Bí ẩn những lô vàng giả thế chấp để vay 2 tỉ USD ở Trung Quốc - Kỳ 2

Hoạt động của Kingold - công ty thế chấp vàng giả để vay trên 2 tỉ USD - được cho là không vững chắc như những gì thể hiện ra. “Nhiều năm nay chúng tôi biết họ không có nhiều vàng, tất cả những gì họ có là đồng” - một nguồn tin nói.

KHÔNG PHẢI THỨ GÌ LẤP LÁNH CŨNG LÀ VÀNG

Chú thích ảnh
Dư luận Trung Quốc rúng động bởi vụ hàng chục tấn vàng bảo đảm cho các khoản vay trị giá 2,2 tỉ USD nằm trong kho của các chủ nợ hoá ra chỉ là hợp kim đồng mạ vàng.

Được thành lập vào năm 2002 bởi Jia Zhihong, Kingold trước đây là một nhà máy vàng ở Hồ Bắc liên kết với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Với hoạt động kinh doanh gồm thiết kế, sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, Kingold là một trong những nhà sản xuất trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc, theo trang web của công ty.

Công ty đã niêm yết trên sàn Nasdaq ở New York (Mỹ) vào năm 2010. Sau vụ việc cổ phiếu hiện giao dịch với giá khoảng 1 USD, mang lại cho Kingold giá trị thị trường chỉ là 12 triệu USD, giảm 70% so với một năm trước. Một báo cáo tài chính của công ty cho thấy Kingold có tổng tài sản trị giá 3,3 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2019, với các khoản nợ 2,4 tỷ USD.

Theo Caixin (tập đoàn truyền thông Trung Quốc nổi tiếng với mảng báo chí điều tra), ông Jia Zhihong, hiện 59 tuổi, từng phục vụ trong quân đội ở Vũ Hán và Quảng Châu và có 6 năm sống ở Hong Kong (Trung Quốc). Ông cũng từng quản lý các mỏ vàng thuộc sở hữu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Dư luận Trung Quốc rúng động bởi vụ hàng chục tấn vàng bảo đảm cho các khoản vay trị giá 2,2 tỉ USD nằm trong kho của các chủ nợ hoá ra chỉ là hợp kim đồng mạ vàng.

"Tất cả những gì ông ta có chỉ là đồng!"

Một số nguồn tin của các công ty tín thác chủ nợ của Kingold cho biết Jia có mối quan hệ tốt ở Hồ Bắc. Điều này có thể giải thích cho chiến thắng bất ngờ của Kingold trong thương vụ mua Tri-Ring. Nhưng một nguồn tin trong ngành tài chính ở Hồ Bắc cho biết hoạt động kinh doanh của Jia không vững chắc như ông thể hiện ra. “Nhiều năm nay chúng tôi biết ông ta không có nhiều vàng, tất cả những gì ông ta có là đồng”, một nguồn tin giấu tên cho hay. 

Các tổ chức tài chính địa phương ở Hồ Bắc đã tránh làm ăn với Kingold, nhưng họ không muốn công khai hạ uy tín của Jia. "Hầu như không có công ty và ngân hàng ủy thác địa phương nào của Hồ Bắc tham gia cung cấp tài chính cho Kingold”, người này nói.

Hồ sơ công khai cho thấy hầu hết các chủ nợ của Kingold là ở bên ngoài Hồ Bắc. Theo Caixin, Minsheng Trust là chủ nợ lớn nhất của Kingold với gần 4,1 tỷ NDT, tiếp theo ngân hàng Hengfeng với 3,9 tỉ NDT, công ty Dongguan Trust 3,4 tỉ NDT, công ty Anxin Trust & Investment cho nợ 1,9 tỉ NDT; Sichuan Trust 1,8 tỉ NDT.

Hengfeng Bank là ngân hàng thương mại duy nhất liên quan đến vụ Kingold. Ngân hàng này vào năm 2017 đã cung cấp khoản vay 8 tỷ NDT cho Kingold, đổi lại công ty đồng ý giúp ngân hàng xóa khoản nợ xấu 500 triệu NDT, các nguồn tin ngân hàng cho biết. Kingold đã trả một nửa số nợ trong năm 2018.

Tuy nhiên, theo một nhân viên của ngân hàng Hengfeng, việc phát hành cho vay liên quan đến nhiều điều bất thường vì quyền truy cập vào số vàng bảo đảm và các thủ tục kiểm tra lại được kiểm soát bởi Kingold.

Hiện vẫn chưa rõ liệu số vàng thế chấp đã bị làm giả ngay từ nơi chúng xuất phát hoặc bị thay thế sau đó. Các nguồn từ Minsheng Trust và Dongguan Trust xác nhận rằng tài sản thế chấp đã được kiểm tra bởi các tổ chức thử nghiệm của bên thứ ba và được giám sát chặt chẽ bởi các đại diện từ Kingold, bên cho vay và công ty bảo hiểm trong quá trình giao hàng.

"Tôi vẫn không thể hiểu được phần nào đã sai", một nguồn tin của Minsheng Trust nói. Hồ sơ ngân hàng cho thấy kho bạc nơi cất giữ số vàng thế chấp không bao giờ được mở.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp trang web của Kingold với slogan "Một công ty với tương lai vàng". 

Rắc rối sau thương vụ Tri-Ring

Hồ sơ công khai cho thấy khoản vay được thế chấp bằng vàng đầu tiên của Kingold có thể bắt nguồn từ năm 2013, khi công ty đạt được thỏa thuận vay 200 triệu NDT từ Chang'An Trust, với 1.000 kg vàng được thế chấp. Khoản vay 2 năm này là để tài trợ cho một dự án bất động sản ở Vũ Hán và được hoàn trả đúng hạn. Trước đó, nguồn tài chính của Kingold chủ yếu đến từ các khoản vay ngân hàng, thế chấp bằng tài sản và thiết bị.

Kể từ năm 2015, Kingold đã gia tăng phụ thuộc vào vay mượn thế chấp vàng và bắt đầu làm việc với công ty bảo hiểm nhà nước PICC P&C để trang trải các khoản vay. Năm 2016, Kingold vay 11 tỷ NDT, cao gần gấp 16 lần so với con số của năm trước đó. Theo báo cáo tài chính của công ty, tỷ lệ nợ trên tài sản của công ty đã tăng từ 43,4% lên 87,5% từ 2015 đến 2016. Năm 2016, Kingold đã thế chấp 54,7 tấn vàng để vay tiền, cao gấp 7,5 lần so với năm trước.

Một người thân với ông chủ Jia cho biết việc tăng vay tiền một phần là do công ty theo đuổi thương vụ mua công ty Tri-Ring. Năm 2016, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã công bố kế hoạch bán cổ phần Tri-Ring cho các nhà đầu tư tư nhân như một cuộc cải tổ lớn với nhà sản xuất phụ tùng ô tô do chính quyền tỉnh kiểm soát.

Năm 2018, Kingold được chọn làm nhà đầu tư theo một thỏa thuận trị giá 7 tỷ NDT. Theo kế hoạch đầu tư, việc mua Tri-Ring của Kingold là một phần trong chiến lược mở rộng sang kinh doanh pin nhiên liệu hydro. Nhưng các nguồn tin thân cận với thỏa thuận này cho biết Kingold đã bị Tri-Ring thu hút vì sở hữu những khu vực đất công nghiệp “vàng” có thể được chuyển đổi sang mục đích thương mại. Một tài liệu đầu tư của Dongguan Trust cho thấy Tri-Ring sở hữu các khu đất ở Vũ Hán và Thâm Quyến trị giá gần 40 tỷ NDT.

Thỏa thuận này đã gây tranh cãi ngay lập tức khi một số nhà thầu đối thủ đặt câu hỏi về tính minh bạch của quy trình đấu thầu và trình độ của Kingold. Theo báo cáo tài chính của Kingold, công ty chỉ có 100 triệu NDT tài sản ròng trong năm 2016 và 2 tỷ NDT trong năm 2017, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng chi trả cho thỏa thuận mua Tri-Ring.

Bất chấp những ồn ào đó, Kingold đã trả 2,8 tỷ NDT cho đợt đầu tiên ngay sau khi công bố thỏa thuận. Phần thứ hai trị giá 2,4 tỷ NDT được thanh toán vài tháng sau đó với số tiền huy động từ công ty tín thác Dongguan Trust.

Tuy nhiên, Kingold đã đối mặt với rắc rối khi không thể tiếp cận tài sản của Tri-Ring vì một loạt các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào nhà sản xuất phụ tùng ô tô này. Một phần lớn tài sản của Tri-Ring bị đóng băng trong cuộc điều tra và do tranh chấp nợ nần. 

Do không thể khai thác được đất vàng của Tri-Ring, tiêu tốn hàng tỉ NDT mà không thể hoàn vốn, chuỗi vốn của Jia cuối cùng đã bị phá vỡ khi ngân hàng Hengfeng thúc trả nợ, dẫn đến một loạt các sự kiện cuối cùng đã đưa lô vàng giả ra ánh sáng.

Chú thích ảnh
Chi nhánh công ty bảo hiểm PICC P&C ở Hồ Bắc, nơi cung cấp bảo hiểm cho hầu hết các khoản vay của Kingold. Ảnh: Caixin

Lỗi của ai?

Sự tham gia của các công ty bảo hiểm là chìa khóa thành công của các hợp đồng cho vay được thế chấp bằng vàng của Kingold. Các chính sách bảo hiểm được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm nhà nước hàng đầu như PICC P&C là một yếu tố chính giúp giải quyết các mối lo ngại rủi ro của người cho vay - một số nguồn tin từ các công ty cho vay cho hay.

"Nếu không có bảo hiểm từ PICC P & C, chúng tôi sẽ không cho Kingold vay vì tài sản thế chấp chỉ được kiểm tra qua các mẫu được chọn ngẫu nhiên", một người nói.

Theo Caixin, chi nhánh Hồ Bắc của PICC P&C cung cấp bảo hiểm cho hầu hết các khoản vay của Kingold. Tất cả các hợp đồng bảo hiểm sẽ hết hạn vào tháng 10/2020. 

Lúc này PICC P&C đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện đòi bồi thường từ các chủ nợ của Kingold. Nhưng một phát ngôn viên của PICC P&C cho biết các hợp đồng bảo hiểm này chỉ bao gồm các tổn thất tài sản thế chấp do tai nạn, thảm họa, cướp và trộm cắp.

Wang Guangming, một luật sư tại Văn phòng Luật sư Dacheng, cho biết vấn đề chính trong tranh cãi là điều gì đã xảy ra với vàng thế chấp và bên nào nhận thức được sự giả mạo. Nếu Kingold làm giả các thỏi vàng và cả các công ty bảo hiểm và chủ nợ đều không biết, thì các công ty bảo hiểm nên bồi thường cho các nhà cho vay và kiện Kingold vì gian lận bảo hiểm, luật sư Wang nói. Công ty bảo hiểm cũng có trách nhiệm bồi thường nếu họ biết về trò lừa đảo của Kingold trong khi các chủ nợ không hay biết.

Trong trường hợp Kingold và các chủ nợ đều biết về tài sản thế chấp giả, thì công ty bảo hiểm có thể chấm dứt các chính sách bảo hiểm và kiện các bên lừa đảo. Nhưng nếu cả công ty bảo hiểm cũng tham gia vào vụ lừa đảo, thì tất cả các hợp đồng đều không hợp lệ và mỗi bên đều tự chịu trách nhiệm pháp lý của mình, luật sư Wang nói.

Xem Kỳ 1: LÔ 'VÀNG NGUYÊN CHẤT' LÕI LÀ ĐỒNG

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Caixin Global)
Bí ẩn những lô vàng giả thế chấp để vay 2 tỉ USD ở Trung Quốc - Kỳ 1
Bí ẩn những lô vàng giả thế chấp để vay 2 tỉ USD ở Trung Quốc - Kỳ 1

“Cuộc chơi” của Kingold, công ty vàng trang sức Trung Quốc niêm yết tại sàn NASDAQ, đã bị cản trở bởi cuộc điều tra liên quan đến những lô vàng thế chấp để vay trên 2 tỉ USD bị phát hiện là vàng giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN