Ở Song Vân (Tân Yên, Bắc Giang), dân làng gọi nhau là “con nhà diều”. Không kể trai hay gái, già hay trẻ, ai ai cũng có chung một niềm đam mê thả diều. Hình ảnh những con diều và tiếng sáo vi vu đã trở thành nét đặc trưng của mảnh đất này.
Sinh ra, lớn lên cùng diều
Ở Song Vân, không ai biết người đầu tiên thả diều là ai, hay thú chơi này có từ khi nào. Chỉ biết rằng, khi xưa các cụ làm con diều rất kì công và con diều là sản phẩm của cả tập thể chứ không chỉ riêng ai. Người đi đốn tre; người chẻ tre, vót nan làm cánh diều; người luộc dây tre non làm dây diều; người thì lấy nhựa sung mủ quả hồng xiêm quét lên giấy dó để làm áo cho diều. Tùy theo kích thước to nhỏ của con diều mà người thợ làm diều gắn sáo cho phù hợp. Với con diều có cánh lớn hơn 4 mét, người ta phải gắn cho nó cây sáo lớn bằng cái phích nước. Để chạy lấy đà cho diều lên, có khi phải cử đến vài ba thanh niên trẻ khỏe trong làng.
Ông Bội đang tự tay làm diều sáo. |
Vì đã gắn bó lâu đời với thú chơi diều, mỗi người dân Song Vân đều nắm rõ từng kĩ thuật thả diều, thế nào là gió trên, gió dưới, gió quẩn, gió hanh… Ngóng gió và hiểu về gió là yêu cầu bắt buộc với mỗi người chơi diều. Lúc nào thấy diều kêu râm ran khắp làng trên xóm dưới là biết ngay những ngày tới thời tiết đẹp. Gió quẩn, đổi hướng liên tục thì không thả diều được.
Ngày nay, người dân Song Vân vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông. Nhưng ngay cả khi làm đồng, họ cũng không quên mang theo những con diều to nhỏ đủ loại để thả trong lúc làm đồng. Khi diều đã no gió rồi thì người ta mới chịu làm việc. Xế chiều, lũ trẻ con và cả các cụ cao niên cũng mang diều ra đồng thả. Diều no gió, họ lại quây quần kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình, chuyện thời cuộc.
Người dân Song Vân từ khi sinh ra đã gắn bó với cánh diều. Đến tuổi lục tuần, tình yêu với những con diều vẫn vẹn nguyên. Ông Ngô Văn Bội là một người như thế. Không chỉ đam mê với diều, ông Bội hiện còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ diều sáo Song Vân, nơi quy tụ những người đã lớn tuổi nhưng đều đam mê với diều. Họ đã cùng nhau đi biểu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc bao năm nay.
Ông Bội kể lại, từ bé đã thấy người làng thả diều sáo. Sau bao nhiêu năm, con diều cũng có chút thay đổi. Thân diều vẫn làm bằng tre, sáo được làm từ ống nứa nhưng cánh diều ngày trước được phết bằng giấy tàu thì nay được may bằng nilon, nhẹ và đẹp hơn. Dù thế nào thì tình yêu dành cho diều vẫn không đổi thay. Vì thế, mới có chuyện vui rằng, có bà vợ còn ghen vì chồng chỉ suốt ngày chơi diều, mê mẩn vì diều. Nói vui vậy thôi, chứ ai cũng hiểu thú chơi diều là truyền thống của làng khó lòng thay đổi. “Cũng nhờ có nó mà đám thanh niên trong làng bớt sa đà vào những tệ nạn xã hội”, ông Bội nói.
Chắp cánh cho diều bay cao
Theo ông Bội, thú chơi diều có ở khắp Việt Nam nhưng những nơi có diều sáo thì không nhiều. Làm sáo diều đã khó, để cho tiếng sáo hay lại càng khó hơn. Người chơi diều Song Vân chỉ chơi diều một sáo. Tùy theo kích cỡ và kĩ thuật làm sáo mà tiếng sáo sẽ khác nhau. Người ta cũng dựa vào tiếng sáo để đặt tên cho diều. Chẳng hạn, diều nhỏ nhất được gọi là con re re vì sáo kêu re re, lớn hơn một chút là diều ro ro, vô vô, vu vu, đu đu, diều đì đì…
Hướng dẫn cho lớp trẻ cách thả những con diều lớn lên bầu trời. |
Những hôm thời tiết đẹp, trên bầu trời có đủ các loại diều, đủ các tiếng sáo, sáo ồm, sáo trung, sáo mẹ, sáo con... hòa vào nhau tạo nên bản thanh âm của trời quê yên bình. Nếu như những đứa trẻ thành phố muốn thả diều cũng khó vì không có không gian thì ở đây, người ta có cả một cánh đồng rộng lớn thẳng cánh cò bay để diều được bay tự do. Trừ lúc trời bão, còn hầu như thời điểm nào cũng có thể nghe thấy tiếng sáo diều. Trời về khuya là lúc gió ổn định, diều được kéo xuống gần hết chỉ để lại vài con có tiếng sáo hay để mọi người cùng thưởng thức. Có con diều còn được lắp thêm đèn để có thể dễ dàng nhận diện khi trời tối.
Gắn bó với diều sáo gần trọn cuộc đời, ông Bội tâm sự: “Tôi không nhớ mình đã làm được bao nhiêu con diều sáo. Có những con đã mang đi tranh giải tại các festival diều ở Huế, Vũng Tàu… Có con cũng đã được xác lập kỉ lục bởi độ to của diều và sáo”. Gian chính ngôi nhà ông Bội chỉ rộng khoảng 20 mét vuông nhưng nhìn đâu cũng thấy diều: con thì được để trên màn, con được treo trên tường, con được móc lên cửa sổ. Trên bàn thờ, hàng chục chiếc sáo diều được xếp ngăn nắp. Ông nói vui, các cụ khi sống rất thích thả diều nên tôi để sáo lên bàn thờ để các cụ được vui.
Bộ “đồ nghề” của ông Bội có lưỡi để bào, lưỡi dùng để khoét, lưỡi dùng để múc, lưỡi dùng để chích... được ông giữ gìn cẩn thận. Tất cả chúng đều được tự chế bằng thép, hay thậm chí là các vỏ đạn ông nhặt về hồi còn đi bộ đội. Ông Bội cũng kể về những câu chuyện vui khi đi thả diều như diều bị rơi thì không biết tìm ở đâu vì dây diều dài cả nghìn mét; nửa đêm, cánh đàn ông thức đêm thả diều khiến lũ trộm không dám bén mảng đến nhà dân.
Ngoài chơi diều, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, ông Bội còn làm diều bán cho những người trong xã hay cả những khách ở phương Nam xa xôi. Ống sáo nhỏ được bán với giá vài chục nghìn đồng, ống sáo to nhất được bán với giá hai trăm nghìn đồng… Có năm, số tiền ông Bội thu về từ diều lên đến cả chục triệu đồng.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Bội có bí quyết riêng để con diều của mình không giống với người khác. Ngoài chuyện phải nhẹ, phải cân đối thì cung trên phải to hơn cung dưới. Thế nên, diều của ông dù rộng tới hơn 4 mét, lại kèm theo một ống sáo to bằng bắp chân cũng chỉ nặng khoảng một cân và có thể kéo được cả một cuộn dây tre dài cả nghìn mét.
Ông Dương Văn Mùa, Phó Chủ tịch UBND xã Song Vân rất tự hào về thú chơi tao nhã của làng quê mình. Ông Mùa cho biết, xã cũng có định hướng để phát triển nghề làm diều như một nghề thủ công của xã. Hàng năm, xã tổ chức hội thi diều để những người yêu diều có cơ hội gặp gỡ và thi thố với nhau. Trong cuộc thi, có con diều đứng trên trời ròng rã năm ngày năm đêm.
Còn với ông Bội, ước nguyện duy nhất của ông chưa thực hiện được là, có một ngày được mang cánh diều khổng lồ in hình lá cờ Tổ quốc ra quần đảo Trường Sa với các chiến sĩ hải quân.
Bài và ảnh: Hoàng Dương