Những ngày hội sách được tổ chức thời gian gần đây đã như một “bức bình phong”, vực dậy... “sách thật” trước tệ nạn sách giả, sách lậu vẫn luôn nhức nhối nhiều năm nay. Nhiều ngày hội sách tổ chức gần đây đã “vực dậy”sức sống của “sách thật”. |
Theo ông Trần Đoàn Lâm, Giám đốc NXB Thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam: “Để cổ vũ tinh thần đọc và động viên người dân tránh xa sách lậu, sách in giả, thì việc tổ chức các chương trình, ngày hội sách rộng rãi là rất cần thiết và đã cho những hiệu quả trông thấy. Thực tế, văn hóa đọc đang sụt giảm hoặc do điều kiện kinh tế không cho phép nên nhiều người thích đọc sách mà phải mua sách bày bán ở vỉa hè... Ở các ngày hội sách, hội chợ sách, nhiều NXB với chính sách giảm giá ưu đãi chính là một cách để “sách thật” đến được tay độc giả”.
Thực tế, thời gian qua, hàng loạt ngày hội sách đã được tổ chức ở khắp trên cả nước với nhiều hoạt động thú vị như: Siêu giảm giá, đọc sách miễn phí, đọc sách có thưởng cùng những hoạt động tôn vinh khác đang thu hút lượng lớn người dân, đặc biệt là giới trẻ tham gia hưởng ứng và mua sách.
Như vừa qua, Ngày hội sách Mùa xuân 2015 tại Hà Nội đã thành công ngoài sự mong đợi của ban tổ chức khi chưa khai mạc đã có tới hàng trăm người đứng xếp hàng đợi mua sách. Và chỉ 2 tiếng sau khi khai mạc đã có tới 6.000 lượt người tới tham dự, hàng nghìn đầu sách của các NXB cũng bán rất chạy nhờ các chính sách giảm giá hấp dẫn. Hay như Hội sách Hà Nội cuối năm 2014, sau 1 tuần tổ chức, đã có hơn 35.000 đầu sách tham gia, bán được hơn 177.000 đầu sách, doanh thu gần 5 tỷ đồng. Thành công hơn nữa là Ngày hội sách 2014 ở TP Hồ Chí Minh, thu hút khoảng 1 triệu lượt khách ghé thăm và tham gia các hoạt động giao lưu, ký tặng sách..., thu được 38 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần diễn ra hội sách.
Những con số đó không chỉ là tín hiệu mừng cho ngành xuất bản mà cả độc giả cũng phấn khởi vì ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với sách “chuẩn”. Chị Đỗ Thị Ngọc, Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội, chia sẻ: “Nhà tôi có cả một tủ sách về văn học và phần lớn trong số đó là do tôi đi “săn” từ các ngày hội sách để mua. Nếu để đầu tư mua sách đúng với giá bìa thì sẽ rất khó vì phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ, nhưng ở các hội sách đều có các chương trình giảm giá, thậm chí có cuốn còn được giảm tới một nửa, nếu tổ chức liên tục được nhiều chương trình như thế thì chắc chắn sách in lậu sẽ “lép vế”.
Điều đáng mừng, các ngày hội sách còn là cơ hội để quảng bá sách Việt tới độc giả, nhiều cuốn sách “nội địa” bán khá chạy như các tác phẩm truyện ngắn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Chúc một ngày tốt lành”... của Nguyễn Nhật Ánh; “Đong tấm lòng” của Nguyễn Ngọc Tư; “Cà phê cùng Tony” của Tony Buổi Sáng... Tuy nhiên, cũng có một điều đáng để suy ngẫm là qua những ngày hội sách tổ chức rộng rãi mới thấy, số lượng độc giả quan tâm đến các dòng sách kỹ năng, tư duy còn ít mà phần nhiều vẫn là các cuốn sách đậm chất ngôn tình trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, sự quan tâm của độc giả đến sách thời gian qua đã chứng tỏ tác dụng rất lớn của những ngày hội sách được tổ chức rộng rãi trong cả nước. Nó giống như một liều thuốc có hai tác dụng: Vừa giải cứu văn hóa đọc, vừa vực dậy sức sống của “sách thật”.
Ngày hội sách luôn mang thông điệp rút ngắn khoảng cách giữa người làm sách, quản lý sách với độc giả. Tạo nhiều cơ hội cho độc giả tiếp xúc với sách theo nhiều hướng: Có người chỉ đến để chiêm ngưỡng thế giới sách, có người đến để đọc sách, có người đến để mua sách... Nhưng dù là mục đích gì thì những ngày hội sách cũng là những “thiên sứ” mang sách chính thống đến với độc giả, đưa tri thức đến với con người”, bà Phan Thị Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, khẳng định.
Tạ Nguyên