Chủ đề trang trí năm nay tập trung vào hai nội dung lớn: “Hà Nội hội nhập và phát triển” và “Hà Nội mừng Đảng, mừng Xuân”. Theo đó, hình thức thiết kế sẽ hướng đến việc trang trí tổng thể các khu vực, tuyến đường nhân các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô (gồm trang trí các diện bề mặt công trình kiến trúc, cây xanh, vỉa hè, điện chiếu sáng, các dải phân cách…); trang trí các cụm mô hình biểu tượng, cụm cờ và các hình thức khác.
Phố phường Hà Nội được trang hoàng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Ảnh: Xuân Cường |
Vị trí trang trí tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng đài Lý Thái Tổ, đảo giao thông trước Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, vòng xuyến trước Trung tâm hội nghị quốc gia, các tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Thanh Niên, Kim Mã… các cửa ngõ, các cây cầu lớn của Thủ đô.
Các hình thức thiết kế phải tạo được điểm nhấn, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, chứa đựng ý tưởng sáng tạo và phù hợp với xu hướng trang trí hiện đại. Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thiết kế phải có tính khả thi cao để có thể đưa vào sử dụng trên các tuyến đường của Hà Nội, ưu tiên những phương án ứng dụng công nghệ mới, sử dụng vật liệu phù hợp, có màu sắc trang nhã, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường và an toàn.
Thời gian nhận tác phẩm đợt 1 từ ngày 26 đến ngày 30/3/2017, đợt 2 từ ngày 28 đến 30/8/2017.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, những năm trước công tác trang trí đường phố Thủ đô thường rườm rà, lòe loẹt, không có ngôn ngữ cụ thể, nhiều thiết kế không hài hòa với không gian. Tuy vậy, hai năm gần đây, thiết kế đường phố đã có nhiều chuyển biến tốt, có hơi thở hiện đại, có bố cục, màu sắc, hình khối, đẹp cả ban đêm lẫn ban ngày. Cuộc vận động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lần này tiếp tục tìm kiếm những thiết kế đẹp và ấn tượng để trang trí thành phố.