TPP sẽ tạo động lực lớn cho kinh tế Việt Nam

Trong khối TPP 12 nước, Việt Nam là nước có lợi nhiều nhất và có độ mở thương mại lớn nhất.


Công ty Dệt Hà Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền se sợi xuất khẩu hiện đại chuẩn bị cho tiến trình hội nhập thực hiện TPP. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Để tận dụng tốt những cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 12 quốc gia thành viên công bố hoàn tất đàm phán ngày 5/10 tại Atalanta (Mỹ), nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh và cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tăng cường trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội… Những yếu tố này sẽ góp phần tạo động lực lớn cho kinh tế Việt Nam khi tham gia TPP.

* TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Tạo dựng môi trường minh bạch

TPP được ký kết rất có ý nghĩa với Việt Nam. Theo các kết quả tính toán, việc tham gia TPP theo kịch bản xuất khẩu và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP.

Việc thực thi cam kết cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn đầu tư, mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay vốn nước ngoài.

Tuy nhiên Việt Nam cần lưu ý, bài học sau 8 năm gia nhập WTO đó là cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết. Cụ thể, Việt Nam mở cửa mạnh hơn do đó, cạnh tranh gay gắt hơn với những ngành vốn được bảo hộ nhiều và những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản.

Vì vậy, tham gia TPP, Chính phủ và doanh nghiệp cần có những biện pháp chuẩn bị để chủ động hội nhập. Đối với Chính phủ, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tăng cường trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội. Về phía doanh nghiệp, cần học hỏi cách thức kinh doanh trong bối cảnh mới, tìm kiếm cơ hội kinh doanh dựa trên lợi thế so sánh và cam kết hội nhập.

* TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Theo đánh giá của quốc tế, trong khối TPP 12 nước thì Việt Nam là nước có lợi nhiều nhất. Sở dĩ như vậy bởi chúng ta xuất phát điểm khá thấp trong các nước TPP, chúng ta có nhiều mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Khi tham gia TPP sẽ đưa thuế suất về bằng 0, như vậy sẽ được hưởng lợi lớn. Chúng ta cũng hội nhập sâu rộng, độ mở thương mại của Việt Nam lớn nhất trong số 12 nước.

Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán GDP của chúng ta sẽ tăng thêm 8 – 10% điểm cơ bản. Có nghĩa là GDP của chúng ta năm nay dự kiến khoảng 6%, nếu làm tốt TPP có thể tăng thêm 10% của con số này, tức là thêm khoảng 0,6%. Tất nhiên điều đó tùy thuộc vào bản thân chúng ta có tận dụng hết cơ hội hay không.

Tuy nhiên, thách thức khi tham gia TPP cũng khá nhiều. Đặc biệt là cạnh tranh và một số vấn đề trong đàm phán. Tuy được tháo gỡ trong quá trình đàm phán nhưng trong quá trình thực hiện sẽ có vướng mắc. Một vấn đề nữa liên quan đến khó khăn về ngoại ngữ, pháp chế.

Chúng ta không còn nhiều thời gian nên phải hết sức khẩn trương trong công tác truyền thông phổ biến đánh giá các tác động tích cực, cũng như khó khăn thách thức về TPP. Việc này cần có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, thậm chí cả người dân để tăng hiểu biết về TPP. Việt Nam đã làm tốt trong quá trình đám phán và hy vọng rút kinh nghiệm từ WTO sẽ làm tốt hơn nữa

* TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM: Đẩy nhanh cải cách thể chế

TPP là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hiệp định này có nhiều chương về thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư, kể cả về doanh nghiệp nhà nước…, rất khác biệt với các hiệp định thương mại trước đây. TPP cần phải hiểu như là một Hiệp định đề ra luật chơi mới trong thương mại đầu tư quốc tế, áp dụng trong một khối kinh tế khá năng động, chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại toàn cầu. Cho nên, việc Việt Nam được tham gia Hiệp định này có ý nghĩa rất lớn và là cơ hội lớn để thúc đẩy cải cách, phát triển kinh tế Việt Nam cho dù bên cạnh thuận lợi thì TPP cũng đặt ra những thách thức rất lớn.

Khi TPP có hiệu lực, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sang các nước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhờ giảm thuế quan, giảm rào cản và nhiều lĩnh vực khác. Ngược lại, Việt Nam mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài cũng nhiều. Điều này đòi hỏi cần phải cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Những năm qua, những đặc quyền, đặc lợi, đối xử khác biệt trên thực tế tạo ra những lợi thế cho doanh nghiệp Nhà nước và làm cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động méo mó theo kinh tế thị trường. Gia nhập TPP, với luật chơi mới, điều này phải thay đổi. Phải minh bạch hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước về mục tiêu, về tài chính, quản trị, từ đó phải thay đổi cách thức quản lý doanh nghiệp Nhà nước.

Để tận dụng những cơ hội mà TPP mang lại, Việt Nam cần phải chủ động thay đổi thể chế để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các cơ hội mà hiệp định này mang lại. Chủ động thay đổi về tư duy quản lý nhà nước, với doanh nghiệp Nhà nước về thể chế là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh chứ không phải là quản lý để giảm rủi ro, chi phí trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những chuẩn mực toàn cầu.

Tuy nhiên, khi tham gia TPP các doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, đây cũng là sức ép khiến doanh nghiệp Việt Nam phải có những sáng tạo mới, phải suy nghĩ, tìm cách làm mới. Có như như vậy, mới thay đổi cách thức sản xuất, thay đổi quy trình sản xuất.

* TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển (VERP): Chính sách hợp lý khuyến khích sản xuất

Gia nhập TPP sẽ là một trong những sự kiện có ý nghĩa nhất đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc gia nhập cũng có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều rủi ro. Nhập khẩu của Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm. Khi TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0% khiến doanh thu về thuế giảm. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và Chính phủ có thể tìm cách bù đắp nguồn thâm hụt nhằm giữ ổn định ngân sách.

Không những thế, việc tham gia TPP không chỉ đòi hỏi các nước tham gia cắt giảm các hàng rào thuế quan mà còn đòi hỏi cắt giảm hàng rào phi thuế quan như chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu.

Như vậy, những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt với các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp.

Để thực hiện theo các cam kết trong TPP đòi hỏi những thay đổi về chính sách và pháp luật trong nước. Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ pháp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh. Với những ngành sẽ được lợi sau khi TPP có hiệu lực như: dệt may, thủy sản, nông sản... cần chủ động các nhân tố lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác. Với các ngành kém được lợi thế như chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp... cần tái cơ cấu để tăng năng suất, hiệu quả hơn.

Nhà nước cần có những chính sách hợp lý khuyến khích sản xuất và tiêu dùng. Các chính sách nên tập trung vào chi tiêu thường xuyên. Đặc biệt, sau khi tham gia TPP, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ... Đồng thời khẳng định sự cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai.

* TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam: Xốc lại để cạnh tranh


Hiệp định TPP vừa là niềm vui và cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp bởi cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng vô cùng lớn. Vì vậy, đội ngũ doanh nhân cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp cần phải nắm vững thông tin hội nhập để phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Từ đó, mỗi doanh nghiệp chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh. Việc này, đối với nhiều doanh nhân, đó sẽ là cuộc lột xác thực sự và rất đau đớn, nhưng không có sự lựa chọn nào khác.

Nhóm PV (TTXVN)
Sáu tác động lớn của TPP
Sáu tác động lớn của TPP

Báo cáo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa nêu 6 tác động lớn của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới nền kinh tế Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Thành (ảnh) - Viện trưởng VEPR.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN