Để phát triển khoa học “giải mã” vũ khí cầm tay trong điều tra, công cụ quan trọng nhất là kính hiển vi. Những kính hiển vi thô sơ sớm nhất được phát minh vào những năm 1600, cho phép phóng đại từ 10 đến 20 lần, nhưng hình ảnh vẫn bị mờ. Phát minh ra kính hiển vi tổ hợp, với nhiều thấu kính, đã cải thiện hình ảnh khi độ phóng đại và độ nét của vật thể được tăng cường theo cấp số nhân.
Sau những năm làm thí nghiệm và sưu tập dữ liệu, các chuyên gia nhận dạng vũ khí cầm tay có thể so sánh các viên đạn và khớp chúng với một vũ khí cầm tay cụ thể; ước lượng chính xác khoảng cách bắn; phát hiện bột thuốc súng còn vương lại; khôi phục được những số serie đã bị mờ.
Một vỏ đạn được tìm thấy tại hiện trường. Ảnh: Internet |
Vũ khí cầm tay ngày nay thuộc hai loại cơ bản: Cầm tay và vác vai. Với loại súng lục cầm tay, có loại bắn từng viên và bắn nhiều viên, như súng lục ổ quay và súng lục tự lên đạn. Súng vác vai thì có nòng dài, bao gồm các loại cơ bản như súng trường, súng tự động (tiểu liên) và súng săn nòng trơn. Kể từ thế kỷ 18, các loại súng được chế tạo với những đường rãnh xoắn ốc bên trong nòng súng, giống như đường ren xoáy trôn ốc của con vít. Chúng tạo thành những chóp kim loại giữa các đường rãnh. Những chóp này sẽ kẹp lấy viên đạn, giúp chúng bắn đi trong trạng thái xoay như con quay trong không khí, nhờ vậy đầu đạn bay chính xác hơn.
Phần bên trong của nòng súng là khoang nòng, và đường kính của viên đạn phải phụ thuộc vào đường kính của nòng, được đo bằng milimet. Khi một viên đạn đi qua nòng súng, vỏ kim loại của nó sẽ bị “uốn” theo khuôn bằng kim loại cứng hơn của nòng súng. Bất cứ viên đạn nào được bắn ra từ một khẩu súng sẽ đều mang những dấu vết giống nhau.
Những viên đạn được tìm thấy tại hiện trường (hoặc trong cơ thể nạn nhân) cung cấp rất nhiều thông tin, và các nhà điều tra thường tìm kiếm những bộ phận đặc trưng, như: Viên đạn (bằng chì hoặc hợp kim chì, và có thể được bọc bằng một kim loại khác); ngăn chứa bột thuốc súng; vỏ đạn, bọc lấy những thành phần trên và in dấu của nhà sản xuất cùng chỉ số đường kính; chóp kim loại mềm ở đáy vỏ đạn, chứa kíp nổ.
Khi một khẩu súng nhả đạn, nó sẽ để lại nhiều đầu mối cho các nhà điều tra. Ảnh: Internet |
Khi được bóp cò, kim hỏa của súng sẽ đập vào vị trí có ngòi nổ rất nhạy. Động tác điểm hỏa này làm thuốc súng bị đốt nhanh, tạo ra áp lực cho đến khi vỏ đạn không thể chứa nổi nó. Áp lực buộc viên đạn vọt ra ngoài và vỏ đạn bật lại đằng sau. Va chạm tạo ra một dấu vết rõ ràng lên đầu đạn, còn cơ chế hút và đẩy vỏ đạn cũng để lại những dấu vết riêng. Dù những vết xước là gì thì những vỏ đạn nhặt được cũng chỉ khớp với khẩu súng bắn ra nó.
Khớp một vỏ đạn đã bật ra với một khẩu súng có thể đồng nghĩa với bắn thử khẩu súng tình nghi (nếu được tìm thấy) tại phòng lab tội phạm học. Sau đó có thể so sánh giữa vỏ đạn từ hiện trường với vỏ đạn được bắn từ khẩu súng, như các nhà khoa học đã làm trong vụ Sacco - Vanzetti.
Do viên đạn bắn thử phải được thu lại, nên khẩu súng hoặc là được hướng bắn vào một bể nước hoặc vào kim loại rất mềm hay tấm bông dày. Sau đó là công đoạn so sánh các vết xước dưới kính hiển vi. Việc này đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm để đưa ra kết luận dứt khoát cuối cùng, nhưng có thể nói rằng, một viên đạn xác định được bắn ra từ một khẩu súng xác định và chỉ từ khẩu súng đó, như kiểu vân tay là đặc điểm nhận dạng của mỗi người.
Nếu không tìm được khẩu súng, thì vẫn có một cách tiếp cận khác. Có thể nói nhiều điều về cách chế tạo một khẩu súng khi phân tích loại vỏ đạn hoặc viên đạn được tìm thấy. Hướng của các vòng xoắn chỉ ra cách mà đường rãnh trong nòng súng tạo ra đường xoay về tay trái hay tay phải khi đạn được bắn đi. Chẳng hạn, những khẩu súng của hãng Smith&Wesson có 5 rãnh xoắn về bên phải, và khẩu Colt xoay 32 ly có 6 đường xoắn về bên trái. Để có được sự xác định này, các nhà phân tích phải xem xét vỏ đạn và kiểm tra xem các cạnh của góc sọc từ chân đến mũi, và đánh dấu theo số quanh chúng. Để nói rằng hai viên đạn đều từ một khẩu súng, những biểu hiện của rãnh phải khớp cả về số lượng và góc xoắn.
Ngày nay, các phòng thí nghiệm tội phạm học có thể sử dụng phân tích của máy vi tính để đưa ra các so sánh như vậy. Các máy tính được nối mạng với các cơ sở dữ liệu quốc gia và quốc tế, tương tự như với hệ thống vân tay.
Các nhà điều tra cũng sẽ xem xét đến tầm bắn của viên đạn. Để đo khoảng cách từ họng súng tới mục tiêu, khẩu súng được bắn từ những khoảng cách khác nhau nhằm vào một mục tiêu bìa cứng dày. Người bắn sau đó kiểm tra kích thước của lỗ đạn và đường kính của phần bã thuốc súng, vì khi súng nhả đạn, những mảng thuốc súng chưa cháy sẽ bay ra khỏi nòng súng. Chúng sẽ không bay được xa, và nếu va vào một vật nào đó, sẽ để lại những vệt đường tròn đặc trưng, với kích cỡ phụ thuộc vào khoảng cách so với mục tiêu.
Một khía cạnh thú vị khác của “giải mã” vũ khí là khả năng theo dấu một số xêri đối với chủ sở hữu có đăng ký, ngay cả nếu nó đã mờ hết. Mặc dù một số tên tội phạm đã xóa nó đi để ngăn bị truy dấu, nhưng các chuyên gia vẫn có thể khôi phục.
Quá trình in dấu này thực ra là khắc sâu hơn những gì con số trên bề mặt chỉ ra, vì vậy khi những tên tội phạm không còn nhìn thấy con số, chúng tin là đã xóa được nó. Các nhà điều tra phải mài kim loại qua những vết xước sâu nhất để có được một mảnh kim loại đã được đánh bóng. Sau đó họ sẽ bôi lên một dung dịch muối đồng và axit clohydric, và làm cho khu vực nằm ngay dưới con số khắc dấu bị hòa tan với tốc độ nhanh hơn phần kim loại xung quanh nó. Ngay khi đó, dãy số (hoặc một phần của seri) sẽ hiện lên trong khoảng thời gian ngắn, đủ để chụp ảnh trước khi nó biến mất.
Bạch Đàn
Đón đọc kỳ 4: Viên đạn ma thuật