên lửa PAC-3 đã được thử nghiệm lần đầu năm 1997 và đến năm 2003 được triển khai trong chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq.

Theo thông tin mới nhất, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống cảm biến đa hướng trên Patriot và đang cân nhắc xuất khẩu hệ thống phòng không được nâng cấp sớm nhất là vào năm tài khóa 2023.

Ba Lan đã viện trợ nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Warsaw cũng tuyên bố không chấp nhận cơ chế thanh toán dựa trên đồng rúp mới mà Tổng thống Vladimir Putin ban bố hồi cuối tháng 3. Trong động thái mới đây nhất, hôm 23/5, Chính phủ Ba Lan thông báo sẽ ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga trước khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào cuối năm 2022.

Hải Vân/Báo Tin tức
Ba Lan bất đồng với Đức về viện trợ xe tăng cho Ukraine
Ba Lan bất đồng với Đức về viện trợ xe tăng cho Ukraine

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chỉ trích Berlin vi phạm thỏa thuận thay thế xe tăng để Warsaw gửi cho Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN