Người Dao đỏ hát các điệu hát lột tả lại những sinh hoạt đời sống văn hóa và lao động sản xuất. |
Đến hẹn lại lên, khi những cánh đào bung cánh nở rực trên những sườn núi, người Dao ở các cụm xã Tả Phìn, Trung Chải, Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, lại tổ chức Lễ hội hát giao duyên truyền thống.
Lễ hội không chỉ là một sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật đặc sắc truyền thống lâu đời của người Dao, mà còn được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Tây Bắc. Hát lúc buồn vui giận dỗi, khi giao lưu sớm tối, kết bạn, lấy vợ, gả chồng và cả khi tổ chức lễ tết, hội hè... chính là nguồn gốc ra đời của những bài ca cổ, giai điệu tình tứ đằm thắm mang đậm sắc thái vùng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết, từ xa xưa người dân tộc Dao sinh sống ở huyện Sa Pa đã có phong tục hát giao duyên giữa nam và nữ chưa có gia đình với nhau để tìm bạn trăm năm. Hát giữa người bản này với người làng kia để kết bạn mới và nhất là cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình làm ăn thuận lợi, mạnh khỏe… Đây là nét đẹp truyền thống của người dân tộc Dao Sa Pa mà không nơi đâu có được.
Lễ hội hát giao duyên gồm 2 phần là lễ và hội. Phần lễ bắt đầu bằng việc tái hiện lại nghi lễ Tết nhảy của người Dao gồm hai thầy được mời để chủ trì nghi lễ. Một thầy chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho buổi lễ như gà, chén, hương, giấy… và người thầy chính là người nhảy những động tác đầu tiên để mời tổ tiên về dự lễ.
Lễ Tết nhảy diễn ra trước bàn thờ tổ tiên, mâm cúng được chia làm hai mâm, một mâm đặt lên bàn thờ gồm gà luộc, chén, hương, giấy, thẻ bài, bát gạo và một chiếc bát ăn cơm để cắm hương. Mâm còn lại được đặt vào cái mẹt cách bàn thờ 2m gồm một bát hương, 6 chén rượu, 6 chén nước. Mọi thứ chuẩn bị xong, hai thầy lấy gạo rắc mời các trò và tổ tiên về dự lễ.
Mục đích của nghi lễ là cầu khấn tổ tiên phù hộ sang năm mới mọi người trong gia đình, họ hàng được mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, người yên vật thịnh... Trong nghi lễ, người Dao đỏ còn hát các điệu hát lột tả lại những sinh hoạt cấy trồng, dệt vải, săn bắn... để tri ân công lao của thần linh, tổ tiên. Những lời hát giao duyên vang lên ngân nga giữa núi rừng như khắc sâu vào tâm trí thực khách và người dân địa phương.
Kết thúc phần lễ, mở đầu phần hội là màn tái hiện lễ rước dâu của người Dao rồi hát giao duyên nam nữ bằng những bài ca cổ, chữ nghĩa sâu sắc, giai điệu tình tứ:
“Em ở bản nào/Cách vài ngọn núi/Anh muốn biết giờ đây em đang thêu khăn hay lên rẫy/ Để nỗi nhớ đốt lòng anh như lửa cháy đốt trên nương…/Tình đã trao sao phải đợi đến chợ phiên mới gặp nhau/ Mùa này hoa lê trắng/ Trắng tình ta như hoa rừng…/ Để nỗi nhớ cứ theo mây lang thang trên triền núi/ Cho lòng anh muốn… gửi tới em tiếng đàn này nói thay lời chung thủy…”.
Những đôi trai gái người Dao tay trong tay, mắt đắm đuối trong nhau và chìm trong đắm say, si mê của giai điệu thương yêu nồng nàn những câu hát giao duyên.
Đây cũng là dịp gặp gỡ của những người bạn ở xa lâu ngày mới gặp lại nhau giãi bày tình cảm riêng tư qua những khúc hát, điệu sáo. Đặc biệt hơn, qua cuộc hát giao duyên đầu xuân đã có những cặp trai làng, gái bản nên duyên vợ chồng.
Mùa xuân, mùa tình yêu, bất kể ai khi lên vùng Tây Bắc, đến các lễ hội dân tộc, không thể không đắm mình vào những điệu hát ấp ủ một tình yêu đẹp, để rồi từ đó là những chuyện tình đâm chồi non, nảy lộc biếc, ra hoa thơm, kết trái ngọt…
Anh Đinh Nam, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Dù không hiểu ngôn ngữ nhưng tiếng khèn, tiếng sáo, đàn môi hòa quyện cùng giai điệu bài hát cộng hưởng với tiếng chim rừng, tiếng gió ngàn, thác nước... vẫn khiến người nghe xốn xang, xao động hơn rất nhiều so với khi chúng được trình diễn ở môi trường diễn xướng như sân khấu, nhà hát. Tôi hi vọng sang năm mình vẫn có cơ hội đến đây để cùng vui Lễ hội với bà con nhân dân nơi đây".
Trong dịp này, đến với các Lễ hội hát giao duyên, du khách và bà con nhân dân địa phương có thể hòa mình trong không khí tưng bừng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như chơi đu, leo cột mỡ, bịt mắt đánh trống, ném pao… Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương với những mâm xôi bảy màu sặc sỡ, những chú lợn quay vàng ươm bên ly rượu bản thơm nồng mùi thóc, mùi ngô.
Ông Nguyễn Ngọc Hinh cho biết thêm: "Tục hát giao duyên của người Dao ở Sa Pa xuất hiện và phát triển thành những giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc địa phương từ khá lâu đời. Trải từ đời này sang đời khác, nó được trau chuốt, gọt giũa, tích tụ trở thành những giá trị chân thiện mỹ, góp phần làm phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Xác định được tiềm năng và thế mạnh đó, thời gian qua địa phương luôn cố gắng, giữ gìn, phát huy để nó trở thành nét đẹp văn hóa để du khách đến tìm hiểu, khám phá".
Giờ đây, không chỉ là một hoạt động trong chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân của địa phương nhằm khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, khuyến khích người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch ở địa phương, các lễ hội đậm nét bản sắc truyền thống của Lào Cai còn là sản phẩm văn hóa không thể thiếu của địa phương chào đón Năm du lịch quốc gia Lào Cai - Tây Bắc 2017.