Australia phát triển tàu ngầm không người lái giữa căng thẳng với Solomon

Thông báo của Canberra về việc phát triển tàu ngầm không người lái được đưa ra trong bối cảnh khu vực đang căng thẳng liên quan đến thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.

Chú thích ảnh
Thiết kế tàu ngầm tự hành của Anduril Industries. Ảnh: Sputnik

Theo đài Sputnik, trong một tuyên bố chính thức, Australia ngày 5/5 công bố một kế hoạch mới nhằm phát triển “Phương tiện tự hành dưới biển siêu lớn” (XL-AUV), hợp tác với công ty công nghệ quốc phòng Anduril Industries của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết 3 nguyên mẫu sẽ được chuyển giao cho Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) trong vòng 3 năm theo dự án. Nhà chức trách nhấn mạnh các tàu ngầm tự hành sẽ dài từ 10 đến 30 m, có “khả năng chuyên chở nhiều loại tải trọng quân sự trên một quãng đường dài”.

“Năng lực mới sẽ bổ sung và nâng cao tính nhanh nhẹn và hiệu quả của lực lượng tàu ngầm, lực lượng tác chiến mặt nước hiện tại của RAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Dutton nói. Ông Dutton cũng chỉ ra tàu ngầm không người lái mới sẽ gây khó khăn “đối với bất kỳ đối thủ nào".

Trong khi đó, Anduril Industries cho hay XL-AUV có thể được triển khai trong các nhiệm vụ quân sự và phi quân sự, bao gồm “tình báo, kiểm tra cơ sở hạ tầng, giám sát, trinh sát và tấn công”.

Công ty cho biết thêm các tàu ngầm không người lái mới sẽ được phát triển ở Australia thông qua việc thuê và đào tạo lực lượng lao động địa phương.

“Thông qua hợp tác lần này, Anduril Australia sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng của Australia và góp phần đưa Australia trở thành một nhà xuất khẩu dẫn đầu về năng lực tự hành”, Giám đốc điều hành David Goodrich nói.

Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison đưa ra lời giải thích “xoa dịu” những chỉ trích từ người đồng cấp Solomon, ông Manasseh Sogavare. Trước đó, Thủ tướng Sogavare đã tuyên bố tại Quốc hội nước này rằng chính phủ của ông đang bị các quốc gia phương Tây đe dọa “can thiệp quân sự”. Sogavare cũng cáo buộc Australia và Mỹ có ý đồ “phá hoại” chính phủ kể từ khi họ ký thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh.

“Tất nhiên là không. Tất nhiên, chúng tôi không đe dọa rằng một cuộc xâm lược”, Thủ tướng Morrison phát biểu ngày 5/5, nhấn mạnh thêm Australia tiếp tục là đối tác an ninh chính của Quần đảo Solomon.

Tháng trước, Thủ tướng Morrison tuyên bố một căn cứ quân sự tiềm năng của Trung Quốc trên Quần đảo Solomon sẽ tạo thành “lằn ranh đỏ” cho Canberra và Washington. Tuy nhiên, ông không giải thích rõ “lằn ranh đỏ” đó mang nghĩa là gì.

Thỏa thuận an ninh mới giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã bị Đảng Lao động đối lập tại Australia mô tả là một “thất bại về chính sách" của đảng cầm quyền.

Thỏa thuận an ninh mới cũng đã thúc đẩy chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Mỹ bao gồm điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Ông Kritenbrink nói rằng Mỹ sẽ “phản ứng theo cách tự nhiên” đối với việc Trung Quốc thiết lập “sự hiện diện quân sự thường trực” trên Quần đảo Solomon.

Về phần mình, Bắc Kinh chỉ trích Australia và Mỹ mang “tiêu chuẩn kép” về vấn đề thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Tại sao hiệp ước an ninh Trung Quốc-Solomon trở thành mối lo ngại với nhiều quốc gia?
Tại sao hiệp ước an ninh Trung Quốc-Solomon trở thành mối lo ngại với nhiều quốc gia?

Vào tuần trước, Trung Quốc xác nhận đã ký kết thoả thuận an ninh với Quần đảo Solomon, làm dấy lên phản ứng dữ dội từ phía Mỹ và các đồng minh Nam Thái Bình Dương, Australia và New Zealand.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN