Kẻ chủ mưu vụ ám sát hụt Tổng thống Richard Nixon cách đây 45 năm

Cách đây 45 năm, Samuel Joseph Byck đã âm mưu ám sát Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Hắn quyết định tìm cách “giành lại chính phủ” cho người dân bằng kế hoạch ám sát.

Kế hoạch của Byck là cướp máy bay và bắt phi công lao máy bay vào Nhà Trắng để sát hại Tổng thống Richard Nixon đang ở trong đó. Tất nhiên, vụ ám sát không diễn ra theo đúng kế hoạch mặc dù hắn ta đã thực hiện được bước chiếm quyền kiểm soát một máy bay của hãng hàng không Delta Airlines. Tuy nhiên, hắn ta không bao giờ lao được máy bay xuống mặt đất.

Chú thích ảnh
Samuel Joseph Byck. Ảnh: historyonthenet

Byck là một học sinh bỏ học từ cấp ba, từng là cựu binh sĩ Mỹ. Vợ hắn đã bỏ hắn và mang theo cả con cái. Hắn cũng gặp rắc rối với công việc và mới bị Cục Doanh nghiệp nhỏ Mỹ từ chối cho vay tiền để kinh doanh. Việc này khiến Byck cảm thấy cực kỳ cay đắng.

Trong tâm trạng đó, Byck cho rằng cần làm một cuộc cách mạng để nhổ bỏ tình trạng tham nhũng mà hắn cho là đang tràn lan. Byckd cho rằng giới chính trị gia chỉ khư khư giữ lợi ích riêng thay vì quan tâm giúp đỡ người dân Mỹ. Tên này cũng nghĩ chính phủ đang câu kết với các nhóm lợi ích đặc biệt để khiến người dân nghèo không có cơ hội ngóc đầu lên.

May mắn cho những hành khách trên chuyến bay của Delta Airlines, may mắn cho Tổng thống Nixon và nhân viên Nhà Trắng, Byck không phải là một người thông minh và kế hoạch của hắn khá sơ sài. Hắn chỉ nghĩ đơn giản là thực hiện theo kiểu xuất hiện rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Trước tiên, Byck chế tạo một quả bom. Gọi là bom những thực ra đó chỉ là hai chai đựng dầu Valvoline chứa đầy xăng. Hắn đựng hai chai xăng trong một vali. Rõ ràng đây không phải là thiết bị gây cháy hiệu quả nhất ngay cả khi hắn châm lửa đốt. Khi thiết kế quả bom, Byck thậm chí còn không có ngồi nổ hay bất kỳ phương tiện nào để kích hoạt.

Quả bom không phải là thứ duy nhất Byck mang theo để khống chế đám đông. Hắn còn mang theo một khẩu súng. Vì hắn đã nằm trong danh sách theo dõi của mật vụ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nên hắn không thể mua súng. Vì thế, Byck đã ăn cắp một khẩu súng Smith & Wesson, 6 khẩu súng ngắn của một người bạn, mang theo khoảng 40 băng đạn để thực hiện vụ ám sát.

Vào sáng 22/2/1974, Byck ra Sân bay quốc tế Baltimore/Washington Thurgood Marshall. Khi tới đó, thay vì tìm cách lên một chiếc máy bay mà không gây chú ý, hắn đụng độ một cảnh sát tên là George Neal Ramsburg ở nhà ga và bắn anh này vào lưng. Không may cho viên cảnh sát nhưng rất may mắn cho các hành khách vì nếu Byck không gây ra vụ lộn xộn này, hắn đã có thể lên được máy bay và có thể chờ tới khi máy bay cất cánh mới tiến hành cướp máy bay.

Sau khi giết chết viên cảnh sát, Byck chạy tới một máy bay của hãng Delta Airlines. Đó là một chiếc McDonnell Douglas DC-9, loại có thể chở được từ 70 tới 109 hành khách. Byck chọn máy bay này vì nó sắp khởi hành. Hành khách đã sắp lên máy bay hết.

Do Byck vừa nổ súng giết hại cảnh sát Ramsburg, nên một cảnh sát khác đã nghe thấy tiếng súng và chạy tới hiện trường. Anh này lấy khẩu súng của Ramsburg và đuổi theo Byck. Tuy nhiên, anh đã không đuổi kịp Byck. Khi nhìn thấy Byck, hắn đã ở trên máy bay rồi.

Chú thích ảnh
Byck đeo tấm biển đòi luận tội Tổng thống Nixon. Ảnh: murderpedia

Khi đã lên máy bay, Byck vào buồng lái và nói với phi công rằng mình mang theo bom và muốn họ cất cánh máy bay. Trước khi họ kịp phản ứng, Byck đã chĩa súng vào cơ phó Fred Jones và bắn vào đầu người này. Chứng kiến hành động lạnh lùng của Byck, cơ trưởng Reese Loftin cho rằng tốt hơn hết là nên làm theo những gì Byck bảo và khởi động máy bay.

Lúc này, Loftin nói với Byck rằng cần phải đóng cửa thì máy bay mới cất cánh được. Khi Byck ra ngoài yêu cầu tiếp viên đóng cửa. Viên cảnh sát đuổi theo Byck đã bắn hai phát súng phía sau Byck khi hai tiếp viên tìm cách đóng cánh cửa máy bay. Tuy nhiên, không phát nào trúng. Nhân lúc Byck tạm rời buồng lái, cơ trưởng Loftin đã gọi hỗ trợ từ kiểm soát không lưu.

Sau khi Byck tạm rời buồng lái và trở lại, hắn lại bắn vào viên cơ phó lúc đó đã chết. Hắn tiếp tục bắn cơ trưởng Loftin vào lưng hai lần. Loftin biết mình đang đối phó với một kẻ điên rồ. Đánh giá này không sai vì Byck có tiền sử vấn đề tâm thần.

May mắn cho phi công Loftin vì Byck không có cơ hội bắn anh này lần thứ 4, nhờ đó anh còn sống sót. Viên cảnh sát đuổi theo Byck đã bắn qua cửa máy bay ở cự ly khá gần khi anh nhìn thấy Byck đang đứng trước một ô cửa sổ. Sau khi bị bắn từ ngoài vào, Byck lùi lại. Viên cảnh sát đã nã hết đạn qua cửa nên viên cảnh sát rời đi và khi quay lại, đồng nghiệp đã tới hiện trường và cho biết Byck đã bị bắn hạ. Khi họ vào máy bay, Byck đã nằm chết trên sàn.

Theo kênh Lịch sử, Byck chỉ bị thương chứ chưa chết. Khi hắn thấy nỗ lực cướp máy bay, ám sát tổng thống thất bại, hắn đã tìm cách tự tử trước khi cảnh sát có thể vào máy bay. Kênh này nói rằng hắn kêu lên “cứu tôi” với các cảnh sát khi họ ập vào, nhưng sau đó đã chết. Tuy nhiên, chi tiết hắn cầu cứu không có trong báo cáo chính thức của FBI. Cảnh sát nói rằng Byck đã chết khi họ vào trong máy bay.

Ba ngày sau, văn phòng tờ Miami News nhận được một bức thư do Byck viết, nói về lý do hắn thực hiện âm mưu ám sát: 

“Với tôi, rõ ràng là chính phủ mà tôi yêu quý thực sự sẽ không đáp ứng nhu cầu của đa số người dân Mỹ. 

Phần lớn những người trong chính phủ, những người được gọi là “công bộc”, lại ăn tiền của những tổ chức lợi ích đặc biệt và nếu họ là công bộc, họ là công bộc của những nhóm này. 

Giờ đã tới lúc. Những công dân trí óc độc lập phải lấy lại chính phủ trước khi chính phủ của họ kiểm soát họ hoàn toàn. 

Tôi sẽ không sống trong một xã hội bị kiểm soát và tôi thà chết làm người tự do còn hơn là sống như một con cừu.

Quyền lực cho người dân

Sam Byck”.

Về sau, người ta thấy Byck đã gửi những lá thư tương tự cùng với bản ghi âm cho nhiều tờ báo, trong đó gửi cho cả phóng viên nổi tiếng Jack Anderson.

Vụ việc nói trên không phải là lần đầu tiên Byck đe dọa Tổng thống Nixon. Trước đó, hắn đã hai lần bị bắt khi biểu tình trước Nhà Trắng vì không có giấy phép biểu tình – yêu cầu cần có nếu muốn biểu tình trước Nhà Trắng. Trong một lần biểu tình, hắn mặc bộ đồ ông già Noel và cầm tấm biển viết: “Tất cả những gì tôi muốn cho lễ Giáng sinh là quyền hiến pháp công khai yêu cầu chính phủ sửa sai”. Tuy nhiên, mật vụ không để ý tới Byck lúc đó mặc dù có mở hồ sơ về hắn.

Sau này, cảnh sát tìm lấy một băng ghi âm trong cốp xe của Byck, trong đó nói về việc hắn ta cảm thấy ra sao khi nước Mỹ bị chính quyền Tổng thống Nixon cưỡng ép và tham ô. 

Theo tờ todayifoundout, có một thông tin cũng không được ghi trong báo cáo chính thức. Đó là sau khi bắn hai phi công, Byck đã tóm một hành khách và bắt bà này ngồi vào ghế phi công để lái máy bay. Do viên phi công không khai chi tiết này nên không rõ chi tiết đó có thực hay không dù một số tài liệu nói là có.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Bài hát Do Thái trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu
Bài hát Do Thái trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu

Sau thảm họa diệt chủng người Do Thái thảm khốc của Đức Quốc xã, ca khúc ngọt ngào "My Yiddishe Momme" đã trở thành "quốc ca" của những người Do Thái nhập cư, là hiện tượng âm nhạc toàn cầu, là niềm an ủi cho người Do Thái vượt qua những đêm tối đau thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN