Đại diện Ban Tổ chức cho biết, đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức một chương trình tọa đàm về văn học trinh thám. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp Nhà văn trinh thám Nauy Oystein Torsrud sang giao lưu với độc giả Việt Nam theo lời mời của Công ty sách Liên Việt (đơn vị chuyển ngữ và phát hành tiểu thuyết “Cơn bão” của ông), cũng như lần đầu tiên tiểu thuyết trinh thám Việt Nam “Trại Hoa Đỏ” của Nhà văn Di Li được K+ chuyển thể thành phim dài tập - Premium Original Series.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, trên thế giới, thể loại văn học trinh thám tràn ngập các tủ sách, trong khi ở Việt Nam, dù rất nhiều người thích văn học trinh thám, nhưng số lượng sách văn học trinh thám lại quá ít ỏi. Điều đáng mừng là hiện nay, các nhà văn trẻ Việt Nam đã viết truyện trinh thám nhiều hơn thế hệ trước.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã đến lúc văn học trinh thám đi qua ranh giới của sự giải trí, trở thành một trong những thể loại văn học tiếp cận đời sống, bởi trong mỗi câu chuyện đều chứa đựng bí ẩn của cuộc sống, những góc khuất bên trong con người, kể cả ở Việt Nam và phương Tây.
“Tọa đàm lần này gợi mở nhiều điều, trong đó có việc tìm hiểu lý do tại sao rất nhiều người Việt Nam thích đọc truyện trinh thám, nhưng văn học Việt Nam lại ít các tác phẩm văn học thể loại này, mở hướng đi sâu hơn cho các nhà văn trẻ, từ đó có thể lý giải và "mở khóa "những vấn đề của con người ẩn chứa trong đời sống…”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.
Thông tin từ Tọa đàm cho thấy, trong văn học giải trí, văn học trinh thám luôn được coi là một thể loại đặc biệt. Với độc giả Việt, các sách trinh thám, ly kỳ có một chỗ đứng quan trọng, tuy không phải lúc nào cũng ồn ào. Văn học trinh thám Việt Nam đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm 1930 của thế kỷ trước với sự xuất hiện của những nhà văn như Phạm Cao Củng, Thế Lữ.
Hiện nay, số lượng các nhà văn viết trinh thám ngày càng tăng lên, tỷ lệ thuận với sự gia tăng những người đọc trinh thám. Nguyên nhân là do trinh thám hiện đại đã trở nên vô cùng khác biệt với truyền thống truyện điều tra thám tử - tội phạm kinh điển. Ngày nay, một tác phẩm trinh thám bất kỳ đều có thể chuyển tải những giá trị nhân văn mà chỉ mình nó mới có đủ quyền năng phát hiện ra. Yếu tố trinh thám đã được các nhà văn, các nhà làm phim trên khắp thế giới khai thác như một công cụ đắc lực để truyền tải các thông điệp nghệ thuật.
Sự quan tâm về mặt chuyên môn cho thể loại này cũng được gia tăng. Ngoài ra, các kỹ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện của văn học trinh thám hiện đại đều rất đặc sắc, dễ áp dụng cho mọi thể loại hư cấu khác, để các tác giả chuyên nghiệp và bán chuyên có thể khai thác mạnh mẽ cho nghiệp vụ của mình. Tuy nhiên, hầu như chưa có một cuộc tọa đàm nào hoàn chỉnh về văn học trinh thám tại Việt Nam để đề cập đến những tiêu chí của dòng văn học này cũng như dòng chảy mới của văn học trinh thám Đông và Tây…
Các đại biểu tham dự Tọa đàm như Nhà văn Di Li, Nhà văn trinh thám Đức Anh, Nhà văn Oystein Torsrud (tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy) cùng đưa ra nhận định về văn học trinh thám trên thế giới, đặc tính cũng như những khác biệt văn hóa làm nên thành công của mỗi nền văn học; đồng thời thảo luận về các chủ đề lý giải tại sao văn học trinh thám ở Việt Nam vẫn còn non trẻ, cũng như sự khác nhau giữa trinh thám Đông và Tây, giữa nền trinh thám hiện đại và truyền thống, khả năng khai thác thế mạnh của thể loại dành cho những người cầm bút ở Việt Nam trong lĩnh vực sáng tác tiểu thuyết nói chung…