Tình “bạn” - của Nguyễn Du với Đoàn Nguyễn Tuấn

Theo các tư liệu lịch sử: Năm 1788 tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở đem quân tiến đánh Vị Hoàng; quân Hoàng Viết Tuyển thua to; Lê Chiêu Thống cùng một số tùy tướng, quan lại xuống thuyền vượt biển sang cầu viện nhà Thanh.

Theo truyền thuyết ở Thái Bình thì khi Lê Chiêu Thống trốn đi cầu viện nhà Thanh, Nguyễn Du muốn đi theo vua nhưng khi tới vùng biển Thái Bình thì Lê Chiêu Thống đã xuống thuyền ra biển. Nguyễn Du trở về quê vợ ở làng Hải An (nay là xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) - (từ 1786 - 1796); các nhà nghiên cứu gọi giai đoạn này là: “Mười năm gió bụi của Nguyễn Du”. Trong “Mười năm gió bụi” cuộc sống và tâm sự của Nguyễn Du ở Thái Bình được phản ánh sâu sắc trung thực trong “Thanh hiên thi tập”.

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa Thế giới Đại thi hào Nguyễn Du.

Nỗi buồn của Nguyễn Du rất dễ nhận ra qua thơ của ông: Tóc ông mỗi ngày một bạc, sức mỗi ngày một yếu, không còn hào hứng với giấc mộng gác vàng (tức mộng làm quan), đau lòng trước thời cuộc và đau lòng cả khi gợi lại bao chuyện cổ kim; bệnh tật cũng làm hao tổn tâm lực của nhà thơ. Ông đã viết:

“Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm”.
“Đem tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng. Mở cánh cửa sổ nhỏ chỉ thấy bóng liễu âm u” - (Đêm xuân).
Đầu năm 1796, Nguyễn Du trở về “Dưới chân núi Hồng”, tâm sự nhà thơ còn chua chát hơn:
“Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”

(Nghĩa là: Tráng sĩ đầu bạc bùi ngùi ngẩng lên hỏi trời: Trái tim anh hùng và kế sinh nhai cả hai đều mờ mịt).

Những ngày ở Thái Bình; tuy chí hướng của Nguyễn Du khác Đoàn Nguyễn Tuấn nhưng họ vẫn đồng cảm, tôn trọng thơ văn của nhau. Sách “Truyền Kiều” của Nguyễn Du, được Đoàn Nguyễn Tuấn lưu giữ tại từ đường họ Đoàn; Đoàn Nguyễn Tuấn đã đọc và sáng tác 3 bài (một bài phú, hai bài thơ) ca ngợi “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (mà ít ai được biết cho tới ngày nay).

Bài phú:

- Phần phiên âm
Hữu Thái Thú Nguyễn hầu soạn tập
Từ đàn lệ ngữ
Duyên các Kiều tĩnh
Kiến kiếm bất kiến
Nhân thần hồ kỹ hỹ
Thái hoa nhưỡng mật
Tân khổ vi thùy
Thị phong khởi ngữ
Diệc lãnh đổ ngữ!

Dịch nghĩa:

Văn chương mỹ lệ
Duyên các Kiều tình
Thấy kiếm không thấy người
Thần thông tuyệt kỹ
Hái hoa gây mật
Cay đắng là ai
Gió dậy nên lời
Ghét ghen, lạnh nhạt.

Bài thơ 1: Phiên âm:

Hữu Hiếu liêm Đoàn Nguyễn hầu thi
Khinh hồng thiển lục kháp phương thần
Huề thủ nhàn tầm lộ mạch xuân
Điếu đổ dị sinh đồng diệu cảm
Hàm Kiều tu đối cách hoa nhân
Duyên liên thử tịch tam sinh hạnh
Tình tự xuân ti nhất lữ tân
Yên minh nhật tà qui khứ lộ
Thu ba do Tống mã đề Tần.

Dịch nghĩa:

Má hồng mắt biếc tuổi đương thì
Dắt díu đường xuân nhịp nhã đi
Cúi viếng người xưa lời cảm khái
Nghiêng chào khách lạ nụ cười e
Ba sinh duyên gặp trời dun dủi
Một mối tình vương đất chở che
Khói tỏa chiều tà chia lối bước
Thu ba vương vấn vó câu về.

Bài thơ 2: Phiên âm:
Hựu thể

Liễu Dương nhân khứ thệ bôi hàn
Tiểu kiếp phong trần giải kết nan
Khanh cố đa tài liên sở ngộ
Thiên giao thuần hiếu lịch chư gian!
Mông trung niêm cú trường tiên đoạn,
Nguyệt hạ sô ty lệ ám đàn
Thuyết đáo hàng phan quy mạnh hậu
Luận công ưng bất nhượng đăng đàn!

Dịch nghĩa:

Liễu Dương cách trở lạnh bôi thề
Chút nợ phong trần khó giải ghê!
Chàng vốn đa tình (duyên) lận đận
Thiếu ưng thuần hiếu (kiếp) ê chề
Nhón trong giấc mộng câu trường đoạn
Lựa khóc bên trăng giọt tái tê!
Nói tới cờ hàng thương mệnh bạc
Luận công chưa dễ để đời phê!

Sau 6 năm làm quan với Tây Sơn, năm 1794 nhân dịp sắp đi công cán vào kinh đô Phú Xuân, Đoàn Nguyễn Tuấn có làm bài thơ từ biệt bạn hữu:

Cầm thơ tẩu biến Bắc Nam trình
Hựu phụ công xa thướng đế kinh
Cảm hương úy đồ tranh tiệp bộ
Thúc tương tiểu nghệ khởi phù danh
Bôi trung thiên địa ky hoài khoát
Mã thủ giang sơn lão nhãn minh
Trịnh trọng liễu đình nhất hung thủ
Luận văn hậu hội thổ chu tình
(Giáp dần, mạnh thu, phụng chỉ nhập kinh đăng trình lưu biệt Bắc thành chư hữu).

Dịch xuôi:
Tháng 7 năm Giáp Dần (1794) phụng chỉ vào kinh lưu biệt với các bạn ở Bắc Thành trước khi lên đường:

“Mang đèn và sách đi khắp nẻo ở Bắc Nam
Lại ngồi xe công vào kinh đô
Đâu dám tranh bước trên con đường làm quan đáng sợ
Chỉ là mượn cái nghề mọn, chứ đâu dám làm nổi danh hão.
Nhìn trời đất trong chén rượu, lòng lữ khách được rộng mở
Ngắm non sông trước đầu ngựa, mắt già sáng ra
Trịnh trọng vẫy tay từ biệt nơi đình liễu
Hẹn vòng sau sẽ gặp lại nhau bàn chuyện văn chương”

Nguyễn Du với tâm trạng u uất, phẫn chí và bế tắc, đã họa lại bài thơ của Đoàn Nguyễn Tuấn:

Hoành Sơn chi Ngoại Lĩnh Nam trình
Cầm kiếm tương tùy thướng ngoại kinh
Thỏ tủy vị hoàn tôn đại dược
Báo bì nhưng lụy cựu phù danh
Thương minh thủy dẫn bội trung lục
Cố quốc thiềm tùy mãi hậu minh
Thử khứ gia huynh như kiến vấn
Cùng đồ bạch phát chính tinh tinh.

Dịch thơ:

Vào Nam đường ấy vượt non Hoành
Xách kiếm ôm cầm thẳng tới kinh
Tủy thỏ chưa thành thang đại dược
Da heo còn lụy cái phù danh
Bể khơi sóng gợn bầu pha biếc
Quê cũ trăng theo ngựa thắng bành
Bác gặp anh tôi như có hỏi
Tóc đầu đốm trắng chốn lênh đênh!

Như trên đã viết, Đoàn Nguyễn Tuấn sau khi đọc xong “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du đã viết một bài phú, 2 bài thơ khen nhà thơ thiên tài họ Nguyễn. Có thể những bài thơ trên của Đoàn Nguyễn Tuấn không được lưu hành rộng rãi như bài “Đề từ” của Phạm Quý Thích, vì 2 lẽ:

1. Sự đánh giá của hai ông chỉ nằm gọn trong bản thảo của gia đình, không ai dám in ấn phổ biến rộng rãi như bài của Phạm Quý Thích.
2. Đoàn Nguyễn Tuấn đã đến với Tây Sơn khá sớm, với tài năng, phẩm chất của ông, đã phục vụ nhà Tây Sơn đắc lực. Ông lại chỉ ra làm quan với Tây Sơn, không theo Lê - Trịnh và Nguyễn Gia Long, nên những bài thơ của ông có thể gần như thứ quốc cấm (vào thời Nguyễn).

Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, chúng tôi sưu tầm, giới thiệu những bài thơ họa giữa Đoàn Nguyễn Tuấn và Nguyễn Du mà hiện nay ít người biết tới. Hy vọng đây cũng là nén tâm nhang để tưởng nhớ tới đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa Việt Nam người con ưu tú của Xứ Nghệ.
Đặng Hùng – Nguyễn Tiến Đoàn
Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du
Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du

Tối 5/12, tại Quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới (1765 – 2015).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN