Câu chuyện xúc động về thời hoa niên của Bác Hồ
Ra mắt công chúng Thủ đô đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022), vở diễn sân khấu “Nợ nước non” để lại nhiều ấn tượng với công chúng khi kể câu chuyện về thời hoa niên của Bác Hồ. Vở diễn khắc họa khá rõ nét về hình tượng cậu bé Nguyễn Sinh Cung, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cùng hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan và cha Bác Hồ - cụ Nguyễn Sinh Sắc… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam.
Vở diễn mở đầu là hình ảnh chàng trai Nguyễn Tất Thành (Minh Hải đóng) vào Sài Gòn, chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước. Theo mạch hồi tưởng của Nguyễn Tất Thành, những sự kiện từ khi lọt lòng, đến lúc trưởng thành của nhân vật lần lượt hiện lên.
Bắt đầu từ câu chuyện tình dẫn đến mối lương duyên giữa bà Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc, cho đến khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời vào giữa mùa sen tháng 5. Cảnh gia đình Bác Hồ sinh sống ở Huế, bà Hoàng Thị Loan – mẹ Bác Hồ tần tảo sớm hôm, rồi do đau ốm mà qua đời ở Huế trong khi chồng và con trai đầu đi công vụ ở xứ Thanh.
Vở diễn cũng khắc họa hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung còn nhỏ, vừa chăm mẹ ốm, vừa chăm em nhỏ; cho đến cảnh cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành đàm đạo thế sự và chia tay ở Bình Định; cảnh Nguyễn Tất Thành có cuộc nói chuyện xúc động và nhiều ý nghĩa với ông Nguyễn Quý Anh - ông chủ của Liên Thành Thương Quán, người có tấm lòng nghĩa hiệp và yêu nước; cảnh bến cảng Sài Gòn với tâm trạng nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba với đất nước, những người thân, đặc biệt là với Lê Thị Huệ - học trò của cha, người bạn khi ở Huế trước chuyến đi xa vạn dặm.
Trong vở diễn "Nợ nước non" có nhiều trường đoạn gây ấn tượng với khán giả, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cảnh bà Hoàng Thị Loan ốm nặng, không còn sức để chăm con, bà bảo Nguyễn Sinh Cung hát ru em ngủ để em khỏi khóc. Khi bà qua đời, trời đổ mưa gió, một bên là Nguyễn Sinh Cung lạc giọng gọi mẹ, một bên em bé Nguyễn Sinh Nhuận khóc ngằn ngặt vì khát sữa khiến người xem không khỏi xót xa.
Có thể thấy, trong 120 phút của vở diễn “Nợ nước non”, bằng những lát cắt lịch sử, ê kíp thực hiện đã khắc họa sâu sắc về tuổi thơ cũng như quá trình phát triển tư tưởng, khát vọng của Bác Hồ, từ khi sinh ra, lớn lên khi đất nước đã đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Người sớm chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mảnh đất giàu truyền thống xứ Nghệ, được giáo dục bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, ý chí ham học hỏi, ham hiểu biết từ cha mẹ… đã nuôi dưỡng, hun đúc trong Nguyễn Tất Thành tình yêu nước, thương dân với một thiên hướng đặc biệt đến mẫn cảm.
Bước ngoặt tác động mạnh đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành là khi ông Nguyễn Sinh Sắc, tri huyện Bình Khê, Bình Định bị triệu hồi về Huế chịu án phạt vì bênh vực dân nghèo... Cha và anh trai về Huế, Nguyễn Tất Thành được bạn cũ của cha giới thiệu đến dạy học ở Trường Dục Thanh. Sau đó, Nguyễn Tất Thành lên đường vào Sài Gòn, đến tạm trú tại trụ sở Liên Thành Thương Quán. Đây là tổ chức kinh doanh do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Tại đây, Nguyễn Tất Thành tìm kiếm cơ hội lên tàu sang Pháp, tìm đường cứu nước.
Vở diễn mới mẻ với công chúng
Kịch bản “Nợ non nước” được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ xây dựng dựa trên tác phẩm “Nợ nước non” - phần 1 trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của ông. Vở diễn được Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng ê kíp nghệ sỹ nổi tiếng dàn dựng.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, thách thức lớn nhất khi thực hiện vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm sao vừa hấp dẫn, thu hút khán giả, lại không trùng lặp các tác phẩm trước đó. Để dựng vở diễn này, ê kíp thực hiện đã dành nhiều thời gian tham gia các hội thảo khoa học, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó lồng ghép tư liệu vào vở diễn.
Trong “Nợ nước non”, ê kíp thực hiện đã sử dụng cách kể chuyện đan xen, lồng ghép giữa hiện thực và quá khứ từ sự hồi tưởng của nhân vật, kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương,một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, bài chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ… để khắc họa một cách sâu sắc hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thời ấu thơ đến lúc Người lên tàu rời xa quê hương.
Bên cạnh sự kết hợp giữa thủ pháp nghệ thuật sân khấu, ê kíp thực hiện còn sử dụng màn hình LED hỗ trợ trên sân khấu, tạo không gian chân thực, gây ấn tượng mạnh với người xem khi gợi lại bối cảnh cuối thế kỷ XIX, đời sống người dân cùng cực dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến…
Có thể thấy sự tìm tòi tỉ mỉ, kỹ lưỡng của ê kíp sáng tạo khi dựng nên một không gian sân khấu biến hóa liên tục. Yếu tố đương đại được thể hiện mạnh mẽ trong sự phá cách của trang trí sân khấu với những khung sắt, hình khối gợi tả về một xã hội Việt Nam khi ấy ngổn ngang, bất an và đầy rẫy nguy cơ tiềm ẩn… Đặc biệt ở cảnh cuối, tất cả các đơn nguyên trang trí bỗng chốc ghép lại thành cầu cảng của Bến cảng Sài Gòn - nơi đã ghi dấu ấn lịch sử trước khi Người bước chân lên con tàu vạn dặm xa tìm đường cứu nước…
Vở diễn không lựa chọn cách dùng giọng nói tiếng địa phương theo vùng miền, nhưng các nghệ sỹ đã khắc họa thành công nhân vật bởi lối diễn chân thực, giàu cảm xúc. Nghệ sỹ Minh Hải – đảm nhận vai Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ thời trẻ đã lột tả được thần thái mộc mạc, giản dị nhưng đầy ý chí quyết tâm của Bác với cốt cách, trí tuệ, tri thức. Nghệ sỹ Minh Hải cho biết, khi nhận vai diễn này, anh khá lo lắng, nhưng anh cũng rất tự hào khi được hóa thân vào hình tượng Bác Hồ, niềm tự hào đó là động lực giúp anh cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều lần để hoàn vai diễn của mình một cách tốt nhất. Thậm chí, để thể hiện tốt hơn hình tượng nhân vật Bác Hồ, nghệ sỹ Minh Hải đã phải nhịn ăn và giảm tới 6-7kg để vóc dáng gần với vóc dáng thư sinh của Nguyễn Tất Thành...
Bên cạnh Minh Hải, diễn xuất của các diễn viên khác như bé Anh Đức (vai Nguyễn Sinh Cung), nghệ sỹ Như Quỳnh (vai bà Hoàng Thị Loan), Nghệ sỹ Ưu tú Mạnh Hùng (vai ông Nguyễn Sinh Sắc)… cũng để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Diễn xuất nhuần nhuyễn của các nghệ sỹ cùng sự sáng tạo mang tính ngẫu hứng, linh hoạt của ê kíp sáng tạo trong xử lý bối cảnh sân khấu mang đến những cảm giác mới mẻ với công chúng.
Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên cho biết, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang tiến hành biểu diễn tác phẩm “Nợ nước non” trong các đợt lưu diễn dài ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, đặc biệt là những địa danh đã từng in dấu chân Bác trên hành trình đi tìm dáng hình đất nước. Các nghệ sỹ mong muốn khán giả ở các vùng miền có cơ hội được thưởng thức tác phẩm sân khấu mới, xem thêm một câu chuyện về Bác Hồ kính yêu.