Phú Thọ: Hoành tráng đêm Lễ hội dân gian đường phố

Trong khuôn khổ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng Mậu Tuất 2018, tối 21/4 (tức ngày 6/3 Âm lịch), tại sân khấu quảng trường công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng Mậu Tuất 2018 tổ chức Lễ hội dân gian đường phố.

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật "Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương". Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Đây là một trong những hoạt động mang đậm nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo của các dân tộc, vùng miền và ngành nghề với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Văn Vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, Lễ hội văn hóa dân gian đường phố là một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng cao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân thành phố và du khách. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong tổ chức lễ hội, năm nay, thành phố Việt Trì đã đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực huy động sự tham gia, vào cuộc của nhân dân, qua đó phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời nâng cao trách nhiệm, ý thức của mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, góp phần xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc…

Đây là năm đầu tiên Việt Trì tổ chức hội thi trình diễn mô hình cấp thành phố để lựa chọn những mô hình tiêu biểu, đặc sắc tham gia trình diễn tại Lễ hội văn hóa dân gian đường phố. Sau khi phát động đã huy động sự đóng góp, ủng hộ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Ngoài 23/23 xã, phường, thị trấn còn thu hút 22 khu dân cư trên địa bàn thành phố tham gia. Mỗi mô hình mang một chủ đề, ý nghĩa riêng biệt, tạo nên sự đa dạng, phong phú và tăng thêm sức hấp dẫn của lễ hội.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng phòng Văn hóa thành phố Việt Trì cho biết, năm nay, ngoài 23 đoàn văn hóa dân gian của 23 phường, xã trên địa bàn thành phố Việt Trì còn có sự tham gia của 9 đoàn văn hóa dân gian đến từ 9 huyện trong tỉnh với tổng số gần 3.000 người. Mỗi huyện sẽ lựa chọn những nét văn hóa đặc sắc của địa phương mình, luyện tập để trình diễn tại lễ hội, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của miền đất Tổ.

Anh Lý Văn Thu, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn cho biết: “Tại Lễ hội văn hóa dân gian đường phố lần này, chúng tôi tham gia với tiết mục múa Lập Tĩnh - một nghi lễ bắt buộc trong lễ cấp sắc đối với đàn ông người dân tộc Dao. Vinh dự đại diện cho người dân địa phương đem những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến trình diễn tại lễ hội, chúng tôi ai nấy đều rất phấn khởi và tự hào".

Sau khi kết thúc Lễ hội dân gian đường phố là chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội - đất Tổ Hùng Vương" mở đầu cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2018. 

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng và hơn 320 diễn viên đến từ đoàn nghệ thuật các tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây cũng là một trong những chương trình được dàn dựng theo hình thức ca - múa - nhạc tổng hợp nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ, trong đó nổi bật là 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và hát Xoan Phú Thọ.

Sau chương trình nghệ thuật là màn trình diễn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút tại bờ hồ công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Sẵn sàng cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018
Sẵn sàng cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 sắp chính thức khai hội. Đến sáng 20/4, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, hoạt động bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đã hoàn tất, sẵn sàng đón đồng bào, du khách về với đất Tổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN