Thư viện lưu động - Hành trình đưa sách về nông thôn

Là một trong 40 tỉnh, thành phố thực hiện Dự án xe ô tô lưu động đa phương tiện, hơn một năm qua, những chuyến xe mang tên “Ánh sáng tri thức” của tỉnh Thái Bình đã đến nhiều trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn, mang hàng nghìn đầu sách đến với học sinh vùng nông thôn - nơi còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với sách.

Đây là mô hình thư viện mở, thân thiện, gần gũi, góp phần vào việc hình thành thói quen đọc sách trong mỗi học sinh.

Chú thích ảnh
Các cán bộ Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh Thái Bình chuẩn bị mang hàng nghìn đầu sách đến với các em học sinh trường Tiểu học An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Trong những ngày tháng 4/2021, cùng với nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam tại Thái Bình, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh đến nhiều trường học ở Thái Bình trên hành trình có tên gọi “Ánh sáng tri thức”. Đây là chương trình nằm trong Dự án xe ô tô lưu động đa phương tiện do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai tại Thái Bình từ năm 2019, trong đó mỗi xe được trang bị khoảng 3.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, thể loại, phù hợp với nhiều đối tượng phục vụ.

Đối với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, hình ảnh ô tô lưu động “Ánh sáng tri thức” đưa sách về các vùng nông thôn đã trở nên quen thuộc. Đúng như tên gọi của nó, mỗi chuyến xe đến với các trường học mang theo những cuốn sách hay, giá trị, bổ ích và luôn được các em háo hức đón đợi. Em Nguyễn Tâm Đan, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học An Đồng, huyện Quỳnh Phụ chia sẻ, ở vùng nông thôn không đa dạng các đầu sách như ở thành thị, nhất là những sách mới xuất bản. Vì vậy, khi thư viện lưu động về tới trường học, em và nhiều bạn đều rất thích vì được đọc nhiều cuốn sách hay, học hỏi được thêm nhiều bài học cuộc sống ngoài sách giáo khoa.

So với mô hình thư viện truyền thống, điểm khác biệt của mô hình này là cách thức phục vụ linh hoạt, học sinh có thể đọc sách ngay tại trường trong một không gian mở cùng với các trò chơi, giúp các em phát triển sự sáng tạo và niềm yêu thích đọc sách. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng Vũ Thị Mùa, với số lượng các đầu sách thường có tại thư viện trường học và các tủ sách phụ huynh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về sách của hơn 520 học sinh nhà trường. Mô hình thư viện lưu động là mô hình mới giúp các em tiếp cận tích cực hơn với sách, qua đó dần hình thành thói quen đọc sách trong trường học.

Ông Nguyễn Văn Kết, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Quỳnh Phụ cho biết, Thư viện huyện hiện có khoảng 12.000 đầu sách phục vụ đa dạng đối tượng độc giả, trong đó có 3.000 sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Đây là khối lượng còn quá ít so với nhu cầu thực tế của trẻ, nhất là vào các đợt cao điểm phục vụ nhu cầu dạy học, Thư viện huyện còn cho các trường học mượn 300 - 400 đầu sách. Vì vậy, mô hình thư viện lưu động là cách làm hay, đưa sách đến gần nhất với học sinh nông thôn, giúp khắc phục khó khăn của hệ thống thư viện cơ sở.

Triển khai được hơn một năm với nhiều khó khăn, trong đó có ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng những hành trình “Ánh sáng tri thức” đã đi đến gần 30 trường học trên địa bàn Thái Bình, phục vụ trên 13.000 độc giả “nhí”. Mô hình đã nhận được sự hưởng ứng và tích cực tham gia của nhiều trường học. Thầy giáo Đỗ Đình Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Hội, huyện Vũ Thư đánh giá, thông qua mô hình thư viện lưu động, các em có cơ hội được tiếp cận với đầu sách mới, góp phần bổ sung kiến thức. Đồng thời, mô hình thư viện mở giúp các em có sân chơi mới, bổ ích hơn.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chọn sách từ thư viện lưu động. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo ông Phạm Tấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh Thái Bình, ngoài 3.000 đầu sách, trên mỗi xe ô tô thư viện lưu động còn được lắp đặt 6 máy tính kết nối với 1 máy chủ, giúp các em có thể trải nghiệm với một số phần mềm giáo dục trí tuệ, kỹ năng sống cơ bản. Riêng trong tháng 4/2021, dự kiến Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh sẽ thực hiện thư viện lưu động tại 14 trường Tiểu học, Trung học cơ sở ở các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Đông Hưng, Vũ Thư.

Để mỗi chuyến xe “Ánh sáng tri thức” lan tỏa niềm đam mê với sách đến đông đảo học sinh, các cán bộ thư viện tỉnh luôn đổi mới cách dẫn dắt, tìm kiếm các trò chơi vừa gần gũi, vừa sáng tạo nhằm kết nối, tạo sự thu hút đối với học sinh. Qua đó, các em yêu thích sách hơn và dần dần hình thành thói quen đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, nhằm phát huy hiệu quả của mô hình thư viện lưu động, năm 2021 Thái Bình đổi mới nhiều nội dung như lồng ghép giữa đọc sách với các phương pháp giáo dục STEM (tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học), sau phần đọc sách sẽ có các câu hỏi đố vui, hoặc kể về câu chuyện các học sinh lĩnh hội được sau khi đọc sách…

Không chỉ dừng lại ở khối trường học, mục tiêu hành trình “Ánh sáng tri thức” hướng đến là đưa sách đến từng thôn, làng để giúp người dân nông thôn tiếp cận nhiều hơn với sách, qua đó hình thành và lan tỏa giá trị văn hóa đọc trong cộng đồng. Vì vậy, để “nối dài” những chuyến xe thư viện lưu động rất cần sự chung tay tiếp sức của xã hội, tạo nguồn lực đầu tư làm đa dạng hơn nữa nguồn sách, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Thu Hoài (TTXVN)
Nhiều hoạt động sôi nổi nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ 8
Nhiều hoạt động sôi nổi nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ 8

Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trên cả nước sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi nhân dịp Ngày sách Việt Nam lần thứ 8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN