Tiến sĩ Bùi Phát Diệm, Giám đốc Bảo tàng Long An cho biết, có khoảng 40 di vật đặc biệt và hàng ngàn mảnh gốm các loại vừa được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ học tại di chỉ Gò Duối thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng (Long An). Các di vật vừa tìm thấy có niên đại ước tính khoảng 2.500 năm. Các chuyên gia Khảo cổ học của Bảo tàng Long An phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật trên diện tích 20m2 thuộc phạm vi di chỉ Gò Duối. Đoàn khảo cổ học đã tìm thấy 3 ngôi mộ của cư dân tiền sử, được chôn cùng đồ trang sức bằng đồng, thủy tinh và các công cụ sinh hoạt, lao động khác.
Trong đó, một chuỗi vòng tay bằng đồng gồm 18 cái, phản ánh thói quen sử dụng đồ trang sức của người tiền sử. Đây cũng là bằng chứng thể hiện ở thời kì này, xã hội đã có sự phân hóa đẳng cấp, giàu nghèo một cách rõ ràng (người càng giàu thì đeo càng nhiều đồ trang sức). Bên cạnh đồ đồng, một cái vòng tay bằng thủy tinh còn nguyên vẹn và nhiều mảnh vỡ tìm được, cho thấy kỹ thuật chế tác thủy tinh thời kì này đã đạt đến một trình độ nhất định.
Đáng chú nhất trong nhóm di vật công cụ lao động là một loạt các dọi se sợi (dụng cụ se chỉ) làm bằng đá, gốm chứng tỏ cư dân tiền sử đã biết đến kỹ thuật dệt vải. Ngoài ra, cuộc khai quật cũng đã thu thập được một số mảnh xương hàm, răng và sọ của người tiền sử còn tồn tại sau nhiều thế kỉ.
Theo ông Vương Thu Hồng, Phó giám đốc Bảo tàng Long An, di chỉ Gò Duối ở Long An là một trong số ít địa điểm chứa các di vật làm từ nhiều chất liệu khác nhau: từ đồ đá, đồng, sắt cho tới thủy tinh và gốm. Điều đó phản ánh bề dày văn hóa cũng như trình độ lao động, sản xuất của cư dân tiền sử ở Long An thời kì chuyển giao từ đồ đá sang đồ đồng.
Hiện nay Bảo tàng Long An đang tiến hành các bước thống kê, xác định niên đại cụ thể và lập hồ sơ khoa học cho từng di vật để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày trong thời gian tới.
Xuân Anh