Tiếng hát nơi chiến hào Điện Biên Phủ

Theo chân các đoàn quân đi chiến dịch, nhiều chàng trai cô gái tuổi chưa đầy đôi mươi đã cất cao tiếng hát bên tháp pháo, trong hầm sâu; cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Nơi chiến trường ác liệt không ngớt tiếng bom đạn Điện Biên Phủ, họ đã được sống một cuộc sống đầy ý nghĩa…

 

Mới 15 tuổi đang học lớp 7 trường Ngô Sĩ Liên ở Yên Thế, Bắc Giang, cô bé Trần Thị Ngà đã trúng tuyển vào Đoàn Văn công Tổng cục chính trị.

 

Chân dung bà Trần Thị Ngà.


Tháng 11/1953, đoàn văn công cả thảy hai mươi người, tuổi còn rất trẻ hành quân cùng Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 đi chiến dịch. Đoàn trưởng là Tư Phác, nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm phó đoàn. Cô bé Ngà khi ấy xinh xắn, tròn trịa, nhỏ tuổi nhất. Cùng đi với Đại đoàn 308 khi ấy còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, họa sỹ Mai Văn Hiến và nhiều văn nghệ sĩ khác. Lúc đó, chưa ai nghe nói gì đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ được phổ biến đi miền núi biểu diễn cho bộ đội.


Giống như bất cứ đơn vị hành quân nào lúc đó, đoàn văn công đêm đi, ngày nghỉ, tranh thủ dựng tiết mục, hoặc xuống các đơn vị khâu vá quần áo cho bộ đội. Xen giữa những cuộc hành quân, vào bất cứ lúc nào có thể, thậm chí chỉ là mười lăm phút giải lao cũng biểu diễn cho bộ đội xem.


“Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến”


Khi ấy, những bài hát về cải cách ruộng đất được biểu diễn nhiều như Em bé chăn trâu, Em bé Mường La, ca kịch về chị Nguyễn Thị Chiên. Những bài hát do bộ đội sáng tác cũng được anh chị em biểu diễn để tăng thêm khí thế, cổ vũ tinh thần văn hóa văn nghệ của các đơn vị. Trong đó không thể không nhắc đến bài “Nông dân là quân chủ lực”, “Thời cơ đến”.

 

Bà Trần Thị Ngà (thứ ba từ trái sang) và đoàn văn công Tổng Cục chính chào cờ ở sân cột cờ Hà Nội chiều ngày 10/10/1954 (ảnh tư liệu do bà Trần Thị Ngà cung cấp).


“Bài hát “Thời cơ đến” vần điệu dễ thuộc dễ nhớ, tuyên truyền thế nào thì hát nôm thế ấy, được phổ biến rộng”, bà Ngà kể. Rồi bằng chất giọng nhẹ, thanh, bà Ngà khẽ cất tiếng hát: “Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến/mặc trời mưa/mặc đường trơn/mặc đèo cao dốc đá/mặc hành quân mang nặng/ta cứ đi/ta vẫn vui/quyết mang chiến công về…/chúng ta nói/chúng ta làm/ Ta luôn ghi nhớ lời Bác/Không khi nào khinh địch chủ quan”. Hát xong, bà cười, nụ cười mềm mại duyên dáng vẫn có chút e lệ như cô dân công thuở nào.


Sau này, khi chiến dịch Trần Đình (bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ) được phổ biến, lúc chuyển phương châm từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, thắng chắc, bài hát “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được anh em rất thích và nhanh chóng được truyền đi. Về bài hát này, bà Ngà kể rằng, khi chiến lược thay đổi, anh em bộ đội thắc mắc nhiều lắm. Lúc ấy, một cán bộ có nói: Thắc mắc làm gì, đâu có giặc là ta cứ đi. Câu nói này đã hình thành tứ cho bài hát, và chỉ trong một đêm ông đã viết xong. Ngay sau đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận dạy cho anh em trong đoàn hát theo.

Những tháng năm dưới bầu trời Điện Biên làm nên những ký ức không thể quên trong cuộc đời nữ văn công Tổng cục chính trị Trần Thị Ngà.

“Chúng tôi biểu diễn cho bộ đội, dân công làm đường, biểu diễn cho thương binh. Gọi là biểu diễn cho oai chứ thực ra, tranh thủ lúc nào có thể thì hát, múa, đóng kịch. Hóa trang rất đơn giản, giấy màu làm son, vẽ mắt bằng nhọ nồi. Sau chiến thắng Him Lam, chúng tôi được cho một số trang phục của đồng bào Thái để múa xòe. Sân khấu biểu diễn lúc thì trong rừng, lúc dưới hầm. Có những lúc biểu diễn ngay trong lán chỉ huy, giữa điện đài, bàn ghế. Thậm chí tận dụng chỗ trống xoay nòng pháo 105 ly để biểu diễn, bộ đội từ các ngách của chiến hào ai biết thì tới xem. Có khi mỗi lần biểu diễn chỉ có vài người nghe. Chiến dịch mà”, bà Ngà kể.


Cũng có nhiều lần bà Ngà và anh chị em trong đoàn vào tận Mường Phăng biểu diễn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy xem. Tại đây, bà Ngà còn được xem cả sa bàn về chiến dịch bày dưới đất. Cũng chính bởi những lần biểu diễn ấy mà sau này bà Ngà đã chuyển sang làm biên tập âm nhạc ở Xưởng phim Quân đội, khi Đại tướng về thăm xưởng phim năm 1990, vẫn nhận ra cô văn công thuở nào. Lúc ấy Đại tướng đã nói cô lại gần để chụp ảnh cùng Đại tướng. Và trong khi cô còn đang ngượng nghịu, e thẹn, thì bức ảnh đã được chụp. Bây giờ xem bức ảnh ấy, bà Ngà vẫn còn thấy ngại ngùng, bởi lúc ấy đứng cạnh Đại tướng mà bà rụt rè quá.


Sau này, khi chiến dịch vào thời kỳ căng thẳng, văn công không thể đi sâu vào trong mà ở vòng ngoài, tham gia làm đường để phục vụ tải đường, chuyển gạo, giặt giũ quần áo trợ giúp thương binh. Đoàn văn công chỉ có ba người được vào mặt trận, nhạc sĩ Đỗ Nhuận (chơi đàn violon), Trần Ngọc Xương (accordion) và Nguyễn Tiến (thổi sáo).


Những câu chuyện dọc đường hành quân


Những tháng ngày nơi chiến trường Điện Biên dù ác liệt nhưng vẫn có nhiều chuyện vui và cảm động. Một lần, văn công biểu diễn phục vụ làm đường, có một đoàn dân công đi từ phía sau lên. Bất ngờ là trong đoàn dân công ấy có vợ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hai người cưới nhau được vài tháng thì Đỗ Nhuận lên đường đi chiến dịch, từ bấy đến giờ chưa gặp lại. Thế là cả đoàn vây quanh, nhảy hát “Rề son sí la”. Cuộc gặp ngắn ngủi, chỉ diễn ra chừng mười lăm phút thì đoàn dân công phải đi. “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người ít nói, thậm chí khô khan, ít khi biểu lộ tình cảm ra bên ngoài. Nhưng lúc ấy, ánh mắt đầy lưu luyến nhìn theo vợ”, bà Ngà nhớ lại.


Có lần, gặp đơn vị công binh phát động thi đua, đoàn văn công cùng với bộ đội đứng ở một khoảng đất trống trong rừng. Bỗng nhiên có tiếng máy bay xẹt qua, lúc đó khoảng 3 giờ chiều, anh cán bộ đang đọc báo cáo cho bộ đội giải tán, trong khi văn công không có lệnh gì là cứ đứng nguyên như thế. Ông đại đội trưởng lúc này giật lá cờ xuống, hô: “Văn công! Nghiêm tại chỗ”. Lúc ấy tất cả đoàn văn công còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì đã thấy lá cây trên đầu xào xạc. Cả đoàn ai nấy không giấu được lo lắng, nhỡ máy bay địch mà nhìn thấy… Nhưng rất may là không có chuyện gì xấu xảy ra, máy bay sau đó bỏ đi. Trong lúc mọi người còn đang bàng hoàng thì đại đội trưởng hô: “văn công, nghỉ tự do”. “Sau này mới biết, lúc ấy ông ấy cũng cuống lắm nhưng cứ hô thế, chứ để anh em chạy đi lung tung địch phát hiện ra thì chết”, bà Ngà kể.


Những tháng năm dưới bầu trời Điện Biên làm nên những ký ức không thể quên trong cuộc đời nữ văn công Tổng cục chính trị Trần Thị Ngà. Cũng giống như suốt những năm tháng sau đó, từ năm 1961 đến 1969 khi Bác Hồ mất, bà Ngà luôn được biểu diễn cho Bác Hồ mỗi khi có khách quốc tế đến thăm, hoặc được vào nhà sàn để hát, đọc báo cho Người nghe.

 

Bài và ảnh: Xuân Phong

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN