Xây dựng văn hóa cộng đồng mạng - Bài cuối

Muốn thể hiện bản thân, thiếu kiến thức ứng xử, coi cộng đồng mạng là “ảo” nên không cần giữ văn hóa... là những lý do khiến văn hóa cộng đồng mạng lâu nay bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh cũng như “hiệu ứng” thông tin lớn với xã hội, đã đến lúc vấn đề xây dựng văn hóa cộng đồng mạng phải được nhìn nhận nghiêm túc.

Dù chưa có một văn bản quy định nào với việc “ứng xử” trên cộng đồng mạng, nhưng rõ ràng những nhà quản lý, những người có trách nhiệm, đều đã thấy được sự nguy hại của việc thiếu một nền tảng văn hóa trên cộng đồng mạng, cũng như đã có những nhìn nhận về căn nguyên của “căn bệnh” này.

Để xây dựng được cộng đồng mạng lành mạnh và có văn hóa, rất cần ý thức của chính những thành viên.


Theo bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bên cạnh mặt tích cực là nơi trao đổi thông tin xã hội, các diễn đàn mạng xã hội hiện nay cũng có nhiều mặt trái, gây tác động xấu như tình trạng tranh cãi nhau, đôi khi việc “bé xé ra to”, bình luận phê phán, phát ngôn một cách không kiểm soát, rồi cũng không thiếu các trường hợp học sinh, sinh viên lên các diễn đàn mạng xã hội đặc biệt là facebook để nói xấu thầy cô, bè bạn, thậm chí bố mẹ... Đây là vấn đề khiến xã hội bức xúc, đồng thời thực tế này cũng tạo ra những thách thức đối với ngành giáo dục, với các gia đình, cũng như các cơ quan chức năng.

Trường THPTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã đưa ra “Những điều “cấm kỵ” khi lên facebook” dành cho học sinh của trường: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt. Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt; tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai. Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status, bởi vậy viết status phải rõ ràng”.

Theo bà Ngô Thị Minh: “Đã đến lúc, chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận vấn đề và căn nguyên sâu xa từ đâu. Đó là do tính cá nhân quá cao của mỗi thành viên tham gia mạng xã hội, hay sự ức chế, căng thẳng do những áp lực từ cuộc sống nên muốn thể hiện, muốn nói. Khi không biết nói ở đâu, thì họ lên các diễn đàn mạng, lên facebook để chia sẻ. Đây là lẽ thường thôi, tuy nhiên điều này khiến nhà trường phải nghĩ đến giáo dục nhận thức cho các em. Phải lắng nghe những phản biện, kể cả những lời nói có phần cay nghiệt của các em để kiểm điểm xem mình đã làm đúng chưa, và có cách điều chỉnh cũng như ứng xử hợp lý”.

Cũng theo bà Ngô Thị Minh, các bạn trẻ ngày nay không chỉ thiếu kỹ năng sống trong xã hội thật, mà cả trong xã hội ảo. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là phải làm thay đổi nhận thức của họ. “Ngay như nền giáo dục của chúng ta, bao năm qua, ở nhà trường chỉ quan tâm dạy chữ mà lơ là dạy người. Cần tăng tiết học cho giờ giáo dục công dân, đổi mới cách dạy vì môn học này đang bị các em chê là quá khô cứng. Theo đó cần phổ biến kiến thức pháp luật cho phù hợp với từng cấp học, để các em nhận thức được những tác hại, nguy cơ cũng như hành vi nào bị cấm và không nên làm trên facebook cũng như các diễn đàn mạng xã hội khác”, bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, theo nhà văn Nguyễn Văn Học, giới trẻ ngày nay quá tin vào những gì được chia sẻ trên mạng xã hội. “Ai cũng biết, mạng xã hội có nhiều điểm tốt, nổi trội, tạo khả năng kết nối cộng đồng cao, tuy nhiên mọi ý kiến bày tỏ trên đó đều chỉ nên mang tính tham khảo. Thế nhưng, các bạn trẻ lại không có kỹ năng đó. Tôi đã từng chứng kiến có những bạn vô tình bị “ném đá” trên mạng, tức thì bị rất nhiều người nhảy vào rỉa rói, trách cứ, bêu xấu mà không tìm hiểu rõ ngọn nguồn. Điều đó khiến người bị “ném đá” trầm cảm, uất ức, bỏ việc, không dám nhìn mặt ai. Đúng ra, các bạn ấy phải hiểu được, làm tổn thương người khác kể cả cuộc sống thực hay trên thế giới ảo đều là vi phạm pháp luật, cư xử, nói năng trên “thế giới ảo” cũng cần phải có văn hóa. Vì khó kiểm soát được “thế giới ảo” là mạng nên nhiều người đã lợi dung để kết tội, bôi xấu người khác, tạo ra sự phản ứng dữ dội, sự kỳ thị khủng khiếp đối với... người bị hại”.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học, cùng với đó, hiện tượng “chém gió” trên mạng cũng đang là vấn đề mà cả xã hội cần vào cuộc. Vì hiện tượng này đang gióng lên hồi chuông báo động về một lối sống thực dụng, ưa hưởng thụ, thích phô trương. Nguy hiểm hơn là nó đang tạo ra một bộ phận giới trẻ với lối sống lệch lạc, không thực tế, thậm chí đi xuống về đạo đức. “Tôi đã đi kiểm nghiệm thực tế, và thấy rằng việc quản lý mạng xã hội có nhiều bất cập. Trước mắt thì không thể trông chờ vào việc quản lý mạng xã hội, nhằm tác động đến tư duy của người sử dụng mạng xã hội. Mà chính bản thân mỗi gia đình, các trường học, phải tạo dựng cho con em mình nền tảng đạo đức, lối sống trung thực, biết tôn trọng người khác, biết cân nhắc trước khi phát ngôn”, nhà văn Nguyễn Văn Học nhấn mạnh.

Rõ ràng, những “vấn đề” của mỗi cá nhân trên cộng đồng mạng ảo cũng đã phản ánh những “thiếu hụt” của chính nền giáo dục, cũng như những tồn tại trong xã hội thật của chúng ta; bởi vậy, đã đến lúc không thể coi đây là việc riêng, đời sống của riêng của mỗi người; mà cần có những sự quản lý nhất định với hoạt động của cộng đồng mạng, những quy định để từ đó xây dựng văn hóa cộng đồng mạng, góp phần lành mạnh hóa môi trường này.

Nhóm phóng viên Văn hóa
Xây dựng văn hóa cộng đồng mạng - Bài 2
Xây dựng văn hóa cộng đồng mạng - Bài 2

Đó là thực tế của đông đảo các thành viên trên các group về nấu ăn hiện nay. Thay vì lên mạng cùng nhau học các món ngon phục vụ chồng con, thì giờ đây với niềm đam mê được khen, được nấu để khoe hình, được nhận lời trầm trò (thật giả đâu chưa rõ)...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN