“Thời tôi sống”, viết để trả nợ người...

Đọc “Thời tôi sống” chợt nghe lòng mình như cuộn chảy nỗi niềm, thoáng nghĩ nghiệp văn chương đúng là cái nghiệp đời, một khi đã bám dính vào ai thì khó gỡ ra được. Nhưng có những con người dám chấp nhận cái nghiệp đời đó, trong đó có nhà văn Võ Bá Cường (ảnh).


Với ông, sau hàng chục tác phẩm trình làng, được bạn đọc khen chê đánh giá nhiều chiều, đến “Thời tôi sống” (NXB Hội Nhà văn Việt Nam), tôi tin rằng bút lực của Võ Bá Cường thể hiện rõ ông là một nhà văn theo đúng nghĩa.


Hồi kí “Thời tôi sống ” của nhà văn Võ Bá Cường được chia làm 3 phần. Phần đầu là sự hồ hởi, háo hức của chàng thanh niên – nhà giáo trẻ Võ Bá Cường ra huyện đảo Vân Đồn với biết bao trải nghiệm về nhân tình, thế thái của đời người xa gia đình, xa bạn bè, ở nơi bốn bề là biển cả. Phần hai là thời kì ông trở về cố hương gia nhập làng văn tại cơ quan Hội VHNT tỉnh Thái Bình. Đây là thời kì ông phải lo toan cơm áo gạo tiền cho anh em ở trong Hội, với chức danh “Ông chánh” văn phòng Hội.


Nhưng có lẽ sống động và tâm huyết nhất là phần thứ ba, đó là khi “cái nghèo đeo đuổi”. Nhưng ông vẫn dấn thân vào với nghiệp văn chương, đi khắp chân trời góc biển. Khi ở rừng núi, lúc ở đồng bằng… tìm hiểu và viết, viết để trả nợ đời, trả nợ tình người nơi ông đã đi qua và ông viết để khẳng định mình.


Khởi đầu của cuốn hồi kí là kí ức về “Thím năm Coỏng và phố cụt cái rồng”. Càng đọc càng thấy hấp dẫn bởi cách kể chuyện sinh động, lôi cuốn, giàu hình ảnh, gây cảm xúc: “Phố cụt cái rồng, hai bên là những gian nhà ghép gỗ hai tầng, chật hẹp, lụp xụp, lợp ngói máng. Có chiếc cầu thang bé tí tẹo. Bàn chân người đặt lên phát ra tiếng cót két. Nước lên thường lùa vào tận nhà” và “lúc dạo phố thú nhất nghe tiếng nước chảy róc rách vào ang từ sườn núi cao đổ xuống, theo máng tre bắc từ rừng vào từng gian bếp nồng nặc khói”. Quả là sự quan sát tinh tế có chiều sâu của nhà văn đối với phố thị cái rồng – thủ phủ huyện đảo Vân Đồn vào những ngày cuối năm của thập kỉ 60, khi Tết đến xuân về.



Năm 1957, mới 17 tuổi, anh giáo trẻ Võ Bá Cường ra đảo. Năm 1960 được điều về làm cán bộ văn hóa huyện, năm 1965 vào Đảng. Đến năm 1971 được đề bạt làm trưởng phòng văn hóa. Gần 15 năm sống với sóng gió biển đảo Vân Đồn và với “sóng gió trần đời” khắc nghiệt, biết bao buồn vui, thăng trầm; với những lần say sóng, say tình người ở nơi xa quê hương, mà mỗi khi xuân về “hoa đào đỏ từ sườn núi xuống bạt ngàn, cây đào chiếm đất sát ra mép biển, đào nở trong vườn… núi đá trên mặt vịnh Bái Tử Long thấp thoáng có bóng đào lẫn trong bụi cỏ ràng răng” và “chập chờn với sóng một đêm, sáng ra thấy mọi người bảo nhau: “Sáng qua Cống Đông suýt chết vì cơn gió mé, may mà không gãy cột buồm” (Ra đảo). Kỉ niệm đời người ai dễ quên nhưng để viết lại thành những dòng hồi kí như Võ Bá Cường trong cuốn sách này thì đâu phải ai cũng làm được.


Ngôn từ trong từng bài viết của Võ Bá Cường rất riêng biệt, thể hiện rõ sự hiểu biết về ngôn ngữ của người dân biển: “Nước vỗ sàn sạt vào khe đá, chèo khua bùm bũm va nhau. Thuyền nối đuôi chen nhau đen thui như trâu lùa vào bãi” và “Tiếng chèo khoáy nước, thuyền như đứng lại. Nước từ Cống Đông lùa ra đẩy ngược lại, nước ngược chèo quanh”. Bây giờ tôi mới hiểu và thật sâu sắc, tinh tế khi anh viết: “Cây cột buồm gỗ gụ trên tán cột, tiện núm tròn quả găng! Người Cú Sú Chảy mỗi khi nhìn thấy thuyền ấy gọi là “Pặc xường”. Đúng là thuyền quan lạn đất Vân Đồn nó khác với thuyền Cát Hải, đỉnh cột tán bẹt như một cái đĩa sắt” (Vào đảng).


Võ Bá Cường hồi hương khi quê lúa đang cần những người làm công tác sáng tác văn học nghệ thuật. Chuyện làng văn đất quê lúa không bao giờ thiếu những buồn vui, những bi kịch tréo ngoe. Dù đã là “Ông chánh” văn phòng Hội nhưng gặp phải những cảnh cười ra nước mắt bởi khi đó anh còn “sáng tác chui”; chưa được giới cầm bút địa phương liệt vào đội ngũ các “văn nhân tôn quý”, anh làm đủ các loại việc: “Tôi hiểu ý các anh và được giao cho chở gạch, tôi vôi, xây nhà, lợp hố xí, đào hố rác. Lúc liên hoan họ gọi: “Ông Cường ơi, ông ôm rơm về thui chó”, lúc ăn miếng dồi không ngon họ bảo: “Ông Cường quên lá mơ lông”. Ngay cả việc hố xí tập thể bẩn, mất vệ sinh thì người ta cũng khoác lên vai ông: “Việc này là của ông Cường. Anh em sáng tác không có thì giờ để bàn cãi” (Về quê).


Không phải lúc nào Võ Bá Cường cũng lạc quan, vui vẻ sống, chấp nhận cuộc đời xô đẩy để sống. Phải về hưu ở cái tuổi “ trẻ chưa qua, già chưa tới”, ông cũng day dứt nỗi lòng trước cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy thế ông vẫn không bỏ được nghiệp sáng tác. Thời kì này ông làm rất nhiều thơ. Sau chuyển sang viết văn xuôi. Vốn là người xông xáo, chịu đi, chịu săn tìm tư liệu, vì thế khi có chuyện của nông dân Quỳnh Hoa đòi hỏi sự công bằng (Cứt cá lá rau – tr 273) ông đã xuống tận nơi để tìm hiểu và tiểu thuyết “Ở làng lắm chuyện” ra đời, đã gây được tiếng vang trong làng văn và được bạn đọc đánh giá cao. Cứ thế cái nghiệp bút – nghiệp đời đã đun đẩy cái duyên cho ông được gặp gỡ các vị lãnh đạo có tên tuổi của Trung ương và địa phương: Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Ngọc Trìu, tướng Trần Độ…

 
Sau khi tướng Trần Độ qua đời, Võ Bá Cường quyết tâm tìm hiểu về cuộc đời của tướng Trần Độ. Ông lăn lộn khắp nơi từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi tới miền ngược, để gặp những người bạn từng quen biết, chiến đấu với tướng Độ để lấy thông tin. Sau 6 – 7 năm đôn đáo ngược xuôi, cuối cùng tác phẩm “Chuyện tướng Độ” cũng ra mắt bạn đọc. Cuốn sách được tái bản nhiều lần, bạn đọc có người khen, chê; nhưng xét cho cùng đó cũng là tâm huyết, là nén nhang mà người viết tỏ tấm lòng thẳng thắn của mình tri ân, cảm phục tướng Trần Độ. Viết về tướng Độ thật khó, ngay chính Võ Bá Cường cũng phải thừa nhận: “Ông tướng (Trần Độ) là một chất liệu nghệ thuật quý và hiếm để trở thành nhân vật của dân; chỉ tiếc người viết như tôi không đủ “tài” và “tầm” để dựng lại nhân vật lịch sử đó (Rét lộc –tr 332). Nhưng dù sao “Chuyện tướng Độ” cũng là một thành công của nhà văn Võ Bá Cường, thành công của cây bút có tâm với đời, với nhân vật mà ông luôn kính trọng.


Có lẽ ông trời gắn cho Võ Bá Cường cái số phải luôn luôn “thiên di” nên ít khi thấy ông ngồi một chỗ. Sau “tướng Độ”, ông lặn lội đi tìm hiểu về Nguyễn Hữu Đang, một nhân vật mà tên tuổi đã gắn liền với Đại lễ Quốc khánh 2/9/1945. Ông muốn làm sáng tỏ để minh oan cho nhân vật đáng kính này. Không chỉ có vậy, được sự giúp đỡ của Bộ Công an, Võ Bá Cường đã đi hầu khắp các trại giam từ Quảng Ninh đến Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An rồi đến rừng tràm U Minh, sau đó quay về tìm Út Nhân – ông giám thị “cơm nhà áo vợ” nhưng ông đã nhìn ra Út Nhân là một con người rất nhân văn, rất đổi mới trong việc cải tạo, giáo dục phạm nhân: “Tôi nói với mấy đứa dưới quyền mình: “Cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền đâu phải thay máu cộng sản cho họ; mình phải làm cho họ tin mình, yêu mình, đi theo mình (Chuyện khó nói – tr 367).


Ông đi Lũng Cú, Hà Giang tìm tới vùng “chảo lửa”, vào Nghệ An, Thanh Hóa, theo chân những người lính chống ma túy ở Điện Biên, Lai Châu. Cuộc đời của người cầm bút thật gian nan nhưng ông không nản chí vì ông hiểu rõ công việc mình làm và cần phải làm. Ông vẫn đi và viết, như thể không đi, không viết được thì có lẽ ông không thể sống.


Tuy vậy, “Thời tôi sống” không phải là không có những vết sạn. Ở một số bài viết đôi khi tác giả quá ham với “đống” tư liệu ngồn ngộn của mình mà mắc phải lối viết dàn trải kéo dài… làm cho người đọc bị phân tâm, đôi khi khó hiểu. Nhưng “Thời tôi sống” là cả một không gian, thời gian năm tháng đầy tâm huyết mà tác giả đã từng trải với đời, với chính mình; nên tác phẩm đã đạt được giá trị cao về nội dung, về phương pháp viết. Nhà văn Võ Bá Cường quả không hổ với lời đề tặng của nhà Hán học Nguyễn Tiến Đoàn: “Nhà thơ là người của những chân trời”.



Đặng Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN