Triển lãm 'Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng'

Triển lãm trưng bày gần 300 tư liệu, hình ảnh giới thiệu về di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam, những đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng miền; thực trạng, xu hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam...

Chú thích ảnh
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Trưởng ban Tăng sự TƯ phát biểu. Ảnh: Minh Đức.TTXVN

Ngày 15/4, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”, Ban Văn hóa Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức triển lãm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”.

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam cách ngày nay trên 2000 năm, trong quá trình truyền bá, Phật giáo dần hình thành các cơ sở vật chất như hệ thống chùa, tháp, tự viện... Trải qua nhiều thời kì lịch sử, tùy từng vùng, miền, hệ phái, điều kiện vật chất và cách thức thờ phụng khác nhau nên bố cục mặt bằng tổng thể hay công năng sử dụng của các công trình kiến trúc Phật giáo rất đa dạng mà trong đó luôn chứa đựng, kế thừa những nét đẹp của kiến trúc truyền thống, tạo nên bức tranh chung với nhiều mảng màu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam, song vẫn có sự thống nhất trong từng hệ phái, vùng miền.

Tuy nhiên theo Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trải qua phong hóa bởi thời gian, tàn phá bởi chiến tranh và nhất là trong bối cảnh đô thị hóa cũng như nhu cầu sử dụng để đáp ứng số lượng lớn Phật tử, công chúng ngày một cao, nhiều ngôi chùa với những nét đẹp kiến trúc truyền thống đang dần bị tác động, mai một bởi sự cải tạo, cơi nới không phù hợp hay những công trình xây mới mặc dù đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tu tập, sinh hoạt tâm linh của xã hội nhưng đôi chỗ còn chưa đảm bảo kế thừa những giá trị, đặc trưng văn hóa truyền thống cũng như tư tưởng, tinh thần Phật giáo.

Chú thích ảnh
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong quá trình tu bổ, tôn tạo, xây mới, những tác động tưởng như rất nhẹ song lại ảnh hưởng lớn đến hệ thống kiến trúc Phật giáo này. Thậm chí, cả những ngôi chùa đã được xếp hạng... cũng không tránh khỏi sự tu bổ, tôn tạo chắp vá. Quá trình trùng tu, mở rộng hoặc xây mới chùa còn mang nhiều phong cách khác nhau, đôi khi đi ngược với truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam. 

Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn cho biết, trước thực trạng đó, năm 2015, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phê duyệt Đề án: “Định hướng đặc trưng văn hoá Phật giáo Việt Nam về Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc, Di sản” và giao Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai thực hiện với định hướng đặc trưng Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Đến nay, 2 trong 4 đề án đã đạt kết quả bước đầu và được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn. Hiện nay, kết quả nghiên cứu này đang được triển khai đến Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Đề án Kiến trúc và Di sản cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện và Triển lãm, Hội thảo khoa học này là một trong những công việc quan trọng của Đề án đó.

Chú thích ảnh
Các đại biểu và khách tham quan triển lãm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Triển lãm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng” trưng bày gần 300 tư liệu, hình ảnh giới thiệu về di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam, những đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng miền; thực trạng, xu hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam; một số hình ảnh kiến trúc Phật giáo Việt Nam được xây dựng trong những năm gần đây (chùa ở đô thị; chùa được quy hoạch, xây dựng lại trên nền/vị trí chùa cũ; chùa xây dựng mới…); định hướng xây dựng bộ quy chuẩn và biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam... 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, triển lãm sẽ góp phần cung cấp tư liệu cho Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng” qua đó giúp Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai Đề án Kiến trúc và Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong các năm tiếp theo hiệu quả, khả thi. Đồng thời, thông qua triển lãm, góp phần giúp Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng xã hội nhận diện bước đầu về những đặc trưng, nét đẹp, giá trị truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng như sự cần thiết định hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam phù hợp với đời sống xã hội đương đại. Từ đó, mỗi người sẽ nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Triển lãm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng” diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2023 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

M.H (TTXVN)
Hội thảo khoa học về sơn môn Liên Phái trong Phật giáo Việt Nam
Hội thảo khoa học về sơn môn Liên Phái trong Phật giáo Việt Nam

Sáng 1/3, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học “Tổ Như Trừng Lân Giác và sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN