“Ở độ tuổi đôi mươi, tám năm đứng trên sàn đấu vật, 1 trong 10 vận động viên tiêu biểu năm 2010, là niềm tự hào của làng vật Yên Nội và vật Việt Nam”, là những dòng ngắn gọn về Nguyễn Thị Lụa - cô thôn nữ Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, chủ nhân của chiếc Huy chương bạc Á vận hội 16.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê Yên Nội vốn nổi tiếng cả nước về đấu vật, lại là con nhà nòi khi bố và chú đều là những đô vật có hạng, nên Nguyễn Thị Lụa ham vật là chuyện… bình thường. Lụa bắt đầu tập vật từ năm 12 tuổi khi đang học lớp 6, trường THCS Đồng Quang.
Lớp Lụa theo học được tổ chức ngay tại trường Đồng Quang và do ông Nguyễn Đình Khinh, vị huấn luyện viên từng tham gia đội tuyển vật Việt Nam tại Olympic Mátxcơva 1980, đứng lớp nên đông nghịt.
Ngay từ ngày ấy, những người có "mắt nghề" đã nhận ra cô bé đất Yên Nội có những tố chất, năng khiếu đặc biệt với môn vật. Lụa sở hữu sức mạnh và sự nhanh nhẹn hiếm có, thêm vào đó, độ lì đòn của Lụa cũng khó ai sánh kịp.
Vì thế, chỉ một năm sau khi Lụa đến với vật, người của Sở Thể dục Thể thao tỉnh Hà Tây (cũ) khi đến trường Đồng Quang tuyển chọn vận động viên vào tuyến trẻ đã chấm Lụa. Và Lụa đã đem về cho Hà Tây tấm Huy chương Đồng giải trẻ toàn quốc hạng 43 kg, tiếp đó, là chiếc Huy chương Vàng hạng 48 kg giải trẻ toàn quốc năm 2006.
Ba năm sau cái ngày “chân ướt chân ráo” lên đội tỉnh, Nguyễn Thị Lụa được gọi vào đội tuyển vật quốc gia. Suất lên tuyển như sự ghi nhận, là động lực mạnh mẽ khiến cô thôn nữ đất Yên Nội càng thêm quyết tâm gắn bó với võ vật.
Lụa lao vào tập luyện và tiến bộ nhanh chóng. Năng khiếu và sự khổ luyện đã giúp Lụa liên tiếp chinh phục những tấm huy chương ở các giải trẻ và giải vô địch quốc gia trong hai năm sau đó. Đặc biệt, ở lần xuất ngoại đầu tiên, Nguyễn Thị Lụa đã xuất sắc giành Huy chương Đồng tại Giải vô địch trẻ châu Á năm 2007.
“Đánh Nam, dẹp Bắc” vậy, nhưng không hiểu sao, Nguyễn Thị Lụa lại kém duyên tại đấu trường khu vực Đông Nam Á. Không ít người vẫn nhớ những giọt nước mắt tức tưởi của cô tại Sea Games 2009. Bởi, Lụa khóc không phải vì thua cuộc, không phải bị xử ép hay chấn thương, mà là do cô quá mạnh nên đối thủ bỏ cuộc, khiến nội dung 48 kg của Lụa bị hủy. Cô khóc vì bao nhiêu công sức tập luyện hàng năm trời chỉ mong được bước lên đỉnh cao bỗng đổ xuống sông xuống biển.
Sau đó, Nguyễn Thị Lụa lại lao vào luyện tập để chuẩn bị cho Asiad 16. Và những ngày tại Quảng Châu, Trung Quốc thực sự là những kỷ niệm khó quên của Lụa. Cô đã tiến một mạch đến trận chung kết hạng cân dưới 48 kg nữ bằng những chiến thắng thuyết phục: Tại vòng đầu, khuất phục đối thủ đến từ Thái Lan với tỷ số 3-1; vòng tứ kết, hạ nữ đô vật Campuchia với tỷ số 5-0; vòng bán kết, đánh bại đối thủ người Hàn Quốc với tỷ số 5-0. Ở trận chung kết, dù thua So Sim Hyang, đô vật của CHDCND Triều Tiên, song đó là kết quả quá đỗi ngọt ngào với Lụa nói riêng cũng như đội tuyển vật Việt Nam nói chung. Đây là lần đầu tiên vật Việt Nam giành được thành tích cao như vậy tại một kỳ Asiad.
Anh Tùng