Nam Định:

Tinh hoa làng nghề khăn xếp Giáp Nhất

Các làng nghề truyền thống, ngoài giá trị kinh tế còn mang nhiều giá trị văn hóa, xã hội. Việc duy trì sản xuất cũng chính là tiếp tục giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của cả dân tộc. Làng nghề làm khăn xếp thôn Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là một trong những làng nghề như thế.

Thôn Giáp Nhất được chia làm 4 tổ dân phố trực thuộc thị trấn Nam Giang. Thôn Giáp Nhất có khoảng 4.800 khẩu với 1.050 hộ, trong đó có khoảng 140 hộ làm nghề. Người dân nơi đây không ai biết nghề này có từ bao giờ và ai là ông tổ của nghề, chỉ biết nghề đã xuất hiện và có lịch sử hình thành, phát triển tương đối lâu đời. Thôn được coi là nơi duy nhất ở miền Bắc còn sản xuất loại khăn xếp. Từ xa xưa, khăn xếp, áo the đã được xem như là quốc phục của dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, người dân nơi đây vẫn bám nghề, coi đây là một nghề cao quý, có ý nghĩa rất lớn để giữ gìn, phát huy và truyền lại cho con cháu mai sau.



Ông Đoàn Văn Dương dần hoàn thiện từng công đoạn của chiếc khăn xếp.



Khăn xếp Giáp Nhất được làm bằng chất liệu vải để đội đầu. Trước đây, khăn xếp chỉ có loại khăn đen chứ không có khăn nhiều màu như hiện nay. Gia đình anh Đoàn Văn Hưng (tổ 3, thôn Giáp Nhất) là một trong những gia đình có nhiều thế hệ làm khăn xếp và bản thân anh cũng là một trong những người có tay nghề giỏi nhất làng. Anh cho biết: Cả gia đình anh đã có mấy đời theo nghề làm khăn xếp, từ trước năm 1947 cụ nội của anh đã học và làm nghề. Ngày nay, khăn xếp thường được dùng trong các ngày hội, lễ mừng thọ hay phục vụ các đoàn chèo, tuồng, chầu văn hay xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của quốc gia (như Hội nghị APEC 2006).

Nghề làm khăn xếp đã có từ rất lâu đời, đến giai đoạn những năm 1950, người làng vẫn làm và mang sản phẩm đi khắp nơi tiêu thụ. Song, đến năm 1959, do cuộc sống khó khăn, sản phẩm làm ra ít tiêu thụ được nên người dân cũng dần bỏ nghề. Khi đó, trong làng chỉ còn duy nhất cụ Đoàn Thị Thùy cùng một người chị em tiếp tục làm và giữ nghề. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công bằng tay như quấn, khâu và dán bằng hồ gạo.

Từ năm 1990, người dân trong làng bắt đầu quay lại với nghề, chung tay khôi phục làng nghề. Sản phẩm khăn xếp lúc này đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Người dân đã có thể sống được bằng nghề. Những năm 1990, 1992, người dân nơi đây chỉ làm khăn đen nhưng sau đó bắt đầu làm khăn màu và khăn hầu. Ngày nay, do nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều đã kéo theo sự ra đời và phát triển nhiều loại khăn khác nhau như khăn quang dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô, khăn tế, khăn hầu các giá đồng.

Nói về cấu tạo khăn xếp, anh Đoàn Văn Hưng cho biết thêm: Ngày xưa khăn được làm 4 quấn, 7 nếp nhưng bây giờ người đầy đặn, to cao hơn nên được làm 6 quấn, 9 nếp. Bên cạnh đó, chất liệu để làm khăn trước đây là chất liệu cổ là lượt, nhiễu hay vải sa tanh cũ, cốt làm bằng báo. Bây giờ, khăn xếp được làm với chất liệu tốt hơn. Vải quấn là loại vải tấm các màu bằng sa tanh, bóng, phi quấn ở ngoài, bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút. Khăn xếp được chia làm 3 loại: Khăn dành cho nam, cho nữ và loại khăn cả nam, nữ đều đội được.

Khăn dành cho nam thường là loại khăn quang, đằng sau phía trên búi tó dựng đứng, đằng trước phía trên là lưỡi trai, nếp và vành. Tuỳ thuộc vào giá đồng mà khăn có các màu khác nhau như đỏ, xanh, vàng. Trước đây, khăn được làm phẳng, sau đó thêu thùa đính kèm kim sa thủ công. Bây giờ, việc làm khăn đơn giản hơn nhiều khi chuyển sang bằng máy, quấn bằng keo công nghiệp và hình được vẽ bằng keo rồi phủ nhũ lên.

Phần lưỡi trai của khăn xếp trước đây có 2 nếp làm bằng hình chữ Nhân, bên trái đè lên bên phải. Nhưng bây giờ làm công nghiệp thì chữ Nhân được làm phẳng cho dễ làm. Khăn xếp bình thường chất liệu thường là phi, bóng, sa tanh nhưng hàng đặt có thể được làm bằng gấm. Anh Hưng khẳng định, cả nước chỉ có thôn Giáp Nhất và ở Huế làm được khăn xếp. Ngoài khăn xếp ra, người dân ở đây còn làm được tất cả các loại khăn chầu, khăn cho người dân tộc, khăn thổ mường, khăn cho các rạp hát và các loại áo như áo ngự, áo hầu đồng, áo the.

Nguyên liệu để làm khăn xếp gồm có sơn, nhũ, kim xa, keo, mút, vải. Vải được mua ở các nhà máy ở Hà Nội hoặc nhập từ Trung Quốc, mút mua ở Nam Định. Việc làm khăn giờ đây không chỉ có người già tham gia mà còn có lao động trung niên. Trong làng có 7 chủ xưởng lớn đứng ra nhận làm đầu mối thu, mua sản phẩm và khoán nguyên liệu cho người dân. Thông thường, mỗi hộ gia đình đảm nhận một công đoạn khác nhau và chủ xưởng chính là đầu mối cuối cùng hoàn thành sản phẩm.

Có 7 công đoạn làm khăn trong đó có một số công đoạn như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa. Ông Nguyễn Văn Chèo (60 tuổi, tổ 3) cho biết: Tôi chuyên làm công đoạn máy cốt. Công việc này đã mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi. Loại khăn 12 nếp tôi máy được 50 cái/ngày với giá 1.000 đồng/cái, khăn 20 nếp máy được 30 cái với giá 1.600 đồng/cái. Khăn xếp có nhiều loại xong loại khăn ít nếp nhất là khăn 7 nếp 5 quấn (khăn đen cũ) và nhiều nếp nhất là khăn 25 quấn (khăn cô dâu).

Người làng bận rộn quanh năm với việc làm khăn, nhưng khăn chỉ bán chạy nhất vào các tháng Giêng, tháng Hai và tháng Tám hàng năm, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội. Sản phẩm làm ra chủ yếu được đưa đến phố Hàng Quạt (Hà Nội) rồi được xuất đi cả nước, trong đó thị trường miền Bắc là chủ yếu. Ông Đàm Văn Phị (57 tuổi, tổ 3) cho biết: Trong 4 tổ thì tổ 3 có số lượng người làm khăn xếp đông nhất thôn.


Gia đình tôi nhận nguyên liệu từ chủ xưởng để về làm công đoạn quấn khăn. Tùy các loại cỡ đầu từ số 50 – 56 mà giá cả các loại khăn khác nhau. Loại khăn đen một ngày tôi thường làm được 50 chiếc với giá 1.500 đồng/chiếc loại thường và 2.000 đồng/chiếc loại đẹp. Khăn thọ vàng tôi quấn được 30 chiếc với giá 2000 – 2.500 đồng/chiếc. Anh Đoàn Văn Thuỷ (tổ 3) cũng chia sẻ: Xưởng của gia đình tôi có hơn 20 hộ gia đình tham gia nhận nguyên liệu về làm. Làm tại xưởng thì có khoảng 5 - 7 nhân công. Bình quân thu nhập của nhân công ở đây là từ 70.000 – 100.000 đồng/ngày.

Mỗi năm, gia đình tôi xuất đi khoảng hơn 4 vạn khăn. Khăn dân tộc có giá 30.000 đồng/chiếc; khăn chầu có 5 loại là chầu cô Bơ (màu trắng), chầu cô Chín (màu hồng), cô Bé (màu xanh nhị), thần Công Đồng và khăn cô Sáu Thượng ngàn đều giá 32.000 đồng/chiếc. Trong đó, rẻ nhất là khăn thọ đen 13.000 đồng/chiếc và đắt nhất là khăn chầu và khăn cô dâu, tới 100.000 đồng/chiếc.

Anh Thuỷ cho biết thêm, hiện nay làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức do thu nhập mà nghề làm khăn xếp đem lại dù không quá thấp, song so với làng nghề cơ khí bên cạnh thì người dân không còn nhiều người mặn mà theo nghề, nên chủ yếu làm nghề vẫn là các cụ già và phụ nữ. Bên cạnh đó, "đầu ra" của sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, đối với các chủ xưởng đứng ra nhận hàng như gia đình anh thì vốn đầu tư bỏ ra khá lớn.

Đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, song bằng sự nỗ lực, cố gắng với suy nghĩ nghề đã ngấm vào máu và đã trở thành cuộc sống hàng ngày nên người dân nơi đây vẫn đang bám nghề, cố giữ lấy nghề cha ông để lại. Tuy nhiên, để làng nghề có thể trụ vững, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc nghiên cứu, tìm ra biện pháp để duy trì, phát triển để một làng nghề độc đáo, làng khăn xếp Giáp Nhất.



Thuỳ Dung


Tinh hoa gốm cổ Phù Lãng
Tinh hoa gốm cổ Phù Lãng

Làng gốm cổ Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh không còn là cái tên xa lạ đối với khách du lịch và những người yêu thích gốm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN