Tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa nhân một năm ngày mất của ông

Ngày 24/7, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953 - 2021) đã phối hợp tổ chức chương trình tưởng nhớ nhà văn nhân Lê Văn Nghĩa nhân 1 năm ngày mất của ông.

Chú thích ảnh
Các tiết mục văn hóa văn nghệ trong chương trình tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Thời trẻ, nhà văn Lê Văn Nghĩa có mặt trong phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh ở đô thị Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, ông trở thành một nhà báo chuyên nghiệp và tạo ra dấu ấn quan trọng trong lịch sử báo chí nước nhà với đặc san trào phúng mang thương hiệu Tuổi Trẻ Cười. Không chỉ thể hiện vai trò cá nhân qua các tiểu phẩm ký tên Hai Cù Nèo, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã tập hợp ở Tuổi Trẻ Cười những cây bút chuyên viết thể loại độc đáo này.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho biết, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã góp phần to lớn hình thành dòng văn học trào phúng cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và cho Việt Nam nói chung. Dòng văn học trào phúng và dấu ấn Lê Văn Nghĩa như một bằng chứng sinh động cho sức sáng tạo phong phú, đa dạng của đô thị phương Nam.

Cũng theo nhà văn Bích Ngân, nhà văn Lê Văn Nghĩa không chỉ đem lại nhiều tiếng cười cho độc giả qua những tác phẩm trào phúng như “Thằng láu cá”, “Hoa hậu phường Cây Mít”, “Nhà mùi học”, “Điệp viên Không Không Thấy”... mà còn được ghi dấu khi ông viết trực diện về Sài Gòn qua hai thể loại truyện dài và tản văn. Ví dụ như truyện dài “Mùa hè năm Petrus” được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu năm 2013, sau đó đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học thiếu nhi cả nước. Tiếp đến là các tác phẩm “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ ”, “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” và “Mùa tiểu học cuối cùng” cũng đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng độc giả thiếu nhi sau này. 

Chú thích ảnh
Những người bạn và người thân cùng chia sẻ kỉ niệm vui buồn với cố nhà văn Lê Văn Nghĩa tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. 

Bên cạnh các truyện dài, nhà văn Lê Văn Nghĩa khai thác thêm vẻ đẹp Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh qua thể loại tản văn. Những cuốn sách "Sài Gòn dòng sông tuổi thơ", "Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian", "Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ", "Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề", "Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức"... là những tác phẩm được nhà văn Lê Văn Nghĩa “chưng cất” từ phép cộng của giá trị tài liệu và giá trị nhân chứng đã dễ dàng thuyết phục được độc giả khó tính nhất khi muốn tìm hiểu về Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh ngày nay. 

Có mặt tại ngôi trường nhiều kỷ niệm - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (trường Petrus Ký năm xưa) với nhà văn Lê Văn Nghĩa, nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: "Nhà văn Lê Văn Nghĩa và tôi có những năm tháng gắn bó cả một thời thanh xuân. Chúng tôi từng có một tuổi thơ nghèo, cứ nằm mơ một ngày được vào trường Petrus Ký. May mắn sao chúng tôi đã được về học chung một trường và trong quá trình hoạt động cách mạng tôi gặp nhiều người như Lê Hoàng, Lê Văn Nghĩa. Đây là những người bạn thân gắn bó với cuộc đời của tôi và hôm nay tôi có mặt tại ngôi trường này để nhớ về một thời tuổi trẻ và một thời cùng tham gia đấu tranh cách mạng khốc liệt”. 

Dịp này, gia đình cố nhà văn Lê Văn Nghĩa đã tặng áo dài và sách cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và NXB Trẻ cũng cho tái bản tác phẩm “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ ” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa.  

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại Nguyễn Đình Chiểu
Nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 1/7/2022 là tròn 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN