Lừa đảo có tổ chức
Đối tượng tự xưng là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian trong một tình huống khẩn cấp. Trong đoạn băng ghi âm phát qua điện thoại, người tự xưng là ông Le Drian nói: “Chúng ta đang nói về mạng sống của công dân Pháp và chúng ta muốn giải cứu họ. Nếu không, chúng ta phải chờ đợi điều tệ nhất. Tôi cần biết ông có thể cùng chúng tôi tham gia vào sứ mệnh này không để chúng tôi có thể tiến hành. Nếu câu trả lời là có thì tôi sẽ báo cáo Tổng thống để giao cho ai đó làm trung gian cho chúng ta”.
Người ở đầu dây điện thoại bên kia là Olivier de Boisset, một người Pháp làm giám đốc công ty công nghệ thông tin ở Niger. Ông de Boisset được đề nghị chuyển hơn 2 triệu USD để hỗ trợ giải cứu 5 con tin người Pháp bị khủng bố giam giữ ở Mali.
Giọng nói cho biết Pháp cần ông de Boisset giúp để chuyển tiền vì về mặt chính thức, Pháp không trả tiền chuộc và giọng nói đó đảm bảo rằng Ngân hàng Trung ương Pháp sẽ trả lại tiền cho ông.
Ông de Boisset tỏ ra nghi ngờ, nhưng ông không bao giờ tưởng tượng nổi mức độ vụ lừa đảo mà ông đang vướng vào. Không có con tin người Pháp nào ở Mali. Ông vừa trở thành nạn nhân mới nhất của vụ lừa đảo nhiều triệu USD kéo dài suốt hai năm và nhằm vào trên 150 người, trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng như lãnh tụ tinh thần Aga Khan, Tổng thống Niger, Thủ tướng Na Uy, Quốc vương Bỉ, Tổng giám đốc UNESCO và nhiều tổng giám đốc công ty.
Theo các tài liệu mà tòa án Pháp thu thập được, những kẻ lừa đảo còn có ý định moi tiền từ các đại sứ quán và chính phủ ở trên 50 nước. 80 triệu euro là tổng số tiền mà những người giàu có bị mất khi tin vào câu chuyện con tin Pháp bị khủng bố Hồi giáo bắt giữ đòi tiền chuộc. Một phần trong số tiền này biến mất vĩnh viễn.
Theo nhiều nạn nhân, họ tin những kẻ lừa đảo vì sau cuộc gọi điện ban đầu, chúng sẽ gọi bằng video qua ứng dụng Skype. Trong cuộc trao đổi, kẻ lừa đảo đeo mặt nạ silicon giống khuôn mặt Bộ trưởng Le Drian và ngồi trong một căn phòng giống hệt văn phòng bộ trưởng, có cả cờ Pháp, cờ châu Âu.
Một mục tiêu khác của bọn lừa đảo vào tháng 6/2016 là Bruno Paillard, chủ công ty sản xuất sâm panh ở Reims, miền Bắc nước Pháp. Ông Paillard cho biết bọn lừa đảo rất giỏi khi làm cho sự việc ra vẻ rất khẩn cấp. Hình ảnh qua Skype không rõ lắm, còn giọng Bộ trưởng Quốc phòng hơi lạ, nhưng kẻ lừa đảo nói hắn đang ở trong boongke ở bộ.
Ngoài cuộc gọi qua Skype, ông Paillard còn cho biết bọn lừa đảo liên lạc với ông qua các giấy tờ có thông tin in trên đầu giấy chính thức của Bộ Quốc phòng. Nhưng dù vậy, ông Paillard vẫn không tin và đi gặp cảnh sát. Ông nói: “Là nhà sản xuất rượu vang, chúng tôi không giỏi cứu mạng người bị giam cầm ở đất nước xa lạ”. Ông Paillard cho biết Bộ trưởng giả còn biết ông có mấy đứa con.
Nhà sản xuất rượu Guy-Petrus Lignac cũng ngạc nhiên không kém khi những kẻ lừa đảo biết nhiều về ông. Chúng dựa vào thông tin lý lịch của ông để kêu gọi tinh thần yêu nước. Ông nói: “Chúng biết quá nhiều về tôi. Rằng tôi từng là cảnh sát trước đây. Đó không phải là thông tin phổ biến, không có trên internet. Tôi rất ngạc nhiên”.
Nhiều nạn nhân hoài nghi và tới thẳng Bộ Quốc phòng để báo cáo. Bộ đã báo các điều tra viên vào mùa hè năm 2015 và sau đó họ đã mở điều tra vào tháng 4/2016. Các luật sư của ông Le Drian cho biết đại sứ quán Pháp khắp thế giới được cảnh báo về âm mưu năm 2016.
Giới chức mở điều tra nhưng âm mưu lừa đảo vẫn tiếp diễn. Doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ Inan Kirac bị lừa vào tháng 11/2016 và trong khoảng thời gian hơn một tháng, ông đã chuyển hơn 47 triệu USD trong 9 lần vào các tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc. Đây là khoản tiền lớn nhất mà một cá nhân bị lừa chuyển. Ông Kirac đã tin rằng tiền của mình được dùng để chuộc hai nhà báo Pháp bị bắt cóc ở Syria.
Cuối cùng, ông Kirac đã nhận ra ông đang bị lừa và bắt đầu ghi âm các cuộc nói chuyện với kẻ lừa đảo. Trong một đoạn ghi âm, ông Kirac đang nói chuyện với người tự xưng là phụ tá của Bộ trưởng Le Drian.
Giọng nói trên đường truyền chập chờn phía bên kia vang lên: “Ông Kirac, đầu tiên, tôi muốn chia buồn về vụ tấn công ở Istanbul và tôi biết rằng hai trong số những người bạn rất thân của ông bị thương trong vụ tấn công. Tôi hy vọng năm 2016 sẽ là năm tốt đẹp để đánh bại tội ác và khủng bố, những kẻ đáng xuống địa ngục”.
Bà Delphine Meillet, luật sư đại diện cho ông Le Drian, giờ là Ngoại trưởng Pháp, nói rằng những kẻ lừa đảo sử dụng cuộc chiến ở Syria để bẫy con mồi. Năm 2015, có con tin bị bắt thật và kỹ thuật để thuyết phục nạn nhân là đánh vào nỗi sợ khủng bố. Bà Meillet nói: “Khi nhà nước đề nghị bạn giúp, chống khủng bố, làm sao bạn có thể nói không? Làm sao bạn có thể từ chối đề nghị của bộ trưởng?”
Trả giá
Sáu trong số những nghi phạm lừa đảo đã bị đưa ra tòa án ở Paris xét xử. Theo các công tố viên, kẻ giả giọng của Bộ trưởng Le Drian tên là Gilbert Chikli, một người Israel gốc Pháp bị cáo buộc là chủ mưu của đường dây lừa đảo. Hắn bị cáo buộc lừa đảo có tổ chức và mạo danh.
Bà Meillet nói rằng tên Chikli là một kiểu Victor Lustig thời hiện đại, kẻ lừa đảo khét tiếng từng bán Tháp Eiffel cho một người buôn đồng nát năm 1925 tới hai lần. Chikli có quá khứ bất hảo. Năm 2015, hắn bị kết án vắng mặt 7 năm tù vì âm mưu trắng trợn đóng giả các tổng giám đốc Pháp nổi tiếng để moi hàng triệu euro từ các công ty. Trò lừa về sau là chủ đề bộ phim “Thank You for Calling” và Chikli còn được trả tiền để làm cố vấn.
Năm 2017, Chikli bị bắt ở Ukraine và có bằng chứng trong điện thoại cho thấy hắn có tra Google cụm từ “mặt nạ silicon Kiev” và “Hoàng tử Monaco”.
Một bị cáo khác trong phiên tòa là Anthony Lasarevitsch, bị bắt ở Kiev cùng Chikli. Các điều tra viên phát hiện ảnh mặt nạ silicon Hoàng tử Albert II của Monaco trong điện thoại di động của hắn. Lasarevitsch cũng bị cáo buộc tương tự Chikli. Cả hai nghi phạm đều bác bỏ cáo buộc.
Năm 2017, xuất hiện một đoạn video về Chikli ở Kiev, cho thấy hắn đặt hàng tủ lạnh và chiếc tủ này được giao tới nhà tù. Trong video, hắn nói: “Đây là cái tôi vừa mua, một cái tủ lạnh, để tôi có thể ăn thịt sườn. Chúng tôi là ông chủ”.
Cuối cùng, Chikli bị dẫn độ về Pháp. Hắn đang ở tù vì trò lừa đảo các tổng giám đốc. Hắn thừa nhận tham gia vụ lừa đảo này nhưng chối là chủ mưu.
Những nghi phạm đóng giả Bộ trưởng Le Drian nói trên đã bị kết án ngày 12/3. Chikli bị kết án 11 năm tù. Lasarevitsch nhận bản án 7 năm tù. Hai tên sẽ phải trả lần lượt tiền phạt 2 triệu euro và 1 triệu euro vì vụ lừa đảo được ví là “vụ lừa đảo thế kỷ”.
Theo bản án, Chikli và Lasarevitsch cũng bị tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại cho hai nạn nhân lớn là ông Inan Kirac (44 triệu euro) và ông Aga Khan ( 10,6 triệu euro).
Ngoài ra, bị cáo thứ ba tên là Sebastian Zawadzki bị kết án vắng mặt 5 năm tù và phải nộp phạt 1 triệu euro. Hắn đã bị phát lệnh truy nã.