Ngày 26/2, UBND phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tại cụm di tích đình – đền – chùa Vũ Thạch kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh Khỏa Ba Sơn và khai mạc Lễ hội Đình Vũ Thạch năm 2023.
Tại lễ dâng hương, bà Lê Phương Hoàng Yến, Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền cho biết, đây là dấu ấn văn hoá có ý nghĩa thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về truyền thống yêu nước, tôn vinh những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, giá trị văn hóa lịch sử Quốc gia.
Một số hình ảnh tại lễ dâng hương đình Vũ Thạch:
Lễ dâng hương cũng là dịp để nhân dân Thủ đô bày tỏ tấm lòng thành kính đối với công đức của cha ông, tôn thờ những vị thánh, những anh hùng góp công xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chương trình kỉ niệm 2.000 năm ngày sinh của Thánh Khoả Ba Sơn gồm nhiều hoạt động phong phú như: Lễ rước kiệu theo nghi lễ truyền thống từ phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Hàng Khai và an vị tại đình; Lễ dâng hương tại đình Vũ Thạch, đánh trống khai hội, lễ dâng hương, tổ chức hoạt động văn hoá nghệ thuật truyền thống (Chầu văn, hát xẩm, chèo, quan họ…).
Di tích có diện tích khoảng 780m2, tại số 13 phố Bà Triệu; nằm trong Cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đình - đền - chùa Vũ Thạch. Theo văn bia, những đồ thờ, hiện vật còn lại trong di tích, Đền Vũ Thạch có niên đại từ thời Nguyễn. Đình là nơi thờ Thánh Khỏa Ba Sơn, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Đền Vũ Thạch sát liền với bên trái đình, là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, một vị Tiên thánh trong thần thoại được coi là một trong “Tứ bất tử” và được thờ theo tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta.
Theo các tư liệu lịch sử ghi chép lại, tướng Khỏa Ba Sơn được Hai Bà Trưng cho lĩnh 500 quân tới ấp Hoa Động (nay thuộc xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội) lập một đồn giả để lừa quân Hán, nhờ đó mà đánh bại được thái thú Tô Định. Sau khi lên ngôi, nhị vua Hai Bà Trưng cử tướng Khỏa Ba Sơn trở về đóng đồn tại ấp Hoa Động, song ông đã hoá ngay giữa buổi tiệc khao thưởng dân làng. Nơi thờ chính của ông hiện ở làng Xuân Đỗ, xã Cự Khối. Tại đây có cuốn Thánh tích ngọc phả ghi rất rõ về gốc tích và công trạng của ông, trong sách ghi niên đại “tháng trọng thu niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6” (tức năm 1740).
Để tưởng nhớ công ơn vị thần này, dân làng Vũ Thạch mở hội đình vào ngày 10 Tháng 2 và 15 Tháng 10 Âm lịch hàng năm. Trong những ngày này, bao giờ cũng có một đoàn của làng Xuân Đỗ (Hạ) đến cùng tham gia. Lễ hội có rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống như hát ca trù, hát văn, biểu diễn võ dân tộc.
Đình, đền và chùa Vũ Thạch đã may mắn thoát khỏi sự phá huỷ của chiến tranh vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 khi thực dân cho dỡ bỏ làng cũ để xây nhiều công sở và phố Tây. Thời Pháp thuộc, cụm di tích đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần qua các năm: Tự Đức thứ 35 (1882), Thành Thái thứ 3 (1891) và Khải Định thứ 9 (1924).
Đặc biệt hơn vào ngày 6/1/1946, nơi đây được chọn là điểm đặt hòm phiếu bầu Quốc hội khoá 1 trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; sau này, nơi đây cũng trở thành điểm đóng quân của Tự vệ thành Hà Nội trong 60 ngày kháng chiến chống thực dân Pháp vào cuối năm 1946 đầu năm 1947.
Gần đây nhất vào năm 2022, di tích đình - đền Vũ Thạch được quận Hoàn Kiếm đầu tư tu bổ, tôn tạo các hạng mục chính: Đại đình, nhà Hội đồng, Nghi môn, Ban thờ ngoài trời, Đền, cổng đền, Nhà thủ từ, thủ đền, am thờ, am hóa sớ, cổng phụ, sân vườn, tường rào.... với tổng mức đầu tư 24,926 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách địa phương.
Về thăm đình Vũ Thạch, du khách có thể chiêm ngưỡng pho tượng thờ thánh Khỏa Ba Sơn cùng 30 ngai thờ sơn son thiếp vàng, trong đó 5 ngai lớn được chạm trổ rất công phu. Đình cũng giữ được cỗ kiệu bát cống và bốn đôi lọ lộc bình men trắng vẽ lam có niên hiệu đời Thanh. Hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án đều được trang trí đẹp đẽ, các đồ tế khí thể hiện trình độ chế tác rất cao.
Đặc biệt nơi đây hiện còn lưu 5 sắc phong của các vị vua nhà Nguyễn mang niên hiệu khác nhau rải rác suốt thế kỷ 19: Gia Long (năm 1802), Tự Đức (1852 và 1879), Đồng Khánh (1886), Thành Thái (1889). Những sắc phong này đều thể hiện sự kính trọng đối với danh tướng Khỏa Ba Sơn.