Phá án nhờ đạn đạo học-Kỳ II: Thảm sát ngày Valentine

Khi súng lục nòng trơn và súng hỏa mai được thay thế bằng các vũ khí có nòng rãnh xoắn (súng trường) vào cuối thế kỷ 18, những viên đạn bắn đi đều có một dấu hiệu phân biệt. Quá trình tạo ra các rãnh ở súng trường để bắn chính xác hơn cũng đồng nghĩa, chúng để lại một dấu hiệu trên vỏ kim loại mềm hơn của đầu đạn khi nó đi qua nòng súng.

 

Hiện trường vụ thảm sát ngày 14/2/1929.

 

Bất cứ viên đạn nào bắn ra từ cùng một vũ khí cũng sẽ mang những dấu hiệu giống nhau. Nếu những viên đạn được bọc trong băng đạn thì còn có nhiều dấu hiệu hơn, giúp các nhà điều tra có thể xác định chính xác viên đạn và một khẩu súng đã khai hỏa nó.


Phương pháp xác định bằng chứng bằng cách khớp đạn với súng ra đời từ năm 1835 tại Anh, khi phần chóp còn nguyên từ một viên đạn, được lấy ra từ cơ thể nạn nhân, được liên hệ với một khuôn đạn tại nhà của nghi phạm. Mặc dù đó không thực sự là phương pháp khớp đạn, nhưng cũng là bước mở đầu.


Lần đầu tiên một chuyên gia đã chứng minh được trước tòa rằng, một khẩu súng xác định đã được sử dụng trong một vụ giết người tại Mỹ là vào năm 1902. Khi đó, chuyên gia Oliver Wendell Holmes đã bắn thử khẩu súng bị cáo buộc là hung khí giết người vào một miếng sợi bông. Sau đó ông đã sử dụng kính phóng đại để khớp những vết xước trên viên đạn lấy từ người nạn nhân với viên đạn bắn thử và chứng minh sự liên quan trước bồi thẩm đoàn.


Tuy nhiên phải đến vụ thảm sát vào Ngày Lễ Tình yêu năm 1929 mới dẫn đến việc thành lập phòng thí nghiệm phát hiện tội phạm đầu tiên tại Mỹ. Buổi sáng ngày 14/2, bảy người đàn ông đang chờ đợi trong một nhà kho của công ty SMC Cartage ở North Side, Chicago, tại địa chỉ 2122 đường North Clark. Ba người mặc sắc phục cảnh sát và hai người mặc thường phục trên một chiếc xe cảnh sát ập vào nhà kho. Các nhân chứng ở những ngôi nhà gần đó nghe thấy những loạt súng tự động vang lên. Sau đó, nhóm cảnh sát bỏ đi và một con chó còn sống sót trong tòa nhà bắt đầu tru lên. Những người hàng xóm đổ tới và phát hiện một cảnh tượng kinh hoàng: 7 người đàn ông không vũ trang nằm giữa những vũng máu trên sàn nhà, tất cả đều bị bắn nhiều phát đạn từ phía sau. Máu nhuộm đỏ bức tường nơi họ bị buộc phải đứng áp sát trước khi cuộc thảm sát bắt đầu.


Bảy nạn nhân được xác định là thành viên của băng cướp George “Bugs” Moran. Các nhà điều tra đổ lỗi cho băng đảng Al Capone, tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chính cảnh sát đã sát hại nhóm cướp. Vì vậy, khớp đạn và súng là biện pháp duy nhất để có thể tìm ra sự thật trong kỳ án này.


 

Chuyên gia đạn đạo học Goddard làm việc với kính hiển vi so sánh.

 

Các tay súng đã để lại 70 vỏ đạn và loại vũ khí giết các nạn nhân được xác định là những khẩu tiểu liên Thomson 45 ly.


Người có thể đưa ra những khác biệt trong vụ này không ai khác chính là bác sĩ chuyên khoa tim Calvin Goddard, một chuyên gia tiên phong về đạn đạo học, từng xác nhận bằng chứng trong vụ Sacco - Vanzetti hai năm trước đó. Cùng với cộng sự Charles Waite, ông Goddard bắt đầu thu thập dữ liệu từ tất cả các nhà sản xuất súng được biết, nhằm phát triển một cơ sở dữ liệu toàn diện. Hai người đã cùng nhau sắp xếp phân loại các kết quả bắn thử với từng loại súng.


Thời điểm đó, chỉ có 12 nhà sản xuất súng cầm tay được biết đến. Goddard và Waite đã gây dựng một cơ sở dữ liệu, sau này được phát triển thành một trong những bộ sưu tập toàn diện nhất của những thông tin phá án liên quan đến súng. Waite qua đời năm 1925, nhưng Goddard vẫn tiếp tục công việc gây dựng và hoàn chỉnh hơn khoa học về đạn đạo.


Với phát minh về kính hiển vi so sánh, sử dụng những lớp gương phản chiếu và thấu kính của Philip Gravelle, hai vật thể có thể đặt bên cạnh nhau để kiểm tra so sánh. Những viên đạn cũng có thể được kiểm tra để tìm ra dấu hiệu khớp chúng với khẩu súng mà từ đó chúng đã được nhả đạn.


Do đó, sau khi 7 thi thể găm đầy đạn được tìm thấy trong một nhà kho ở Chicago vào đúng ngày Valentine năm 1929, nhiệm vụ đặt ra với các nhà điều tra là phải tìm ra vũ khí gây án.


Ông Goddard đã tới New York với tư cách một nhà điều tra độc lập. Tại đây, ông đã bắn thử từng khẩu trong số 8 khẩu súng tự động của cảnh sát Chicago rồi so sánh kết quả với các bằng chứng thu thập tại hiện trường. Không một vỏ đạn nào khớp với súng, do đó khả năng cảnh sát Chicago là thủ phạm bị loại bỏ. Điều đó cũng đồng nghĩa, một kẻ nào đó đã đóng giả cảnh sát để phạm tội.


10 tháng sau, cảnh sát đã đột kích nhà một thành viên băng đảng của trùm mafia Al Capone. Họ phát hiện hai khẩu tiểu liên và chuyển cho Goddard. Ông tiếp tục bắn thử và chứng minh chúng chính là hung khí trong vụ thảm sát. Phát hiện này đã đưa một kẻ trong nhóm sát nhân vào tù.


Vụ thảm sát hóa ra là một phần của cuộc chiến băng nhóm giữa Capone và Moran. Các nạn nhân đã bị lừa đến nhà kho và Moran lẽ ra cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên do đến muộn, phát hiện chiếc xe cảnh sát bên ngoài nhà kho, Moran đã chuồn thẳng.


Những gì Calvin Goddard làm được đã cổ vũ hai doanh nhân, từng là thành viên bồi thẩm đoàn trong các vụ án mà ông tham gia, hỗ trợ ông thành lập phòng thí nghiệm tội phạm học độc lập đầu tiên của Mỹ tại Đại học Northwestern ở Chicago. Đạn đạo học, dấu vân tay, phân tích máu và truy lùng bằng chứng đã được “gom” về dưới một mái nhà và phòng thí nghiệm của Goddard trở thành một hình mẫu. Giới khoa học và cảnh sát đã hợp lại. Ông Goddard sau đó đã trở thành cố vấn cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) vào năm 1932 khi họ thành lập một phòng thí nghiệm tội phạm học tương tự. Thiết bị đầu tiên của phòng thí nghiệm này chính là một kính hiển vi so sánh.


Bạch Đàn

 

Đón đọc kỳ 3: “Sáng tỏ” súng cầm tay

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN