Số hóa tư liệu, hiện vật
Vào đầu tháng 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh cùng các đồng nghiệp ở Hà Nội đã tổ chức chuyến đi tham quan về Nghệ An. Ghé thăm Khu Di tích Kim Liên, ngoài tham quan, lần này thông qua màn hình chạm, chị Thanh có thể chọn những nội dung mà mình muốn tìm hiểu về Bác cũng như những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất này.
Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết: "Lần này, đến Khu Di tích Kim Liên, tham quan Nhà trưng bày hiện vật, chúng tôi thấy được bổ sung rất nhiều tư liệu. Đặc biệt, nhờ hệ thống số hóa này, chúng tôi có thể tự cập nhật những số liệu, hình ảnh, tư liệu tại đây. Tôi mong lần sau trở lại đây sẽ còn được cập nhật nhiều hơn nữa về tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên là nơi lưu giữ không gian văn hóa, lịch sử và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Người với hai cụm di tích chính quê nội - làng Sen và quê ngoại - Hoàng Trù. Bên cạnh đó, nơi đây còn nhiều cụm di tích thành phần là một phần minh chứng cho thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Bác Hồ. Sau hơn nửa thế kỷ đi vào hoạt động, hiện Khu Di tích đã sưu tầm và lưu giữ được hàng nghìn hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây đều là những di sản, những tài liệu hết sức quý giá để vừa phục vụ khách tham quan, vừa để làm tư liệu, nghiên cứu. Tuy nhiên, do những đặc thù riêng, thời gian qua, công tác bảo tồn ở đây gặp không ít khó khăn. Đơn vị phải vừa duy trì chế độ bảo quản thông thường, thủ công, kết hợp với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác bảo quản định kỳ chống xuống cấp di tích.
Từ năm 2019 đến nay, được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, công tác số hóa đã được Khu Di tích khẩn trương triển khai. Theo đó, đơn vị đã thực hiện việc chỉnh lý nội dung trưng bày, xây dựng dữ liệu trên trang thiết bị chuyên dùng. Đồng thời, số hóa trên 10.000 tài liệu, hiện vật bằng hình thức sao chụp, lưu trữ. Hiện đơn vị đang từng bước xây dựng hệ thống thuyết minh tự động để giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu các thông tin khi đến tham quan. Trước đó, để chuẩn bị cho kế hoạch này, tại nhà trưng bày của Khu Di tích, đơn vị đã đưa vào ứng dụng màn hình chạm để tất cả các du khách khi tham quan có thể tự tìm kiếm các nội dung thuyết minh liên quan đến hiện vật.
Ông Lâm Đình Hùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Khu Di tích Kim Liên cho biết: Đơn vị có hai trang website chính thức của Khu Di tích và hai trang mạng xã hội với lượt truy cập hơn 10.000 lượt/tháng. Nếu tìm hiểu về di tích, du khách ở xa có thể tìm hiểu di tích qua website hoặc các trang du lịch trực tuyến. Thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng công nghệ thiết kế ảo để việc tham quan di tích được chân thực và đa dạng hơn.
Bảo tàng Nghệ An cũng là nơi đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật và tài liệu có giá trị, trong có có những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Thực hiện số hóa, Bảo tàng Nghệ An đã đưa được trên 11.000 tài liệu hiện vật vào phần mềm của Cục Di sản văn hóa. Điều này, không chỉ thực hiện tốt công tác lưu giữ và mà còn xây dựng được một hệ thống tư liệu đồ sộ để giúp cho việc tìm kiếm, nghiên cứu được thuận lợi. Nhờ số hóa các tài liệu, hiện vật, Bảo tàng đã tổ chức được 4 trưng bày online; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” online về Văn hóa Đông Sơn tại Nghệ An qua ứng dụng Google meet cho học sinh nhiều trường học trong tỉnh và tạo được sự hứng thú. Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cũng đã vào phần mềm Quản lý hiện vật của Cục Di sản văn hóa hơn 4.000 hiện vật; scan 4.389 phim, ảnh và 300 bản tài liệu khoa học.
Ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An bày tỏ sự lạc quan khi đơn vị đang xây dựng kế hoạch bảo tàng thông minh, bảo tàng “ảo” trong tương lai gần. Theo ông Kiếm, trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số trong trưng bày và các hoạt động của bảo tàng sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ. Bằng cách trưng bày online, kho mở online sẽ giúp cho việc quảng bá hình ảnh bảo tàng nhanh chóng thông qua mạng internet. Tuy nhiên, để làm được điều này, Bảo tàng Nghệ An còn có khá nhiều công việc phải làm như: xây dựng hệ thống dữ liệu khoa học về tất cả các hiện vật, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, số hóa 3D các hiện vật tiêu biểu để tạo nên sự sinh động và đa dạng.
Quảng bá các giá trị văn hóa trên không gian mạng
Phát huy giá trị của số hóa và chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá du lịch, thị xã Hoàng Mai đã thí điểm việc quét mã QR để du khách có thể tìm hiểu các thông tin về di tích một cách thuận lợi hơn. Du khách đến với Di tích đền Cờn chủ yếu là để thắp hương, vãn cảnh. Do vậy, việc duy trì các thuyết minh viên ở khu di tích là không phù hợp và khó để thực hiện vì nhân lực không đủ. Giờ đây, chỉ cần có điện thoại thông minh và kết nối mạng, du khách thực hiện thao tác đơn giản là có thể liên kết được với website của thị xã Hoàng Mai để tìm hiểu về lịch sử và tất cả các thông tin liên quan đến quần thể di tích này.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hoàng Mai chia sẻ: Trong năm 2022, thị xã sẽ số hóa toàn bộ các tài liệu, hiện vật và ứng dụng công nghệ thông tin để có thể quảng bá các giá trị văn hóa trên không gian mạng. Đồng thời, có thể kết nối với tất cả các di tích, danh thắng và các điểm đến du lịch khác trên toàn thị xã để du khách có thể dễ dàng lựa chọn các điểm đến thích hợp.
Nghệ An hiện có hơn 2.600 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 471 di tích đã được xếp hạng. Ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác số hóa toàn diện, trong đó chú trọng đến số hóa di tích, danh thắng và các tư liệu liên quan đến di tích đó là các tư liệu hán nôm như thần tích, thần phả, sắc phong, gia phả… Từ năm 2017 đến nay, Sở đã tổ chức số hóa 16/21 địa phương với tổng số trên 70.500 trang tư liệu liên quan các di tích trên địa bàn.
Xác định phát huy giá trị di tích không những đưa ra các giải pháp bảo tồn mà còn gắn với phát huy giá trị, quảng bá di tích tạo động lực cho phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Dự kiến đến năm 2023, các di tích danh thắng đã được xếp hạng sẽ được số hóa và giới thiệu quảng bá trên không gian mạng, trong đó ưu tiên các di tích trọng điểm có giá trị và có tiềm năng phát triển du lịch. Đến năm 2025, toàn bộ di tích đã được kiểm kê trên địa bàn sẽ được số hóa và nhận diện để tạo một cơ sở dữ liệu phát triển bền vững.
Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết: Vấn đề số hóa và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và bắt buộc ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là ở lĩnh vực di sản văn hóa. Đây cũng là việc làm tích cực trong việc phát triển các di tích, di sản văn hóa và góp phần quảng bá và phát huy hiệu quả hơn nữa vấn đề văn hóa di sản, nhất là sắp tới Nghệ An xây dựng đề án phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch.Để đạt mục tiêu trên, ngành tập trung vào các nội dung như ban hành được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản và ứng dụng công nghệ số hóa thông tin trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ, viên chức đang làm việc ở lĩnh vực di sản. Ngành tăng cường hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu, đặc biệt có sử dụng dữ liệu quốc gia, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa và tiếp tục tham mưu đề xuất để bổ sung nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để việc số hóa và chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu đã đề ra.