Nhân vật chính của chương trình là CEO Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam.
Khách mời chuyên gia là ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc CTS-Trung tâm Khoa học Tư duy- Bộ KH&CN.
Host chương trình là ông Robert Trần - Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương.
CEO đồng hành gồm: Ông Kiều Văn Đức, CEO Founder - Công ty TNHH 4P Media; bà Lê Thị Dung, Giám đốc Công ty Đào tạo phát triển nguồn nhân lực Dgroup; bà Phạm Bích Thủy, CEO Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Đống Đa.
CEO Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, kể:
“Đối với công nghệ, có thể bạn đủ giỏi để tạo ra sản phẩm theo nhu cầu thị trường hiện tại. Nhưng trong tương lai chỉ một chút chậm chân, bạn sẽ trở nên “lỗi thời” và sẽ phải trả giá.
Là một học sinh chuyên Lý, từng đạt nhiều giải thưởng quốc gia; tôi chọn học Bách khoa để theo đuổi niềm đam mê công nghệ. Vừa học, tôi vừa làm thêm trong một tập đoàn công nghệ lớn. Được học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và quy trình sản xuất, từ làm phần mềm đến xây dựng phần cứng... đã nhen lên trong tôi ước mơ có một doanh nghiệp riêng với những sản phẩm công nghệ vượt trội.
Chưa kịp làm gì cho ước mơ của mình, thì công ty của bố mẹ tôi gặp khó khăn. Tôi quay về giúp gia đình, vừa tranh thủ tích luỹ thêm kiến thức kinh doanh và quản trị. Hơn 1 năm sau, khi công ty của gia đình ổn định trở lại, tôi tiếp tục con đường của riêng mình.
Năm 2007, phần mềm hỗ trợ học trực tuyến E-learning của tôi cùng nhóm nghiên cứu đoạt giải nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt. Đó thực sự là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy tôi tự tin vững bước trên con đường công nghệ.
Năm 2009, tôi cùng 2 thành viên trong nhóm thành lập công ty. Vừa khi công nghệ 3G làm bùng nổ nhu cầu liên hệ trực tuyến, kéo theo các trạm BTS gia tăng đột biến; làm phát sinh nạn thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự kiểm soát chất lượng, vận hành hệ thống. Nhanh chóng nhận ra cơ hội thị trường, chúng tôi quyết định nghiên cứu, sản xuất thiết bị truyền video qua mạng 3G, và thiết bị hỗ trợ giám sát trạm BTS.
Dồn vốn, vay thêm tiền, chúng tôi quyết tâm “đánh” một cú lớn. Chuyên môn vững, nên ngay năm đầu tiên chúng tôi đã hoàn thành xong phần mềm. Thậm chí còn dư năng lực để nhận thêm nhiều đơn hàng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý thu chi.
Vậy nhưng, với phần cứng thì chúng tôi bị mắc kẹt do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn non yếu. Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn khi tìm kiếm nguyên liệu sản xuất. Vì thế, chúng tôi phải mất thêm 2 năm mới hoàn thiện xong phần cứng… để rồi nhận được kết quả hết sức bất ngờ!
Năm 2012, sau bao khó khăn vất vả, khi thiết bị truyền video qua 3G của chúng tôi chính thức xuất xưởng, thì mạng 4G đã ra thị trường. Sản phẩm 3G của chúng tôi vừa ra đời trở nên lỗi thời. Thay vì hái quả, chúng tôi nhận nguyên thùng nước đá. Chưa hết, thiết bị hỗ trợ giám sát trạm BTS của chúng tôi cũng chậm mất sau 3 năm, không còn hấp dẫn các nhà mạng vì họ đã sớm tìm được công nghệ thay thế. Vậy là chúng tôi như trở thành người “tiền sử”.
Ba năm trời lao tâm khổ tứ với bao tâm huyết, trí tuệ tiền bạc đã bỏ ra. Không lẽ tất cả sẽ trôi ra sông ra biển. Lẽ nào đứa con công nghệ của chúng tôi sẽ trở thành “đống sắt vụn”?
Tôi đau xót, sợ hãi. Làm thế nào bây giờ? Bỏ cuộc thì sẽ mất hết. Mất bao thời gian, công sức, tiền bạc đã bỏ ra, mất những anh em đã tin tưởng đi theo mình 3 năm qua. Và điều đáng sợ nhất là sẽ mất phương hướng.
Còn đi tiếp thì phải nhanh chóng nâng cấp sản phẩm. Nhưng đào đâu ra tiền bây giờ? 3 năm qua chúng tôi đã dốc sạch mọi vốn liếng, đã vay mượn hết mọi cửa rồi. Chưa kể, trong thời buổi công nghệ cạnh tranh và phát triển như vũ bão này, rủi ro “lỗi thời” vẫn luôn rình rập, liệu còn ai chấp nhận đồng hành với tôi?
Lẽ nào tôi đang theo đuổi giấc mơ bong bóng?"
Trong hoàn cảnh này, CEO sẽ đi tiếp bằng con đường nào? Câu trả lời sẽ có trong chương trình.
Trailer chương trình: