“Vòng phấn Kavkaz” chính thức lên sân khấu tối 17/9, sau đêm tổng duyệt 16/9, với đông nghẹt khán giả trong khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ.
Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: Viện Goethe cung cấp. |
Tình yêu sẽ chiến thắng lòng tham
Sân khấu mở ra, đưa người xem về với thế kỷ 19, với không gian xam xám, ít màu sắc rất đặc trưng của kịch Bertolt Brecht. Phiên tòa xử quyền nuôi dưỡng đứa trẻ giữa cô hầu nghèo nhân hậu Grusche và Tổng trấn phu nhân nhẫn tâm và tham lam. Trong khi Tổng trấn phu nhân lu loa gào khóc đòi quyền nuôi đứa bé mà chính bà ta đã nhẫn tâm bỏ rơi nhiều năm về trước và liên tục rải tiền cho quan tòa để hối lộ nhằm mong phiên tòa xử có lợi cho mình, thì Grusche- cô hầu nhân hậu nhưng cũng không kém phần quyết liệt lại chỉ biết nói ra những điều chân thành nhất, từ trái tim mình: “Tôi đã nuôi đứa bé lớn, đã cố gắng để nó không thiếu cơm ăn, chỗ ở, đã dạy nó biết yêu thương, lễ phép với mọi người, đã yêu cầu nó phải biết lao động trong điều kiện sức khỏe của nó cho phép”, và với cô, sự đặc biệt của đứa trẻ chỉ là “nó có đủ cả hai chân, hai tay”. Vậy nên, tay nát rượu Azdak- quan tòa “bất đắc dĩ” do hoàn cảnh chiến tranh mà được thăng quan, đã không thể đưa ra phán xử của mình mà phải dùng đến vòng phấn Kavkaz để phân xử xem ai sẽ là người có quyền nuôi dưỡng đứa bé- vốn bị mẹ đẻ bỏ rơi, nhưng nay lại quyết tâm giành lại vì nó được thừa kế cả một gia sản kếch xù.
Nhân vật cô hầu Grusche và chàng người yêu Simon. |
Vòng phấn Kavkaz được vẽ ra, đứa bé được đặt vào giữa và hai người mẹ sẽ cùng kéo, nếu ai kéo được đứa bé ra khỏi vòng phấn thì sẽ được quyền nuôi nhận. Với bản tính lạnh lùng và trái tim đá, Tổng trấn phu nhân đã ra sức kéo, còn Grusche – làm sao cô có thể làm đau đứa con, dù không phải cô dứt ruột sinh ra, nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh cuộc sống, thậm chí là hạnh phúc riêng để nuôi dưỡng; nên đã buông tay… Và phán quyết cuối cùng của quan tòa Azdak đã đưa ông tới đỉnh cao của sự nghiệp xét xử: “Sự vật sẽ thuộc về người nào làm cho nó tốt hơn”. Đó cũng là thông điệp mà Bertolt Brecht đưa ra trong vở diễn của mình, thông điệp đã trở thành tài sản chung của nhân loại, vẫn còn có giá trị đến tận ngày hôm nay. Bởi mỗi khi trên thế giới xảy ra một xáo trộn, mỗi khi ở một đất nước, một quốc gia nào đó, vì hoàn cảnh khó khăn, mà bản chất con người bộc lộ, những bon chen, tham lam ra mặt; thì cũng là lúc kịch “Vòng phấn Kavkaz” của Bertolt Brecht có thể là “bài học” cho họ, cũng như thông điệp “Sự vật sẽ thuộc về người nào làm cho nó tốt hơn” sẽ lên tiếng, khiến người ta hiểu ra rằng, không nên tranh giành những gì không thuộc về mình!
“Vòng phấn Kavkaz” của Bertolt Brecht, do Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Goethe phối hợp dàn dựng, đạo diễn nổi tiếng người Đức Dominik Guenther tham gia đạo diễn, với sự góp mặt của những diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, đã có màn cao trào như vậy và đó cũng là cái kết nhân hậu nhưng cũng đầy gợi mở của vở diễn, đúng như phong cách của nhà viết kịch đại tài người Đức này: Khép lại màn nhung là mở ra những trăn trở, suy nghĩ, đánh giá, thậm chí là giả định cho khán giả, để họ cùng tham gia vào sáng tác với ông.
“Học” làm kịch
Cũng phải 20 năm rồi, sân khấu Việt Nam mới gặp lại “Vòng phấn Kavkaz”, còn với sân khấu kịch Việt Nam, thì đây là lần đầu dàn dựng. 20 năm trước, vở diễn ra đời cũng với sự góp mặt của một đạo diễn người Đức khá nổi tiếng và do Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện. Sau 20 năm, một “Vòng phấn Kavkaz” hiện đại hơn xuất hiện, gây bất ngờ- nhưng là những bất ngờ đầy cảm hứng và đầy hạnh phúc cho cả lãnh đạo, diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ cũng như công chúng Thủ đô- những người tận mắt được xem vở diễn trong các tối 16-19/9, tại Nhà hát Tuổi trẻ. Như đánh giá của giám đốc NHTT Trương Nhuận, vở diễn mang một phong cách dàn dựng hoàn toàn khác biệt với các vở diễn của Việt Nam lâu nay.
Còn với đạo diễn- NSND Lê Khanh, phó đạo diễn của chương trình, thì việc dàn dựng vở diễn này cùng với đạo diễn Dominik Guenther, theo đúng phong cách dàn dựng kịch Bertolt Brecht trên thế giới cũng như ở Đức, kết hợp thêm những yếu tố hiện đại (nhạc pop), đã giúp các diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ lớn lên rất nhiều, học hỏi được rất nhiều. “Các bạn diễn viên cũng như chúng tôi đã học thêm được cách diễn xuất không xuôi chiều như lâu nay vẫn làm. Bên cạnh đó, tính hiện đại của vở diễn- dù là vở diễn ra đời cách đây 59 năm (năm 1955), cũng khiến chúng tôi vô cùng hào hứng, những thông điệp của vở diễn vẫn còn mang ý nghĩa tới tận hôm nay”, đạo diễn- NSND Lê Khanh chia sẻ.
Còn với nghệ sĩ Doãn Bằng, người chịu trách nhiệm cho thiết kế sân khấu của vở diễn, thì đây cũng chính là một cơ hội “đầy hào hứng” của anh, khi có thể làm những điều lâu nay mình chưa làm. “Cùng với đạo diễn, tôi đã dàn dựng một sân khấu với không gian và thời gian đều mang tính tượng trưng, không cụ thể cho một thời gian, không gian thực này. Ở đó, các diễn viên có thể “neo bám” vào không gian và thời gian để diễn xuất, mà cũng không cần rõ mình đang ở thời điểm cụ thể nào. Kể cả những bộ trang phục của diễn viên cũng là những bộ trang phục “phi thời gian, không gian”, góp phần thể hiện tính cách, nội tâm của nhân vật- đó là những điều rất độc đáo”- nghệ sĩ Doãn Bằng chia sẻ.
4 tuần, 30 ngày đã trôi qua kể từ thời điểm vở diễn khởi dựng, cũng là 4 tuần, 30 ngày đạo diễn Dominik Guenther cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên, lãnh đạo NHTT làm việc miệt mài, tối đa công suất để vở diễn có thể hoàn thành và ra mắt. Với các nghệ sĩ NHTT, đó là 4 tuần, 30 ngày của những hào hứng, đam mê khám phá, học hỏi cái mới, tiếp cận với nghệ thuật thế giới, tiếp cận với kịch Bertolt Brecht- một khoảng còn rất “ trống” của sân khấu Việt Nam đến tận hôm nay. Còn với Dominik Guenther, đó cũng là 4 tuần, 30 ngày tuyệt vời với những trải nghiệm ở một đất nước rất xa xôi với những con người thân thiện, nhân hậu và cũng đầy hài hước. Nói như Dominik Guenther, đến tận hôm nay, khi vở diễn ra mắt, anh vẫn khẳng định rằng: Mình không hề hối tiếc về quyết định nhận lời sang Việt Nam dàn dựng kịch, dù đã phải bỏ rất nhiều kế hoạch bận rộn khác của mình.
Tuyết Anh