Là người Lào Cai, gắn bó, lăn lộn với miền nắng gió biên thùy đã nhiều năm. Chủ nhật nào tôi cũng có mặt ở Sa Pa, bởi bà con, họ hàng chiếm đến hơn phần nửa cái thị trấn bồng bềnh mây trôi này. Ngẩng đầu lên đập vào mắt là chạm Panxiphăng hùng vỹ. Ngó xuống là gặp thung lũng Mường Hoa lập lờ, huyền ảo. Ngước qua là núi Hàm Rồng huyền thoại, đẹp đến ngẩn ngơ.
Đến cả con dốc thoai thoải đổ dài, ngập tràn hai bên là hoa cẩm tú cầu, đường vào nhà em, tôi còn quen chân, thuộc lối đến từng bậc đá. Vậy mà chưa có gì níu kéo tôi đến ngẩn ngơ bằng mùa hoa đỗ quyên nở! Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về là tôi lại háo hức vượt ngàn lên mái nhà Đông Dương ngắm đỗ quyên.
Khó mà diễn tả sao cho hết về vẻ đẹp của loài hoa này. Nó rờ rỡ nở chan hòa giữa mây núi, nó hút hồn đến ngây dại giữa nắng đầu xuân ngờm ngợp. Nó dập dìu buông thả, lả lơi, tinh khiết lúc ban mai như tiên nữ giáng trần. Nó nghiêng ngả đằm thắm, đôn hậu và khiêm nhường khi hoàng hôn nhuộm tím.
Chả vậy mà khách thập phương cứ độ ấy lại lũ lượt rủ nhau thượng sơn chiêm ngưỡng. Họ đến với đỗ quyên như một tín đồ cuồng đạo, đến một lần rồi lại lần nữa, lần nữa. Với một lòng nhiệt huyết ngưỡng vọng, còn biết hoa đỗ quyên nở vào tháng nào, đỗ quyên có bao nhiêu loài, khu vực nào của rừng quốc gia Hoàng Liên là tập trung nhiều quyên đẹp. Rồi biết cả khoảnh khắc nào ngắm đỗ quyên nở là nên thơ nhất. Vanh vách cứ như “ma xó” rừng Hoàng Liên đến kiểm lâm ở Trạm Tôn có khi cũng phải chào thua.
Hôm rồi bạn tôi thủ thỉ: Năm nay đỗ quyên nở đẹp mê hồn! Thế là tôi lại hăm hở ba lô “súng ống”* cùng mấy người bạn nhiếp ảnh gia Thành phố Hồ Chí Minh còng mình băng đèo vượt núi, chinh phục Panxiphăng ngắm quyên nở. Cái thú chơi nào cũng công phu, cực nhọc nhưng thú đam mê, khám phá rừng già Hoàng Liên, ngắm đỗ quyên nở lúc bình minh trong cái giá buốt thì trên đời này chắc có lẽ đây là thú chơi cực nhọc, phiêu lưu, mạo hiểm hơn cả. Song lại cho mình cái cảm nhận sung sướng, tự hào, hãnh diện và đáng khâm phục hơn. Chả vậy mà sau mỗi chuyến thưởng lãm về là tôi lại bàng hoàng tâm thức về loài hoa hoang dại đó. Rồi không biết sẽ ám ảnh ngây ngất mê dại đến bao giờ?
Hầu như bốn mùa, Hoàng Liên Sơn đều ngập tràn trong muôn sắc. Dù trong tất cả các loài hoa ở rừng Hoàng Liên, Sa Pa có rờ rỡ, ngan ngát đến mức nào thì cũng thua nàng đỗ quyên. Thua bởi tính phổ cập đặc trưng không đâu có. Thua bởi tính vượt trội thắm sắc đa màu. Thua bởi những nét tinh túy, chỉn chu. Khi Tết đến, xuân về nắng vàng hé rạng xua tan băng giá lạnh lùng. Cả cánh rừng như bừng thức tươi tắn dưới nắng xuân. Thời điểm ấy cũng là lúc các dòng khe, con suối bừng thức miệt mài tấu những bản Sô Nát mùa xuân mênh mang. Hòa trong tiếng râm ran của muôn loài hoa lá hân hoan tràn trề một mùa mãn khai dâng hương, đua sắc.
Đỗ quyên có tới bốn chi với hơn hai chục loài khác nhau, đỏ, hồng, tím, trắng. Hoa nở rộ vào khoảng sau Tết Âm lịch kéo dài hết cả ba tháng mùa xuân. Có thể nói đỗ quyên là chúa tể, là nữ hoàng của các loài hoa xứ rừng Hoàng Liên nơi mái nhà Đông Dương này. Loài hoa thống lĩnh, chủ đạo nhưng lại khiêm nhường dung dị. Xôm tụ, đặc trưng với số lượng lớn, tạo nên một vương quốc hoa đỗ quyên lớn nhất Việt Nam.
Thử hỏi một ngày nào đấy rừng Hoàng Liên không còn bóng dáng của hoa đỗ quyên khi xuân về, không còn những sắc đỗ quyên rực rỡ dâng hiến hết mình, bả lả bên suối, không còn những đụm hoa gờm gợm thắm đỏ như thắp lửa trên cái màu xanh ngát của đại ngàn, không còn nụ đỗ quyên bẽn lẽn, e ấp bên suối? Chắc tấm áo thổ cẩm rừng Hoàng Liên sẽ không còn đa sắc mời gọi nữa. Có lẽ lòng lữ khách sẽ hoang hoải, thắc thỏm nhiều lắm.
Đỗ quyên loài hoa tự nhiên, sinh trưởng ở trên độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển. Nơi có khí hậu mát mẻ mùa hè và buốt giá về mùa đông. Càng khắc nghiệt băng tuyết bao nhiêu thì xuân về loài hoa ấy càng thắm thiết, nồng nàn, cuồng nhiệt bấy nhiêu. Càng lên cao nơi những làn gió quất ngang tàng thì sắc hoa càng lung linh, thống thiết bất chấp bấy nhiêu. Đời đỗ quyên cũng có tình có nghĩa. Bất khuất, kiên trung, quây quần thành cộng đồng.
Nương tựa nhau, đua nhau phát triển. Có nơi đỗ quyên mọc chi chít cả một khu, rực rỡ đủ màu, đủ loại. Loài quyên lưu huỳnh còn có màu vàng nhạt rất đài các, cao sang, còn loài bạch tuyết thì thanh bạch, quyền quý…
Song được ngợi ca kiều diễm nhất vẫn là loài quyên ly, quyên huyền diệu, quyên silie. Càng không thể tưởng tượng được sự diệu kỳ nếu đi trong rừng vào mùa đỗ quyên nở. Cánh đỗ quyên rơi rụng trải tràn mặt đất, hoa tan chảy nhuộm đỏ dòng suối ban mai tạo cho ta có cảm giác như đi vào miền cổ tích, ngỡ ngàng, hư thực.
Đỗ quyên loài hoa dung dị, kiên gan trong giá buốt tuyết tan, hòa quyện giữa thiên nhiên nơi thâm sơn cùng cốc. Chả cần lời nức nở ngợi khen, chả cần nâng niu trọng vọng, hồn nhiên dâng hiến. Khi đã lạc vào thiên đường của loài đỗ quyên thì cảm xúc đê mê đến dại dột. Bất giác muốn đưa bàn tay chạm vào các đài hoa, song lại như sợ tay mình thô giáp trần tục không xứng với sự trinh trắng của nàng. Ấy vậy mà có kẻ ngông cuồng muốn chiếm hữu. Họ muốn thỏa cái thú chơi mông muội, về làm của riêng nơi bon sai, xứ kiểng. Muốn chia lìa nàng hoa với xứ sở sương mù. Nhưng đâu có biết, xa rừng, xa núi, xa xứ sở ấy nàng đỗ quyên sẽ nhạt phai, héo tàn.
Đi giữa đại ngàn, trong sắc màu miên man. Trong dáng núi, dáng chiều, thấp thoáng các sơn nữ trên nương thảo quả. Đỗ quyên hay sơn nữ cứ nhập nhòa, lung linh hư ảo, mông lung…? Những sơn nữ người Mông, người Dao, người Giáy lớn lên cùng đỗ quyên. Người và hoa đã thân thuộc, gắn bó, quyện nhòa. Vẻ đẹp sơn nữ hồn nhiên như loài quyên trong trắng. Rồi chiều về đêm xuống, khách chủ quây quần bên bếp lửa bập bùng.
Mọi người cùng chia sẻ cái cảm giác hoang dã, du mục trong thẳm lặng tiếng tí tách cánh hoa rơi. Khi bình minh ló rạng, bước ra khỏi lều, khách mới ngộ được cái mơ hồ của kẻ đi lạc giữa thiên đường hoa.
Trong tinh khiết ban mai, ai đó hú một tiếng dài hào sảng. Tiếng hú xuyên qua những tầng lá đẫm sương xanh biếc, những chùm hoa rung rinh. Âm thanh dội vào vách núi và tan vào làn mây mỏng mảnh. Tiếng hú vô tình đánh thức, lay động cả rừng đỗ quyên trong xốn xang nhắc gọi - Mùa đỗ quyên nở.
Bài và ảnh:Công Thế