Tối 16/6, tại Khu
di sản Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) lễ đón Bằng công nhận Di sản
văn hóa thế giới đã diễn ra trọng thể theo theo nghi thức quốc gia.
Đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các
cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế đã tới dự và chúc mừng sự kiện văn hóa trọng
đại này.
Tại buổi lễ, ông
Eric Falt - Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp
Quốc (UNESCO) đã trân trọng trao Bằng Công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa
thế giới tặng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân
tỉnh Thanh Hóa.
Thành Nhà Hồ, (hay
còn gọi là Thành Tây Đô, Thành An Tôn, Thành Tây Kinh hay Thành Tây Giai) là
kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận huyện
Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Đây là tòa thành
kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá
trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những
thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn,
chỉ khoảng ba tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã
tồn tại hơn sáu thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này vẫn còn tương đối
nguyên vẹn.
Ngày 27/6/2011, sau
6 năm đệ trình hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa
thế giới.
Phát biểu tại buổi
lễ, chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, với việc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới,
Thành Nhà Hồ từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Đây là niềm vui,
niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa và toàn dân tộc. Di sản văn hóa thế giới
Thành Nhà Hồ cùng với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác được thế giới
công nhận, sẽ tô đậm thêm nền văn hiến ngàn năm hết sức phong phú của dân tộc
Việt Nam; góp phần để bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước, con người Việt
Nam, mở ra triển vọng, cơ hội mới cho phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa Việt
Nam.
Chủ tịch Quốc hội
khẳng định, đây là cơ hội để chúng ta gìn giữ, phát huy tốt hơn nữa những giá
trị của di sản; đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm túc trong
việc bảo tồn, phát huy theo Luật Di sản của Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo
vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Sự kiện này cũng đòi hỏi công tác
nghiên cứu, làm rõ thêm các giá trị của công trình, hiện vật còn nằm trong lòng
đất; thực hiện tốt những cam kết với UNESCO về các biện pháp bảo tồn và phát
huy các giá trị di sản.
Buổi lễ được tổ chức
hoành tráng với nhiều chương trình nghệ thuật sân khấu hóa nhằm tôn vinh những
giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ với chủ đề
“Thành Nhà Hồ - Niềm tự hào đất Việt”.
Được biết, để chào
đón sự sự kiện văn hóa thế giới này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt
động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mà tiêu biểu là “Hội chợ quê” với quy mô 100
gian hàng nhằm giới thiệu, bán sản phẩm lưu niệm, đặc sản, ẩm thực, liên hoan
trò diễn dân gian thời Trần – Hồ, tổ chức các phòng trưng bày hiện vật, tranh ảnh,
sách báo liên quan đến Thành nhà Hồ, Vương triều Hồ. Nhân dịp này, cũng diễn ra
Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ 14, Liên hoan trò diễn dân
gian thời Trần - Hồ; cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Thành Nhà Hồ”...Ban tổ chức cũng
tổ chức chương trình tour cho du khách gồm tour hành trình về với kinh đô
(Thành Nhà Hồ - Lam Kinh) và "Bất ngờ Cẩm Lương" (Thành Nhà Hồ - Cẩm
Lương) nhân sự kiện này./.
Quang Vũ