Có thể thấy trong những năm gần đây chưa bao giờ khán giả lại bị “bội thực” bởi chương trình thực tế đến vậy. Với nội dung vô cùng phong phú, từ ca hát, nhảy múa, diễn hài cho đến nấu ăn, hoạt động thể thao, cùng các thí sinh tham gia đủ mọi lứa tuổi, từ người bình thường cho đến nhân vật nổi tiếng, reality show nghiễm nhiên chiếm suất chiếu vào khung giờ vàng của các đài truyền hình. Bên cạnh hiệu quả giải trí, cũng không ít người nhận ra những góc khuất của loại hình chương trình này.Tất cả chỉ là diễn?Không như mọi người nghĩ chương trình thực tế phải hoàn toàn chân thực, tất cả đều phải lên kịch bản sẵn và có bàn tay của đạo diễn để chương trình diễn ra một cách suôn sẻ, “mượt mà”. Họ là người sẽ vẽ ra câu chuyện, tình huống, thậm chí can thiệp vào cả lời thoại, nét mặt, phản ứng, cảm xúc của những thí sinh tham gia không khác gì quay một bộ phim. Không phải ngẫu nhiên mà mùa “American next top model” nào cũng phải có một hai thí sinh tham dự đóng vai “kẻ xấu” - một người luôn luôn ganh tị, quan trọng hóa mọi vấn đề, gây gổ với các thí sinh khác trong ngôi nhà chung. Mỗi người đều có “vai diễn” của riêng mình, làm tốt, khiến khán giả ghét là thành công.
Một cảnh gây gổ giữa các thí sinh trong chương trình “American Next Top Model”. |
Thậm chí những thí sinh đó còn được giữ lại trong cuộc thi lâu hơn so với dự đoán của khán giả. Trong các chương trình mang tính cạnh tranh, việc nhấn mạnh vào những cá nhân có tính “ích kỷ, tham lam” và nhiều tật xấu khác luôn tạo ra sức hấp dẫn với người xem. Truyền hình thực tế du nhập về Việt Nam, chiêu trò của các nhà sản xuất cũng từ đó được học theo. Như trong mùa đầu tiên “Nhân tố bí ẩn”, một cô ca sĩ chuyên nghiệp đã bị vạch mặt “gian dối” khi đi thi dưới tên và thân phận giả. Cô đã lấy được nước mắt của bao nhiêu khán giả trước số phận “con vịt xấu xí” nhưng sở hữu một giọng hát tuyệt vời. Sau khi bị phát giác, cô tự mình rút khỏi cuộc thi, ban tổ chức cũng đứng ra nhận sai sót không kiểm tra kỹ thông tin cá nhân người tham dự. Song vẫn còn rất nhiều người nghi ngờ tính chân thực của những chương trình thực tế kiểu này, họ cho rằng đây là một dạng chiêu trò của nhà sản xuất để tạo scandal, câu view.
Quyền năng của người biên tậpĐể tăng thêm sức hút đối với khán giả, chương trình thực tế nào cũng phải có mâu thuẫn, nút thắt, cao trào. Muốn điều đó cần phải có “sự sáng tạo” của những người biên tập. Họ có thể dễ dàng biến một đoạn hội thoại dài thành vài câu ngắn gọn, cắt ghép, chỉnh sửa câu nói, lồng ghép vào ngữ cảnh không phù hợp, chuyển biến thái độ của người chơi, gây hiểu nhầm cho khán giả. Nene Leaks - một ngôi sao truyền hình tham dự show “Real Housewives of Atlanta” sau khi rời khỏi chương trình đã lên tiếng tố cáo nhà sản xuất chỉ đưa những hình ảnh, lời nói trong lúc bực mình của cô lên màn ảnh, biến cô thành “một phụ nữ da đen xấu tính lúc nào cũng tức giận”.
Hay như Johnny Bananas tham gia “The Real World” cho biết trong một phân cảnh, “tất cả mọi người đều tức giận, nhưng người biên tập chỉ chú ý vào tôi, đưa mỗi tôi lên như thể chỉ mình tôi có thái độ không hay lúc đó”. Vụ lùm xùm nhất trong chương trình giải trí tại Việt Nam có lẽ là chuyện cô bé L.N.Q.A tham dự Việt Nam Got Talents (2012). Chứng kiến con mình bị dư luận ném đá không thương tiếc, gia đình Q.A lên tiếng, tố cáo chương trình chỉnh sửa, bóp méo hình ảnh, biến cô xuất hiện như một đứa bé kiêu ngạo, tự tin quá mức vào bản thân, cùng với người thân “ảo tưởng” về tài năng con mình. Trong đoạn băng phỏng vấn, Q.A trả lời có vẻ tự tin về giọng hát của mình nhưng câu nói “giọng hát của em là đỉnh nhất” đã bị biên tập lược mất vế sau “trong 4 anh chị em”. Việc mẹ cô bé ra phân trần “nài nỉ” trước ban giám khảo cho con mình vào vòng trong cũng là do BTC yêu cầu. Gia đình Q.A thậm chí còn gửi thư đến Quốc hội tố cáo BTC Vietnam's Got Talent dựng chuyện làm em “bị bạo hành tinh thần”. Chuyện vẫn chưa tỏ rõ đầu đuôi xong cho đến nay đây vẫn được coi là một sự kiện không hay của ngành giải trí Việt.
Bi kịch đáng tiếcTruyền hình thực tế là “con dao hai lưỡi”. Một mặt có rất nhiều người bỗng chốc thành sao chỉ với một “reality show”. Cô nàng tóc vàng Paris Hilton hay Kim Kardashian “vòng 3 siêu khủng” đều thành công với vai trò ngôi sao thực tế khi sở hữu những chương trình ăn khách nhất. Mặt khác, show thực tế có thể đẩy người tham gia vào bước đường cùng, nhiều người còn mắc chứng trầm cảm, thậm chí tự tử. Trường hợp của Julien Hug - một thí sinh tham dự chương trình “The Bachelorette” đã tự kết liễu đời mình sau khi bị trầm cảm nặng. Khán giả đổ lỗi cho nhà sản xuất luôn quá tập trung khai thác những thí sinh tâm lý vốn sẵn không ổn định. Để đến khi họ quay trở lại thực tại, nhận được sự chú ý từ đông đảo dư luận, họ không đủ khả năng kiểm soát, cân bằng cuộc sống của mình. Sharon Waxman - nhà sáng lập trang mạng giải trí The Wrap - cho hay trong năm 2009 có đến 111 người tự tử liên quan tới truyền hình thực tế.
Vẫn không thể phủ nhận tính giải trí cao và sức hút từ những show thực tế, song khi xem, khán giả cần phải sáng suốt, tỉnh táo, không nên để bị nhà sản xuất, đạo diễn “dắt mũi” lái theo hướng đi của họ, trở thành “anh hùng bàn phím” gián tiếp gây áp lực cho những người tham gia.